Nhiều kinh nghiệm quý về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch

06/11/2023 11:05

Theo dõi trên

Sau gần 2 năm triển khai, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Trong đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa để phát triển du lịch tại các địa phương là một trong những điểm nhấn quan trọng.

v-236346745784854-1699243471.jpg
Di sản Thành Nhà Hồ.

Nhiều kinh nghiệm quý từ bảo tồn, phát huy di sản Thành Nhà Hồ để phát triển du lịch

Ngay sau khi di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO ghi danh, để bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng và thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất chiến lược trong công tác quản lý và bảo tồn khu di sản này.

Trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ xây dựng và thực hiện, công tác quản lý, bảo tồn khu di sản, tỉnh Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả, để lại nhiều dấu ấn quan trọng của hoạt động này, thể hiện nỗ lực cũng như quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc tham gia và thực hiện Công ước Bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 cũng như thực hiện Luật Di sản văn hóa của quốc gia thành viên.

Theo TS. Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Khai thác, phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện công tác khai thác, phát huy giá trị tại Khu di sản Thành Nhà Hồ.

Theo đó, mục tiêu của đề án là đưa Khu di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm tham quan trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước, đưa tổng lượng khách du lịch từ 78.500 lượt khách năm 2016 lên 800.000 lượt khách/năm vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng từ 18,7% giai đoạn 2016-2020 lên 13,6% giai đoạn 2026-2030; đưa tổng mức thu từ hoạt động du lịch từ 745 triệu/ năm 2016 lên 2.000 tỷ vào năm 2030. Các mục tiêu về cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đạt 900 phòng vào năm 2030, lao động trong lĩnh vực du lịch tại Khu di sản đạt 200 người vào năm 2030.

Nhiệm vụ đề án tập trung vào các lĩnh vực cụ thể đó là: "Quản lý, bảo vệ cảnh quan, môi trường Khu di sản; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật; xây dựng sản phẩm du lịch truyền thống; xây dựng các tuyến tham quan du lịch.

Để thực hiện nhiệm vụ, đề án tập trung vào 6 nhóm giải pháp, đó là: giải pháp về quy hoạch đầu tư, giải pháp về quản lý Nhà nước, giải pháp về tuyên truyền quảng bá, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về vốn, giải pháp về hợp tác phát triển. Tổng mức kinh phí đầu tư cho đề án là 916.200.000.000 đồng, trong đó nguồn xã hội hóa là trên 600 tỷ đồng". Thời gian thực hiện từ 2016-2030, phân kỳ thực hiện làm 3 giai đoạn: 2016-2020, 2021-2025 và 2025-2030.

Sau khi phê duyệt đề án, trong các năm từ 2016 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn lực rất lớn để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, Sở VHTTDL, UBND huyện Vĩnh Lộc và các cấp ngành liên quan chủ động thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án.

Đến nay, loại hình du lịch cộng đồng đã bắt đầu hình thành tại Khu di sản Thành Nhà Hồ, các tuyến tham quan du lịch được mở rộng phong phú hơn, công tác tập huấn về kỹ năng du lịch, giao tiếp ứng xử trong du lịch, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ phục vụ du lịch đã được triển khai tại Khu di sản Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú, sản phẩm du lịch tại Khu di sản triển khai còn chậm so với mục tiêu của Đề án được duyệt.

Thực tiễn công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị du lịch Khu di sản Thành Nhà Hồ thời gian qua, có thể rút ra những kinh nghiệm thực tiễn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động quản lý di sản văn hóa thời gian tới.

Thứ nhất là, nâng cao vai trò và vị trí của cộng đồng trong quản lý, khai thác và phát huy giá trị du lịch di sản; Thứ hai là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn với bảo tồn môi trường và không gian cảnh quan di sản một cách bền vững; Thứ ba là Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Thứ tư là bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa các mối quan hệ; Thứ năm là đẩy mạnh sự quan tâm đầu tư trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết, giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và lưu trú thời gian dài hơn là nhiệm vụ chung của các cơ quan ban ngành, đơn vị quản lý.

