Năng động làm giàu

06/01/2015 18:14

Theo dõi trên

Hơn 20 năm trước, người dân khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời , Cà Mau chủ yếu trồng lúa. Trong ấp chỉ có vài hộ tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng màu nhưng hiệu quả không cao bởi nơi đây là vùng ven, đất gò, nhiễm phèn nặng. Ðời sống người dân chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa/năm.

Có đất nông nghiệp nhưng trồng trọt không hiệu quả khiến anh Lê Thanh Phong luôn trăn trở. Sau bao ngày tháng vất vả miệt mài tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào sản xuất, vườn nhà anh vừa có cây ăn trái, rau màu xen canh. Anh Phong ngộ ra rằng, tìm cây giống thích hợp với vùng đất này không khó, cái khó là khâu cải tạo đất, phương thức trồng trọt.



 Anh Lê Thanh Phong, khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời vượt khó làm giàu.

 “Tôi dùng vôi xử lý đất. Ðất vùng này tốt chứ không xấu nhưng do mùa hạn không đủ nước tưới, còn đến mùa mưa, nước ngập cả gốc cây, vì vậy cần đầu tư máy bơm để chủ động nguồn nước”, anh Lê Thanh Phong chia sẻ.
 
Trong số 11 công vườn, anh Phong chọn 7 công trồng hàng trăm gốc ổi, cam và vú sữa. Cây nào cũng xanh tốt, trĩu quả. 4 công vườn còn lại anh trồng hoa màu các loại như: bắp, bắp cải, khổ qua, bí rợ, dưa leo. “Ngay đợt thu hoạch, có ngày hái hơn 1 tấn cà chua, dưa leo”, anh Phong cho biết. Không chỉ vậy, chị Phan Thị Út, vợ anh Phong, còn nuôi 3 ao cá bống tượng, cá phi, cá tra và đặt rượu, nuôi thêm heo, gà, vịt.
 
Nhìn lại những gì đã làm được, anh Phong bộc bạch: “Bao nhiêu tâm huyết vợ chồng tôi dồn hết vào mảnh đất này. Chỉ có người phụ đất chứ đất không bao giờ phụ người”.
 
Phía sau những thành quả ấy, ít ai biết được chàng thanh niên Lê Thanh Phong ngày nào vừa mới lập gia đình đã phải vất vả, làm việc gấp 3, 4 lần người khác để giúp mẹ già nuôi 4 đứa em thơ khi cha anh không may mất sớm. Anh Phong nhớ lại: “Lúc đó tôi mới cưới vợ. Vì nặng gánh gia đình nên vợ chồng tôi quyết định lo cho các em đứa nào cũng phải học được cái nghề, lo cho tụi nó lấy chồng, lúc đó vợ chồng tôi mới dám nghĩ đến chuyện sinh con”.
 
“Ðồng vợ, đồng chồng tát biển Ðông cũng cạn”, chị Phan Thị Út thấu hiểu hoàn cảnh của chồng nên âm thầm vừa làm chỗ dựa tinh thần, vừa tảo tần khuya sớm giúp anh yên tâm lo cho các em yên bề gia thất. Những hy sinh của chị Út nay đã được đền đáp. Có lẽ, ngoài những mô hình sản xuất thành công do chồng tự tạo nên, vui mừng lớn nhất của chị là 3 đứa con gái và cậu con trai út rất ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ. Hai cô con gái thứ 3, thứ 4 đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Ðứa con trai Út đang học lớp 7 và năm nào cũng có giấy khen.
 
“Anh Phong, chị Út là đôi vợ chồng chịu thương, chịu khó, luôn tìm tòi học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Họ cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con. Ngoài ra, anh chị là những hội viên nông dân, hội viên phụ nữ gương mẫu, rất nhiệt tình trong công tác hội”, ông Huỳnh Cao Tính, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, nhận xét.
 
Theo KIỀU OANH (Cà Mau Online)

Bạn đang đọc bài viết " Năng động làm giàu " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.