Khi hỏi về lý do lựa chọn làm công việc này trong suốt quãng thời gian vừa qua, bà Xuân cười nói: “Việc giữ gìn di tích, môi trường là trách nhiệm của mỗi công dân. Với tôi, đó còn là một niềm vui. Mỗi buổi sáng, chị em trong chi hội chúng tôi thường ra đài tưởng niệm để tập dưỡng sinh cùng nhau, do đó mỗi sáng tôi thường ra sớm hơn để tranh thủ quét dọn khuôn viên rồi sau mới tập dưỡng sinh với các chị, em trong chi hội”.

Ngoài những lúc quét dọn, bà Xuân còn dành thời gian tranh thủ dùng những tàu cọ được trồng tại Đài tưởng niệm rồi tự buộc thành những chiếc chổi. Với sự sáng tạo, bà còn dùng chính những tàu lá đó làm thành một chiếc kho nhỏ để cất các vật dụng như chổi, rổ,... mà hàng ngày được sử dụng để quét dọn vệ sinh cho nơi đây.
“Ngày nào tôi cũng tới dọn, không ngày nào tôi không đi, có những ngày bận quá tôi vẫn tranh thủ lên quét dọn rồi mới về lo công việc của gia đình. Ở một nơi tôn nghiêm và là niềm thiêng liêng, tự hào của mỗi người dân trong khu dân cư chúng tôi nên tôi tự nhắc nhở mình phải dọn dẹp thật sạch nơi đây”, bà Xuân chia sẻ thêm.
Không những vậy, bà Xuân còn luôn hăng hái tham gia cùng các thành viên trong Chi hội dọn dẹp vệ sinh toàn khu dân cư, góp phần làm đẹp môi trường cho người dân nơi đây.
Đánh giá về việc làm của bà Xuân, bà Nguyễn Thị Túc (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 5) cho biết: “Là một người phụ nữ cần cù, chịu thương chịu khó đối với gia đình cũng như đối với tập thể, trong nhiều năm nay, chị Xuân có nhiều uy tín đối với chi hội. Được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng đội tự quản vệ sinh môi trường của chi hội, chị Xuân rất có trách nhiệm, mang hết cả tâm huyết, nhiệt tình để gánh vác, làm tốt vai trò nhiệm vụ này. Chị Xuân rất xứng đáng nhận danh hiệu phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà”.