Giá vé chợ đen cao ngất ngưỡng với giá tăng từ 2,5 đến 3 triệu đồng/vé, trong khi giá vé chính thức hàng VIP chỉ 1 triệu đồng.
Khán giả dành cho NSND Ngọc Giàu nhiều tình cảm bởi bà vẫn giữ được phong độ trong việc hóa thân vào các vai diễn dù đã ở tuổi 70. Trước đây khi vừa bước chân vào nghề, giọng ca của bà đã được các thầy tuồng là những nghệ sĩ lão thành của sân khấu cải lương miền nam đặt nghệ danh là “giọng ca lụa trãi nhung căng”, thì ưu thế đó đến nay vẫn còn đầy giá trị, bổ sung thật tinh túy cho từng vai diễn, dù đó là những vai hài kịch, mang tính châm biếm. Bà đưa vào kịch những câu ca, những điệu lý, để khán giả cười đó nhưng cảm xúc da diết dạt dào. Với vai bà mẹ già nuôi những đứa trẻ mồ côi trong câu chuyện “Nỗi lòng của mẹ”, bà làm khán giả xúc động khi gánh trên vai hai nồi chè, đi trong mưa, lầm lũi rao hàng, để rồi mua cho các con từng cái bánh, từng củ khoai, đùm bọc những mãnh đời bất hạnh. Bài hát “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân với tiếng hát của bà và các ca sĩ: Phương Thanh, Minh Thuận đã chạm đến trái tim khán giả, vì khi diễn những vai bà mẹ nghèo, NSND Ngọc Giàu đã đem chính nỗi niềm của bà, một người con sớm mồ côi mẹ thể hiện thân phận với mong muốn được chia sẻ. Với vai Đổng Trác, đi theo trường phái mà NSND Phùng Há đã sáng lập, bà gần như là nữ nghệ sĩ của thế hệ nghệ sĩ vàng còn đủ sức diễn loại vai này. Bởi hóa thân vào vai Đổng Trác không dễ, từ cách hóa trang, dáng đi, vũ đạo cho đến tiếng cười sang sảng, đúng tính khí háo thắng, mưu mô của thừa tướng họ Đổng. Vậy mà ở tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn ngao du cùng Đổng Trác, làm khán giả say mê khi đưa họ đến những cung bậc cảm xúc khác nhau, mà chỉ có bà là người đo được cảm xúc ấy, “như mình là người cần chèo, đưa khán giả đi từ dòng kênh nhỏ, ra đến dòng sông lớn. Nghề nghiệp mắc bảo tôi điều này và vì sao 7 năm rồi tôi mới làm live show, nếu “Khúc tương tư” là cải lương, thì “Duyên lắm người ơi!” là hài kịch, để đáp lại lòng thương mến của bà con khán giả” - bà tâm sự.
Khi chọn chủ đề “Duyên lắm người ơi!”, NSND Ngọc Giàu xác nhận nghề diễn viên hài khó gấp trăm lần người nghệ sĩ diễn vai bi thương. Bà không thuộc típ người chọn cười hình thể, lấy cái nhố nhăng, cường điệu che lắp nội dung câu chuyện và tình huống gây hài. “Để bà con khán giả khen có duyên lắm, không đơn giản chút nào. Ngày nay các em trẻ thấy trên màn ảnh các danh hài diễn sao dễ cười quá, làm gì cũng cười được, nhưng rồi đọng lại điều gì sau tiếng cười mới là quan trọng. Và cái duyên đó ẩn sau tiếng cười là bài học gì?” - bà tâm sự.
Ấy thế mà hiếm khi thấy sau đêm diễn bà la cà hàng quán, mà ngồi lặng lẽ bên trong cánh gà để quan sát. Danh hài Hoài Linh nói: “Nễ má Giàu là vậy. Hiếm khi nào về sớm, dù mệt cũng xem cho hết tuồng. Hôm nay đứa nào diễn tệ, vào cánh gà má nhắc nhỡ. Hài kịch có má như có thêm cái gương để anh em trẻ soi mình”. Với nghệ sĩ Tú Trinh, chị kể: “Hồi đó diễn vở “Thương đâu gã đó”, mỗi đêm Trung Dân diễn một kiểu hài, chị sáu Giàu rầy, sáng tạo gì cũng phải rập khuôn, đừng vì bản thân mình mà phá hết đội hình của bạn diễn. Ở chị sáu Giàu là tính đồng đội. Vai hài cười phải suy gẫm, cười phải đau với nỗi đau thân phận nhân vật, chứ không phải đau vì bị khán giả chê”.
Nam Khánh (Tạp chí SK Tp/HCM)