"Đây cũng chính là mục tiêu mà tỉnh Thanh Hóa đang hướng tới trong hoạt động quản lý Khu di sản độc đáo này nhằm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ xứng tầm của một di sản thế giới" - TS. Nguyễn Bá Linh cho hay.

vnn36547547854-1699243514.jpg
Thi dệt vải Lanh tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc năm 2023.

Không "hy sinh" văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bằng mọi giá

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được tỉnh Hà Giang quan tâm, chú trọng. Tính đến nay, Hà Giang đã tổ chức bảo tồn được 34 di sản văn hóa phi vật thể, có 28 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong các di sản được bảo tồn và được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 7 di sản của dân tộc Mông.

Theo bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trong phát triển du lịch, trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thông qua việc thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mông và tạo ra những sản phẩm phát triển du lịch trong chính cộng đồng dân tộc địa phương, làm sao để văn hóa dân tộc không chỉ có chức năng khám phá, nâng cao hiểu biết, mà còn có chức năng giáo dục truyền thống văn hóa đối với các thế hệ, giáo dục ý thức dân tộc trong mỗi người dân...

Đồng bào dân tộc Mông có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ và tạo kế sinh nhai cho người dân. Bên cạnh đó, văn hóa dân tộc Mông đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, Festival khèn Mông, nghệ thuật thổi và múa khèn Mông, ngày hội văn hóa dân tộc Mông, các làm điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc…

Theo bà Triệu Thị Tình, việc bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc Mông tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Du lịch văn hóa góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, chuyển đổi hình thức kinh tế từ độc canh cây ngô, lúa sang làm du lịch, sen canh tăng vụ trồng các loài hoa tam giác mach, hoa cải, hoa hướng dương, hoa cúc thạch để phục vụ nhu cầu khách đến thăm quan chụp ảnh lưu niệm…

Để đạt được những kết quả như trên, bên cạnh sự quan tâm và những cơ chế chính sách kịp thời của Trung ương và của tỉnh trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, ngành VHTTDL Hà Giang đã chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực hằng năm thông qua các lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng trong vận hành khai thác du lịch đã nâng cao một bước hiệu quả công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch trong đó có đồng bào dân tộc Mông (riêng các làng văn hóa du lịch dân tộc Mông đã triển khai hơn 10 lớp truyền dạy, tập huấn du lịch).

Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch, nhiều giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề chế tác Khèn (Đồng Văn), dệt lanh (Hợp tác xã Lùng Tám, Cán Tỷ huyện Quản Bạ, Hợp tác xã Lanh Sủng Là, Đồng Văn) và các loại hình văn hóa dân gian. Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước và con người nơi đây đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, từ thực tiễn trên cho thấy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch là vấn đề Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế.

Theo đó, cần thống nhất quan điểm bảo tồn văn hóa là nguyên tắc hàng đầu, không "hy sinh" văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bằng mọi giá, đặc biệt chú ý đến phát triển bền vững và của điểm và khu du lịch, chống sự quá tải trong việc đón khách.

Xây dựng một chiến lược sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, xác định môi trường tự nhiên và cảnh quan sinh thái là điều kiện tiên quyết trong phát triển du lịch tương lai; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của các bên tham gia hoạt động du lịch, trong đó phải đề cao vai trò chủ nhân của cộng đồng dân tộc tại địa phương trong hưởng lợi.

Mặt khác, du lịch bền vững cũng phải chú ý vấn đề giới, tỷ lệ thất nghiệp theo mùa, xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo khách. Cần bảo đảm hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, định hướng cộng đồng cư dân địa phương vừa thực hành kinh tế truyền thống, vừa tham gia kinh doanh du lịch. Lợi nhuận của du lịch cần phải được phân bổ công bằng, đóng góp cho việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, cân bằng giữa phát triển kinh tế truyền thống với phát triển du lịch./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Nhiều kinh nghiệm quý về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.