
Hằng ngày, có rất nhiều đoàn khách dừng chân nơi đây chiêm ngưỡng kỹ năng rèn dao điêu luyện của người dân trong làng. Ai cũng thích thú vì được tận mắt nhìn thấy những người nghệ nhân rèn ra những con dao tinh xảo, đủ mẫu mã với chất lượng tuyệt hảo.
Có những du khách khi ghé thăm các xưởng rèn dao đã trầm trồ thán phục trước tài năng người dân làng nghề, muốn được thử chất lượng của những con dao do chính tay các nghệ nhân làm ra. Có người đã mua hàng chục con dao thái và dao chặt xương về dùng, làm quà biếu cho người thân khi đến Cao Bằng.
Xét về hình thức và màu sắc thì dao Phúc Sen không thể đẹp bằng dao sản xuất công nghiệp, nhưng chất lượng thì vượt trội. Dao có thể thái được thịt đóng đá trong tủ lạnh, có thể chặt được cả cây sắt nhỏ hay kim loại mà không bị mẻ, bị quăn lưỡi.
Nghệ nhân Lương Văn Cương bật mí về bí kíp, dao tốt như vậy là do được làm từ những chiếc nhíp ô tô cũ, nhiều nhất là xe của Nga. Đồng thời được rèn thủ công với những bí quyết gia truyền. Giờ nghề rèn nhàn hơn ngày xưa là do có một số thiết bị hỗ trợ như quạt điện, máy mài, máy cắt,…

Từ năm 12, 13 tuổi anh theo bố anh học nghề rèn và phải đến năm 18 tuổi anh mới chính thức trở thành một thợ rèn điêu luyện. Nghề này đã ngấm vào máu nên giờ anh cũng không biết và không muốn chuyển làm nghề gì khác để kiếm sống.
Với lợi thế làng rèn nằm cạnh quốc lộ 3, thuận tiện thông thương hàng hóa nên dao Phúc Sen đã được đặt hàng và bán đi mọi miền đất nước. Ngoài ra còn được các lái buôn bán sang Trung Quốc với số lượng lớn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Dao Phúc Sen có tiếng, nên cũng vì vậy mà xuất hiện những con dao làm giả, chất lượng kém mang danh dao Phúc Sen.