Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó trưởng nhóm 2; Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó trưởng nhóm 2.
Về phía TPHCM tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM; Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.
Phát huy tối đa có hiệu quả vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TPHCM
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, TPHCM là trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới, trở thành động lực, đầu tàu kinh tế, hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm vừa qua, TP đã phải đối mặt với những khó khăn thách thức vô cùng lớn từ bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước, nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề và sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng và tinh thần người dân. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã và đang từng bước chuyển các hoạt động kinh tế - xã hội từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang duy trì ổn định và phát triển, giai đoạn 2021-2022 bình quân GRDP TPHCM chỉ tăng 1,58%; 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,55% và 9 tháng đầu năm 2023 ước tăng 4,57%.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, để tiếp tục phát huy tối đa có hiệu quả vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TPHCM trong công cuộc đổi mới giai đoạn tới, Đảng và Nhà nước đã chủ trương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP và TP Thủ Đức. Đây cũng chính là những cơ chế, chính sách để TP thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là chủ trương lớn của Đảng ta. Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam, là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần thiết, nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, định hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đồng thời trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, tại chuyến khảo sát này, đoàn sẽ tập trung thảo luận những kinh nghiệm của TPHCM từ thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn TP, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam;…
Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự buổi làm việc đi sâu làm rõ quan điểm của TPHCM về sự phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN từ 1986 đến nay (tập trung vào 10 năm gần đây). Trong đó có các quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN qua các kỳ Đại hội và trong các Nghị quyết có liên quan; đánh giá sự phát triển trong nhận thức tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản, các quan điểm của Đảng về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đồng thời, đánh giá của TPHCM về thực trạng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở TP nói riêng và Việt Nam nói chung từ năm 1986 đến nay (tập trung vào 10 năm gần đây). Cụ thể là thành tựu trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tại TPHCM. Cùng với đó là các nội dung về những vấn đề hạn chế, tồn tại trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn TPHCM. Nguyên nhân của thành tựu, hạn chế, vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn TPHCM.
Một trong những nội dung khác là đánh giá chung của TPHCM về đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và một số đề xuất nhằm tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…