Ông Lự… múa bông

21/09/2014 02:38

Theo dõi trên

13 tuổi đã cầm trên tay chiếc lồng đèn đầu tiên tham gia đội múa bông, chèo cạn của làng. Để rồi suốt 22 năm xa quê đi bộ đội, ông luôn đau đáu nỗi niềm làm sao khi trở về phải khôi phục được những nét xưa đã mai một trong lễ hội cầu mùa làng biển.

Ông là Nguyễn Lự (78 tuổi) ở thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình. 

Đi tìm điệu múa bông xưa

“Hai thế kỷ đã trôi qua từ khi lễ hội múa bông, chèo cạn có mặt ở xã biển quanh năm cát trắng bỏng chân này”, ông Lự mở đầu câu chuyện. Những truyền thuyết kỳ lạ, bí ẩn xoay quanh sự hình thành của nó vẫn luôn được các bậc tiền bối kể lại cho con cháu đời sau. 

Đó là mùa hè năm 1812, có một con cá voi khổng lồ trôi dạt vào vùng biển xã Cừ Hà (tức Bảo Ninh ngày nay). Nhân dân hợp sức đưa cá vào cửa biển Nhật Lệ và an táng. 10 năm sau, làng tiến hành cất bốc hài cốt. Trước khi cất bốc họ đã xây một cái lăng, gọi là lăng thờ cá Ông (đặt tại làng Sa Động, Bảo Ninh).

Một câu chuyện khác, có vị vua Nguyễn trên đường vi hành từ Huế ra Quảng Bình, đến đoạn sông Nhật Lệ bất ngờ gặp bão. Chiếc thuyền chòng chành, ngả nghiêng chực chìm xuống. Quan quân còn hốt hoảng chưa biết xoay xở sao thì bỗng một con cá voi rất lớn xuất hiện, trườn tới đỡ và dẫn đường cho thuyền vua đến nơi trú ẩn an toàn. Vua cảm động vô cùng nên đã ban sắc phong cho cá là Nam Hải Đại thần vương. Hàng năm, cứ vào ngày Rằm tháng 4 Â.L, nhân dân Bảo Ninh lại tổ chức tế lễ, cúng thần như một lời cám ơn Ngài cá đã đỡ nâng, cứu sống con người lúc bão tố mưa sa.  

Lễ hội cầu mùa ra đời từ đó, gồm phần Lễ và phần Hội (múa bông, chèo cạn). Một lễ hội văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện tín ngưỡng và truyền thống bao đời nay của cư dân các làng ven biển Quảng Bình. Là dịp người dân bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi qua những câu hò, điệu múa cầu mong cho Thiên - Hạ - Thái - Bình; cho Thuỷ - Bình - Ngư - Lợi. Bởi ngàn năm họ sống với biển cả và biển cả đã nuôi sống họ. 

Biên đạo múa của làng  

Năm 2012, lần đầu tiên TP. Đồng Hới đưa loại hình múa bông, chèo cạn biểu diễn trên đường phố. Đoàn diễu hành đi bộ qua cầu Nhật Lệ tiến vào quảng trường biển Bảo Ninh. Người ta thấy những gương mặt trẻ măng, tràn đầy sức sống vừa đi vừa múa rất đẹp, hùng tráng như đoàn quân xung trận. 

Bấy giờ, ông Lự đã nghỉ hưu sau 22 năm đi bộ đội Hải quân. Trở về, ông tiếp tục công tác xây dựng địa phương, tham gia múa bông với làng mỗi khi có dịp. Ban đầu, ông hết sức ngạc nhiên khi thấy múa bông ngày nay rất khác trước. Sợ rằng những điệu múa xa xưa của tổ tiên để lại có nguy cơ mai một, ông thức đêm hôm thảo đơn trình lên xã Bảo Ninh, bày tỏ mong muốn khôi phục những gì đã mất.   

