Cuốn sách chia làm hai phần: Phần một gồm 150 bài thơ của Phan Duy nhân. Phần hai là 32 bài viết của Phan Duy Nhân và của bạn bè, đồng nghiệp viết về Phan Duy Nhân.
Trong sự nghiệp thơ của mình, Phan Duy Nhân có gần 600 bài thơ. Tiếc rằng, rất nhiều bài thơ của ông đã bị thất lạc. Dù sao, 150 bài thơ được in trong tập sách cũng là đáng quý, có thể giúp người đọc hiểu về thơ của ông. Với cuộc sống của một người hoạt động cách mạng, trải qua nhiều sóng gió, thơ của Phan Duy Nhân có đề tài rất rộng, có thể nói bao phủ hầu khắp những vấn đề chính yếu liên quan đến đời sống con người. Ở đó có tình yêu quê hương, đất nước. Có tình yêu lứa đôi. Có tâm tư thầm kín. Có tự vấn, có kêu gọi. Có rã rời bất lực, lại có hùng dũng kiên cường. Có nỗi niềm riêng. Có tiếng cười vui chung. Có lòng kiên cường dấn thân làm cách mạng, chịu tù đày, chịu hy sinh. Có niềm vui khi cách mạng thành công…
Qua thơ, có thể thấy Phan Duy Nhân không sợ lao tù, gian khổ, kiên định con đường đã chọn:
(Không đề 1)
Đau thương thì khổ luyện tim
Có thể nói đó là tuyên ngôn sống của một thanh niên yêu nước, sáng rõ lý tưởng cách mạng.
Trong gia tài thơ của Phan Duy Nhân, có những bài đã trở thành bạn tâm giao, dẫn dắt đường phấn đấu cho nhiều thanh niên, nhiều bài được nhiều người yêu thích. Bài thơ “Thư gửi các bạn sinh viên” được đánh giá là bài thơ “nhiều day dứt và thể hiện tư tưởng yêu nước cụ thể và chân thành nhất của Phan Duy Nhân”, ”đã đánh thức trong mỗi chúng ta năng lực sâu thẳm của lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân một cách gần gũi, chân thành nhưng cũng đầy suy tưởng và triết lý” (Hồ Thế Hà). Bài thơ “Thư cho mẹ và chị” được đánh giá “như một thứ hành trang bí ẩn”… “giúp tôi hiểu hơn về thân phận và tình thế cuộc sống” (Phạm Tấn Hầu), và là “Bài thơ se sắt một nỗi buồn. Một nỗi buồn uẩn khúc, day dứt và băn khoăn giữa Ý CHÍ và TÌNH CẢM. Sự mâu thuẫn nội tại trong lô-gic của hình tượng thơ đã làm nên cái hay, cái lay động của bài thơ” (Huỳnh Văn Hoa). Bài thơ “Cuối năm rời nhà trọ” “toát lên một sắc thái cổ điển. Ngôn từ đẹp mà giản dị, nhạc tính man mác nỗi buồn, tạo ra hiệu quả đằm sâu u hoài giữa thanh âm và ngữ nghĩa, dễ gieo vào lòng con người ta một nỗi cảm hoài xa vắng mênh mông” (Nguyễn Nhã Tiên). Nhiều bài thơ được đánh giá cao, như: “Những dấu chân”, “Lời xin bên thềm cửa”, “Nhịp gõ của sự buồn phiền”, “Lần từ chối thứ một ngàn”, “Thơ cho mẹ và chị”, “Thư nhà”, “Hành thiền”, “Thư gửi các bạn sinh viên”, “Thư quê hương”, “Ngợi ca bằng hữu tương lai”, “Thơ xuân đọc với Nam Hà”, “Cũng vầng trăng đó, tuổi thơ”, “Bài ca trăng thu sông Trà, “Bày tỏ với bình minh”…
Tựu trung, thơ của Phan Duy Nhân là loại thơ dấn thân vì nước vì dân, với giọng thơ phóng khoáng, hào hùng, đồng thời là loại thơ hướng vào cõi riêng thầm kín với giọng điệu trữ tình sâu lắng.
Trong phần viết về Phan Duy Nhân, các tác giả đã thể hiện sự kính trọng, yêu quý một người thơ tài hoa, một chiến sĩ cách mạng kiên cường. Trên các trang viết, hình ảnh Phan Duy Nhân hiển hiện với biết bao hoạt động vì nước vì dân, nhưng không cao xa mà gần gũi, giản dị. “Ông là tổng hòa những phiên bản: Dấn thân. Chấp nhận tù đày. Một tiếng thơ buồn về thân phận làm người. Một tiếng nói đầy khát vọng về tự do cho dân tộc. Một tiếng thét về bất công xã hội. Một tiếng lòng cho gia đình, bè bạn, người thân. Một âm vang lãng đãng hư huyền của thiền tịnh. Ông là tất cả những cung bậc ấy và ngần ấy cung bậc đều là tiếng nói thốt ra từ đáy lòng của ông” (Huỳnh Văn Hoa).
Một điều thú vị của cuốn sách, là đọc xong cả phần thơ của Phan Duy Nhân và phần viết về cuộc đời của ông, thấy có sự nhất quán về hình tượng một người chiến sĩ cách mang, một thi sĩ của nhân dân. Thơ ông hào hùng, nhập thế, bản thân ông cũng kiên cường, dấn thân. Nói như Dương Đức Quảng trong bài viết “Trầm luân nào có chừa ai”, thì Phan Duy Nhân “là nhân vật “hiếu trung” của một thế hệ sống quên mình vì hòa bình – thống nhất đất nước, là ngọn cờ của tinh thần dấn thân... Và anh làm tất cả những điều đó với tư thế của một trí thức, một Phật tử, một đảng viên trong tâm thế của một “hiệp sĩ” giữa sóng gió cuộc đời”.
Phan Duy Nhân, tên thật là Phan Chánh Dinh (Nguyễn Chính), quê gôc ở Quảng trị nhưng sống và hoạt động chủ yếu ở Quảng Nam – Đà Nẵng, ghi danh học ở Đại học Văn khoa và Đại học Luật khoa Huế. Hoạt động nội thành rồi bị bắt giam nhiều lần ở nhiều nhà tù miền Trung và miền Nam, lâu nhất là ở nhà tù Côn Đảo. Năm 1974 được trao trả theo nội dung Hiệp định Paris, rồi tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975. Trước khi nghỉ hưu, ông là cán bộ cao cấp, nhiều năm làm Quyền Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ.