Nỗi buồn sau các cảnh nóng kinh điển

11/10/2015 21:46

Theo dõi trên

Để sống với nhân vật, nghệ sĩ và ê-kíp làm phim đã phải trải qua không ít rào cản.

Cô gái trên sông

Nguyệt trong Cô gái trên sông đã mang lại cho NSƯT Minh Châu tình cảm yêu mến của khán giả và giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 1988. Đó là một trong những bộ phim hiếm hoi có cảnh nóng ở thời điểm ấy nên khán giả kéo đến rạp nườm nượp.
 

Vào vai một cô gái bán hoa lênh đênh trên sông nước, NSƯT Minh Châu bắt buộc phải thể hiện rất nhiều cảnh quay nhạy cảm như cảnh Nguyệt khỏa thân trên bè hay quan hệ tình dục với một tay giang hồ.

Trong khi đạo diễn Đặng Nhật Minh tỏ ra rất tha thiết thì nữ diễn viên xinh đẹp lại phải đối mặt với rất nhiều trăn trở.

Chị sợ miệng đời, sợ ánh nhìn của thiên hạ dù đó chỉ là một vai diễn trên phim. Vì lẽ đó, họ giận nhau. Cho đến khi nhận được cái gật đầu của người nghệ sĩ, đạo diễn tài hoa đã phải mất rất nhiều công sức.

Phim thành công, đạo diễn và cả nữ diễn viên chính được nhiều người biết đến. Nhưng đằng sau niềm vinh quang đó là cả một nỗi buồn dài.

Chồng của NSƯT Minh Châu lúc đó, nghệ sĩ Kiều Tuấn, lại là phó đạo diễn của phim. Dù không bằng lòng với những cảnh quay nóng bỏng của vợ nhưng anh chẳng một lời phàn nàn, thay vào đó là sự im lặng đến đáng sợ.

Sự việc khiến Minh Châu buồn phiền hơn bao giờ hết. Chị thấy có lỗi, vì vậy sau này anh có nói gì, chị cũng nhất nhất nghe theo. Thế nhưng, dường như sự đền bù ấy chẳng mang lại kết quả.

Nói đó là lý do khiến họ chia tay nhau sau này cũng chẳng đúng. Vậy nhưng, khó có thể phủ nhận được vai diễn ấy đã đặt thêm một viên đá nặng vào cuộc hôn nhân vốn dĩ có nhiều khúc mắc.
 

Làng Vũ Đại ngày ấy

“Đột phá sex của Việt Nam”, đó là những từ ngữ công chúng dùng mỗi lần nhắc đến bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa.

Cũng giống truyện, cảnh Chí Phèo cưỡng bức Thị Nở trong vườn chuối là chi tiết rất quan trọng. Bởi, đó là khoảnh khắc đánh dấu sự thay đổi của một nông dân nghèo, vì dòng đời xô đẩy mà trở thành một kẻ bê tha, nát rượu.

Quay cảnh phim này, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã chọn một người mẫu vẽ đóng thế cho nghệ sĩ Đức Lưu vì lúc ấy, bà đã 40 tuổi. Nhưng bao nhiêu đó không đủ để giải quyết hết những trắc trở của cảnh phim khi phần lớn đều đến từ tâm lý của diễn viên.

Lúc người mẫu vẽ sợ hãi co rúm người, khi nghệ sĩ Bùi Cường, người vào vai Chí Phèo, cảm thấy bối rối với tâm lý nhân vật. Chính vì thế, cả đoàn phải mất hơn một tuần vừa tập vừa quay mới có thể hoàn thành cảnh quay ấn tượng.

Khi phim ra rạp, cả ê-kíp làm phim phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt với phản ứng của dư luận. Thế nhưng, có sẵn sàng như thế nào, nghệ sĩ Bùi Cường vẫn cảm thấy rất bối rối khi nhìn thấy vợ đứng dậy, bỏ ra ngoài ngay khi xem chồng đóng cảnh âu yếm.

Trong khi đó, chuyện nghệ sĩ Đức Lưu có diễn viên đóng thế không phải ai cũng biết. Vậy nên, bên cạnh những người yêu mến và ủng hộ, bà còn phải đối mặt với những ánh mắt xoi mói. Thậm chí, họ còn nói ra nói vào những lời không hay, xúc phạm đến gia đình bà.

Tâm hồn nghệ sĩ vốn dĩ đã mỏng manh, khi gặp chuyện lại càng thêm yếu đuối. Nghệ sĩ Đức Lưu đã không biết bao lần rơi nước mắt vì sự phán xét của người đời.

Số đỏ

Ra rạp năm 1990, bộ phim Số đỏ được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đã tạo nên một cơn sốt.
 

Để phản ánh đúng tấn bi kịch của xã hội lúc bấy giờ, đạo diễn Hà Văn Trọng và Lộng Chương đã cho khắc họa rõ nét từng nhân vật như cô Tuyết xinh đẹp muốn hư hỏng “một cách có khoa học” hay Hoàng Hôn, một người đàn bà đã có chồng vẫn thích ngoại tình.

Cả hai có rất nhiều cảnh quay nóng bỏng, để lộ lưng trần, bầu ngực, thậm chí còn có cảnh ân ái với người tình. Sự táo bạo này nhanh chóng đánh vào tâm lý tò mò của công chúng. Họ chen nhau, kéo đến rạp đông nghịt, khiến công an phải đứng dày đặc vì sợ vỡ trận.

Đúng vào thời điểm ấy, phim đã vấp phải lệnh cấm chiếu vì cho rằng có nhiều cảnh hở hang, phản cảm, làm ảnh hưởng đến lối sống của thanh niên thời bấy giờ. Cả đoàn làm phim hoang mang trong khi những người chưa được xem phản ứng rất dữ dội.

May mắn thay, khi biết việc này, một vị lãnh đạo lớn đã yêu cầu được xem phim. Điều đáng nói là khi xem xong, ông còn khen phim tốt và còn tặng quà cho đạo diễn Hà Văn Trọng.

Cây thuốc lá Bông Sen và một gói bánh đã phá vỡ hoàn toàn lệnh cấm ấy để gìn giữ một tác phẩm còn nguyên giá trị thời đại cho đến bây giờ.

(Theo Trí Thức Trẻ)
 

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi buồn sau các cảnh nóng kinh điển" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.