Ngày làng giao trọng trách viết kịch bản, rồi làm đạo diễn chương trình múa bông của lễ hội cầu mùa, ông Lự vừa mừng vừa lo. Bởi khó khăn lớn nhất trong thời điểm đó, là những người biết rõ điệu múa truyền thống của làng đã mất hoặc đi xa. Vốn dĩ trước kia, múa bông giống như kịch câm. Người biểu diễn không nói gì, chỉ cầm lồng đèn chạy quanh và xếp chữ. Lớp trẻ ngày nay không hiểu hết được ý nghĩa của những động tác đó, dẫn đến biến thể. Ông Lự phải vận dụng toàn bộ trí nhớ của mình để viết, sửa từng câu, từng chữ cho phần thuyết minh múa bông. Trở thành biên đạo múa của cả làng, ngày đêm ông Lự hướng dẫn mọi người tập luyện, kỹ càng từ mỗi bước đi. 

Và kết quả, 7 đội múa bông (trừ thôn Hà Trung quá ít người để lập đội), đại diện cho 7 thôn của xã Bảo Ninh hoạt động rất sôi nổi, phục vụ cho việc tái hiện đời sống cư dân làng biển trong các dịp lễ.

Trăn trở những giá trị truyền thống 

Theo ông Lự, cội nguồn của lễ hội múa bông, chèo cạn xã Bảo Ninh xuất phát từ thôn Sa Động vì lăng thờ cá Ông đặt tại nơi này. Sau đó mới nhân rộng ra các thôn khác. 7 đội múa bông lại có 7 cách múa khác nhau. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất trước đây, khiến những giá trị truyền thống mất đi phần nào. 

“Sự mai một đó là tất yếu. Bởi ngay từ quan niệm đã khác trước rồi. Xưa dân gian gọi lễ hội cầu mùa thì nay cách gọi thường thấy lại là cầu ngư. Thật ra, cầu mùa khác với cầu ngư. Chữ Mùa là chỉ các ngành nghề của: Sử - Nông - Công - Thương. Trong đó: Sử là học hành, thi cử, Nông là nông nghiệp, Công chỉ công nghiệp, dịch vụ và Thương nghĩa là buôn bán. Lễ hội đến, người ta cầu may cho cả 4 ngành nghề đó chứ không riêng gì nghề ngư...”, ông Lự giải thích. 

Xưa lễ hội tổ chức tới 3 đêm: 15,16,17/4 Â.L, bắt đầu từ 18g tối. Dân làng tập trung về khoảng sân trước lăng thờ cá Ông dự lễ tế thần. Sau phần Lễ là phần trình diễn của đội múa bông, chèo cạn. 

Đội chèo cạn gồm 12 cô gái chưa chồng đứng xếp hàng song song trước bàn thờ. Mỗi bên 6 người sẽ chèo theo nhịp điệu của người Hò. Nội dung các điệu Hò do những nghệ nhân của làng tự biên, tự diễn. Hò chừng 1 giờ thì nghỉ và dạt sang hai bên để đội múa bông tiến vào. 

Đội múa bông gồm 12 Quân và 1 Cái. Tất cả đều là nam, hai tay cầm 2 chiếc lồng đèn vừa chạy vừa xếp chữ. Người Cái đứng đầu điều khiển cả đội. Màn múa chỉ kéo dài từ 35 - 40 phút nhưng thu hút rất đông người theo dõi. 

Trong năm, Rằm tháng 4 là ngày vui lớn của người miền biển. Họ ăn mặc rất đẹp, thu xếp việc vàng từ sớm để tối đi xem hội. Các cụ già trong làng túc trực cầu Ngài tới sáng. Đến ngày 18, cả làng tập trung mổ lợn, gà liên hoan mừng mùa mới ấm no, sung túc. 

Việc duy trì và tái hiện lễ hội cầu mùa sao cho chân thực, thường niên là điều khiến ông Lự trăn trở suốt một thời gian dài. Nhất là về điệu múa bông, sự biến thể từ dạng chữ cho đến các động tác khiến ông rất buồn lòng. Như có năm, người ta xếp chữ T thay vì chữ Thiên ( ) là sai hoàn toàn. Khi sửa lỗi này, ông cũng đã tận tình nói rõ ý nghĩa của nó cho dân làng hiểu. 

