Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)
Trên trang CNN của Mỹ, Thành nhà Hồ của Việt Nam xếp vị trí đầu tiên trong danh sách 21 di sản UNESCO lớn nhất hành tinh.
Thực ngạc nhiên khi Thành nhà Hồ vượt qua những danh thắng như thành Acropolis của Hy Lạp, Petra của Jordan, đặc biệt là Angkor của Campuchia. Thế nhưng, với uy tín của CNN, việc xếp hạng tất phải dựa trên những tiêu chí có sức thuyết phục riêng.
Theo UNESCO, Thành nhà Hồ 600 năm tuổi có kiến trúc bằng đá duy nhất còn tồn tại ở Đông Nam Á, đại diện cho phong cách kiến trúc kiểu mới của một kinh thành Đông Nam Á. Còn theo CNN, Thành nhà Hồ kỳ lạ vì chỉ tồn tại 7 năm (1400 – 1407), và Thành nhà Hồ hoàn toàn trống rỗng, không có đền đài, miếu mạo, chỉ có 4 bức tường bao quanh một khu đất ruộng.
Dù tranh luận kiểu gì thì Thành nhà Hồ cũng đã được xếp đầu bảng và đây là cơ hội cho du lịch Việt Nam và cho Thanh Hóa. Vấn đề còn lại là năng lực khai thác kho báu này.
Xin được đặt ra câu hỏi, ai trong chúng ta đã đặt chân đến Thành nhà Hồ? Chắc chắn tỷ lệ người Việt Nam đến đây rất thấp. Du khách Việt Nam đi bốn phương, du lịch tận Thái Lan, Campuchia, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ..., nhưng rất ít người biết đến Thành nhà Hồ. Người Việt Nam còn chưa xem Thành nhà Hồ là địa chỉ du lịch thì còn lâu mới tới lượt du khách nước ngoài. Thanh Hóa cách Hà Nội 150km, người Hà Nội thường xuyên đi Sầm Sơn, nhưng mấy ai quan tâm đến Thành Nhà Hồ? Ngay cả người dân ở các địa phương lân cận Thanh Hóa cũng chưa chắc đã đến Thành nhà Hồ - biểu hiện là lượng khách đến di tích này rất thưa thớt, vắng vẻ.
Có phải do dân mình kém văn hóa du lịch không? Không, du khách Việt tràn ngập ở đền Angkor, chùa chiền, lâu đài cung điên ở Thái Lan, Myanmar. Dân Việt không biết đến Thành nhà Hồ là do ngành du lịch và tỉnh Thanh Hóa chưa biết cách khai thác tài nguyên lịch sử làm sản phẩm du lịch văn hóa. Có báu vật trong tay mà không biết đó là báu vật thì còn làm ăn gì được nữa.
Nay, từ xếp hạng của CNN, hãy thổi cho Thành nhà Hồ sinh khí mới, Tổng cục Du lịch Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng thực hiện các kế hoạch truyền thông để khách du lịch trong và ngoài nước biết đến Thành nhà Hồ như một địa chỉ “phải đến ít nhất một lần trong đời”.
Trung Quốc có câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” để quảng bá cho Vạn Lý Trường Thành, mỗi năm thu vài tỷ USD, Angkor của Campuchia cũng không kém cạnh gì. Nếu Thành nhà Hồ chỉ làm được một phần nhỏ so vơi Angkor thì ngành du lịch Việt Nam đã khác, người dân trong vùng di tích cũng đưởng hưởng “lộc” của nhà Hồ.
Theo Chân Tâm (Dân Việt)