Hội đồng duyệt phim rất cẩn trọng
Nhà báo Trần Việt Văn, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia (Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình) cho biết, việc xuất hiện phim có đường lưỡi bò phi pháp được lặp đi lặp lại ở rất nhiều bộ phim rõ ràng là ý đồ rất bài bản của Trung Quốc để biến điều phi pháp, vô lý thành quen thuộc.
Trung Quốc có chiến lược tuyên truyền về đường lưỡi bò phi pháp, lặp đi lặp lại để biến điều phi pháp thành điều hợp lý. Đây là một ý đồ được thực hiện bài bản, rất nhiều phim của Trung Quốc, phim hợp tác với Trung Quốc hoặc phim làm hậu kỳ tại Trung Quốc đều bị cài cắm đường lưỡi bò. Vì Trung Quốc là một thị trường lớn, đông dân, nên các nhà làm phim đôi khi chấp nhận cài cắm đường lưỡi bò để phát hành tại Trung Quốc.
Theo Nhà báo Trần Việt Văn, Hội đồng thẩm định làm việc hết sức tâm huyết, trách nhiệm, cẩn trọng nhưng việc cài cắm rất tinh vi. "Nhiều bộ phim chúng tôi phải xem phải dừng hình, xem đi xem lại mới phát hiện ra. Hình ảnh "đường lưỡi bò" có khi hiện rõ trên bản đồ, nhưng cũng có khi thể hiện bằng bức tranh nguệch ngoạc do trẻ con vẽ"- Nhà báo Trần Việt Văn cho biết.
Thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia cho biết, nhiều lần bản đồ trong Người tuyết bé nhỏ xuất hiện nhưng dường như được thân hình nhân vật chính che đi, chỉ lộ ra 3 lần mỗi lần vài giây, nhiều là mấy chục giây, mắt thường khó nhận ra. Vì thế, đến tuần thứ 2 công chiếu bộ phim thì khán giả mới phát hiện ra.
"Hai bộ phim như Barbie, Người tuyết bé nhỏ nội dung không phải là câu chuyện về chủ quyền, thậm chí là phim hoạt hình, đối tượng đa số là trẻ em, nhưng vẫn cài cắm "đường lưỡi bò" vào một cách tinh vi như một bối cảnh. Vì vậy, chúng ta phải rất nhạy cảm để phát hiện sự cài cắm tinh vi đó.
Hệ lụy từ sự cài cắm đường lưỡi bò phi pháp vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là một vấn đề nghiêm trọng. Không chỉ gây hiểu lầm trong khán giả quốc tế, điều này còn gây sai lệch về nhận thức của giới trẻ Trung Quốc về chủ quyền biển đảo, lãnh thổ. Giới trẻ Trung Quốc sẽ thừa nhận đường lưỡi bò và từ đó, khi các quốc gia không thừa nhận và phản đối lại bị hiểu thành xâm phạm chủ quyền Trung Quốc. Bởi vậy, cần có những giải pháp mạnh để ngăn chặn từ sớm, từ xa việc tuyền truyền về đường lưỡi bò phi pháp, ngăn chặn sai phạm, bảo vệ quyền, chủ quyền đất nước"- Nhà báo Trần Việt Văn nhận định.
Phát huy vai trò của mạng lưới khán giả
Các bộ phim chứa đường lưỡi bò phi pháp là hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam được quy định tại điểm d khoản 1 điều 9 Luật Điện ảnh 2022 (Quy định những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh: thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia). Những phim vi phạm điều 9 đều bị dừng chiếu, không chấp nhận việc cắt, sửa, làm mờ.
Thực tế thời gian vừa qua, nhiều nền tảng phổ biến phim phát hiện một số phim vi phạm, có chứa hình ảnh đường lưỡi bò nhưng được làm mờ. Cụ thể như phim Hướng gió mà đi, dù nhà phát hành đã xử lý làm mờ hình ảnh bản đồ trong nhiều cảnh phim, tuy nhiên đây là phim có nội dung thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam nên Cục Điện ảnh đã yêu cầu dừng chiếu, gỡ khỏi các nền tảng đồng thời khẳng định "không phù hợp để phổ biến tại Việt Nam".
Theo Nhà báo Trần Việt Văn, ngoài lực lượng tiền kiểm thì việc hậu kiểm phim trên không gian mạng rất cần sự đồng lòng của khán giả và người dân. "Khán giả- người dân là một kênh hết sức quan trọng, phát hiện một cách tốt nhất những vi phạm. Đây là nguồn lực lớn, việc phát hiện kịp thời, hỗ trợ cho công tác hậu kiểm"- Nhà báo Trần Việt Văn chia sẻ.
Để có lực lượng khán giả như vậy, theo Nhà báo Trần Việt Văn, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức về chủ quyền quốc gia. "Tăng cường tuyên truyền, giáo dục người trẻ để hiểu về chủ quyền lãnh thổ. Khích lệ đối với những người phát hiện sai phạm. Cơ quan quản lý nên tính đến việc thành lập "mạng lưới khán giả", có khen thưởng cho những khán giả phát hiện những vi phạm này"- thành viên Hội đồng duyệt phim bày tỏ.
Trước đây, với vi phạm này, một số đơn vị nhập khẩu phim đã từng bị xử phạt hành chính với số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần tăng nặng chế tài xử phạt như với những đơn vị vi phạm nhiều lần, có thể rút giấy phép.
Nhà báo Trần Việt Văn đồng tình với quan điểm này và cho rằng, cần nâng cao chế tài xử phạt đối với một số đơn vị thiếu trách nhiệm, ý thức không đầy đủ về chủ quyền quốc gia. "Cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn nữa. Xử phạt chưa đủ sức răn đe. Không chỉ gỡ một tập phim mà gỡ cả bộ phim. Rút giấy phép hoạt động nếu vi phạm nhiều lần. Bản thân các công ty phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tiền kiểm tốt hơn bởi hầu hết là những nền tảng phát hành rất lớn"- Nhà báo Trần Việt Văn chia sẻ./.