Với ông Lự, tình yêu dành cho điệu múa bông lớn như phần máu thịt đã ngấm vào xương, tuỷ. Quá trình gian nan tìm đường khôi phục, hướng dẫn con cháu quay về điệu múa ngàn xưa từng làm ông mệt mỏi rất lâu. 

Chuyện trò với ông tôi mới được biết ngày xưa, luật lệ tuyển chọn rất nghiêm ngặt: Diễn viên chèo cạn phải là gái chưa chồng vì đời xưa coi trọng trinh tiết. Đi tập gọi rất đông người dự phòng có ai “trục trặc” thì cho nghỉ. Nay điều đó có phần thoáng hơn. Nếu như, chèo cạn có đẹp không tuỳ vào tập thể múa đều hay méo thì ngược lại, múa bông ra sao là ở người Cái. Người được chọn làm Cái phải nhanh nhẹn, tháo vát, có tinh thần trách nhiệm cao. Điều quan trọng nữa là họ sinh sống lâu dài ở địa phương, bởi việc đào tạo múa bông không phải chỉ để ngày một, ngày hai. 

7 người đại diện cho 7 đội múa sẽ cùng tập trung xem ông Lự làm mẫu rồi học theo. Sau đó ông trực tiếp về các thôn giám sát, chỗ nào làm chưa chuẩn ông sửa tận tay. Chẳng hạn, người cầm Cái khi dẫn đội mình vào sân phải đi theo hình tứ trụ thế nào, tiếp vòng tròn để chuyển đội hình xếp hàng tư ra sao. Rồi cách bái lạy thần linh: 1 lạy, trời đất Thiên địa, 2 lạy: Ngài và Thổ công, Hà bá, 3 lạy: Vong hồn của các ngư dân qua nhiều thế hệ đã trút hơi thở cuối cùng về với biển cả, 4 lạy: Cầu mong cho Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà, cho Thiên, Quang, Hoá, Nhật... cũng được ông chỉ dẫn tận tình. 

Trước đây, dân gian múa 3 đêm, xếp 12 chữ, nhưng nay vì nhiều lý do (trong đó có lý do kinh phí) nên chỉ còn một đêm. Họ chọn điệu múa đầu tiên với 4 chữ Thiên - Hạ - Thái - Bình là ước nguyện thiêng liêng nhất của con người để biểu diễn. Xếp xong chữ Thiên, đội múa tiếp tục xếp chữ Hạ, rồi chữ Thái và chữ Bình. Mỗi điệu múa tái hiện sự vuông tròn của cuộc sống, rồi những con sóng dữ, hay gian lao, khổ hạnh của ngư dân khi gặp phong ba bão táp trong đời. Cứ thế cho đến điệu múa thứ 10, tất cả lại chuyển sang đội hình hàng tư để hạ cờ kết thúc. 

Có xem ông Lự múa bông mới thấy tâm huyết và sự am hiểu tinh tường của ông. Một thay đổi rất nhỏ ông cũng nhận ra. Ông bảo: “Xưa bọn tau múa, kể cả Cái hay Quân đều mặc quần dài trắng, áo đen, chân quấn xà cạp đỏ đi chân đất chứ tiền mô mua lụa là đẹp như bây chừ. Khổ sở, thiếu thốn rứa nhưng ai cũng vui tươi. Mô như bây chừ thuyết phục mãi tụi nhỏ còn không chịu đi...”, giọng ông Lự có chút ngậm ngùi, trách móc. 

Nói thế, nhưng bao năm qua ông Lự vẫn kiên trì “giữ hồn” cho điệu múa bông xưa làng biển. Điều hạnh phúc nhất là cùng với dân làng, ông đã khôi phục được gần như tất cả nét múa xưa, không để những mai một chen lấn. Hỏi vì sao không làm hồ sơ nghệ nhân dân gian, ông lắc đầu giản dị: Hữu xạ tự nhiên hương... 

Hà Phương
Bạn đang đọc bài viết "Ông Lự… múa bông" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.