Những “bậc thầy” phiên dịch tự nhận mình “không tên, không số“

23/03/2017 09:36

Theo dõi trên

Người phiên dịch trong cabin tự nhận mình là “no name”, “no face, no number” (không tên, không hình dáng, không số).

“Bậc thầy” của nghề phiên dịch

So với biên dịch hay dịch ứng đoạn, nghề phiên dịch cabin được đánh giá là khó khăn và áp lực hơn rất nhiều. Họ phải làm việc với cường độ cao, tai nghe và não hoạt động trong khi miệng vẫn dịch liên tục song song với nội dung diễn giả đang phát biểu. Chính vì vậy, họ được gọi là những “bậc thầy” của nghề thông dịch.

Tình cờ bén duyên với nghề hơn 17 năm nay, cô Đậu Thị Lê Hiếu (Giảng viên Viện Ngoại Ngữ - Đại học Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ: “Để trở thành một phiên dịch cabin chuyên nghiệp thì ngoài khả năng ngoại ngữ thành thạo còn phải luyện tập phản xạ dịch, tốc độ nói và làm quen với sức ép công việc”.

Theo cô Hiếu, người Anh hay người Mỹ thường có tốc độ nói từ 300 – 450 từ/ phút. Các phiên dịch viên buộc phải bắt đầu dịch sau chủ thể 1 giây để có thể bắt kịp với nội dung.

Cũng giống như cô Hiếu, cô Phạm Hương (Trưởng bộ môn thực hành dịch – Khoa tiếng Nhật - Đại học Hà Nội) cũng là một phiên dịch viên cabin có tiếng. Cô cho biết: “Khác với tiếng Anh, trong tiếng Nhật động từ thường nằm cuối câu. Các phiên dịch viên phải nắm vững kiến thức và phải có kinh nghiệm để có thể đoán được động từ”.




Phiên dịch viên làm việc trong cabin tại buổi hội thảo

Đối với các phiên dịch viên, phần thảo luận trong mỗi buổi hội thảo, tọa đàm là khó khăn nhất do không có sự chuẩn bị trước. Ngoài ra, họ cũng luôn phải tìm cách diễn giải các điển tích, thành ngữ hay thuật ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực như kĩ thuật, hàng không sao cho thật chính xác và dễ hiểu nhất.

Là những người kết nối diễn giả và khán giả, góp phần không nhỏ vào hiệu quả, thành công của một chương trình nhưng các phiên dịch viên cabin lại chỉ được biết tới thông qua giọng nói. Họ tự nhận mình là những người “no name, no face, no number” (không tên, không hình dáng, không số).

Mức lương tỉ lệ thuận với áp lực

Thông thường, một phiên dịch viên cabin được trả từ 250 – 300$/ngày, thậm chí với những chủ đề khó thì mức lương có thể lên tới 600 – 700$/ngày. Tuy nhiên để có thể được ngồi trong phòng cabin, họ đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian luyện tập.

Ngay từ khi còn là sinh viên, hàng ngày cô Lê Hiếu đã bắt đầu luyện tập với các đoạn băng từ đơn giản tới phức tạp để rèn cho mình tốc độ dịch, tốc độ nói bắt kịp với người nước ngoài. Cô phải luyện tập cho tới khi phiên dịch trở thành một phản xạ, không chỉ nghe để hiểu mà còn phải tổng hợp và sắp xếp thông tin để truyền đạt lại.

Tai nạn nghề nghiệp là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trong lĩnh vực thông dịch. Lúc mới bước chân vào nghề, cô Phạm Hương đã gặp phải sự cố khiến cô nhớ mãi. “Khi cô nói từ có nghĩa là những mỏ than ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, núi Hoàng Sơn ở Trung Quốc cũng phát âm là như vậy. Đây là hai từ đồng âm khác nghĩa. Chính vì vậy mà đã gây ra sự hiểu nhầm. Và khán giả là một đạo diễn người Nhật đã quyết định tới tận Quảng Ninh để xem.” – cô Hương cho biết.

Khó khăn, áp lực là vậy, nhưng chính nghề phiên dịch cabin đã đem lại cho họ rất nhiều niềm vui. Trong một lần làm việc ở hội thảo dành cho các biên dịch và phiên dịch viên, áp lực của cô Hiếu dường như tăng lên rất nhiều vì phải dịch cho những người đồng nghiệp, người trong nghề. Khi chương trình kết thúc, nhiều người đã dành lời khen và chúc mừng khiến cô Hiếu cảm thấy rất hạnh phúc.

Luyện tập không ngừng nghỉ ngay từ khi vẫn ngồi trên ghế trường rồi làm việc với cường độ cao, các phiên dịch viên đến với nghề không chỉ vì mục đích kinh tế. Với họ đây là cơ hội để thử thách chính bản thân mình, được đi đây đi đó và mở mang kiến thức trên nhiều lĩnh vực của đời sống./.


CTV Ngọc Thu

Nguồn: VOV.VN
Bạn đang đọc bài viết "Những “bậc thầy” phiên dịch tự nhận mình “không tên, không số“" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.