Chất hiện thực pha trộn với lãng mạn
Đặng Hồng Giang thực hiện Lửa Thiện Nhân năm 2008, khi anh còn đang mày mò những bước đi đầu tiên trên con đường điện ảnh. Lúc biết về câu chuyện của Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi từ khi lọt lòng đến mức kiến cắn hư bộ phận sinh dục và một chân, Đặng Hồng Giang vô cùng xúc động và quyết định thực hiện một bộ phim tài liệu về cậu bé. Lửa Thiện Nhân xoay quanh hành trình khôn lớn của Thiện Nhân, được gia đình mẹ nuôi Mai Anh chăm sóc và đi khắp các quốc gia để tái tạo bộ phận sinh dục, rốt cuộc có được niềm vui giản dị, trong trẻo, hồn nhiên cho đến tận ngày nay.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang và bé Thiện Nhân.
Rất dễ nhận thấy, Lửa Thiện Nhân được thực hiện theo phong cách hiện thực khá cổ điển trong dòng phim tài liệu. Đạo diễn Đặng Hồng Giang bám khá sát các sự kiện quan trọng trong đời cậu bé, cùng gia đình rong ruổi khắp nhiều nơi để làm phẫu thuật cho Thiện Nhân. Bên cạnh việc là một nhà làm phim, Đặng Hồng Giang còn pha trộn một chút màu sắc báo chí trong bộ phim của mình để nó có được sức mạnh tối đa, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến khán giả. 77 phút phim được chắt lọc cả nghìn ngày quay được gói gọn trong phim của Đặng Hồng Giang một cách rất tròn trịa, không quá dư thừa, không quá thiếu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho Lửa Thiện Nhân không quá khốc liệt, Đặng Hồng Giang cũng nhờ một người chuyên viết kịch bản văn học là Đoàn Tuấn làm cộng sự của mình. Cái lãng mạn trong văn chương của Đoàn Tuấn đã có tác dụng làm mềm tứ truyện của bộ phim và khiến hành trình tìm lại hạnh phúc của Thiện Nhân và gia đình trở nên nên thơ hơn, dù trong đó chất chứa cả nhiều đau đớn và nước mắt.
Có thể nói, từ sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ra mắt cách đây không lâu thì Lửa Thiện Nhân là bộ phim tài liệu đáng xem và ấn tượng nhất của làng phim Việt Nam trong vài năm gần đây, thậm chí là trong một thập kỷ qua. Bằng cách ghi lại câu chuyện của “chú lính chì” Thiện Nhân ở mọi cung bậc cảm xúc, Đặng Hồng Giang đã có được một bộ phim để đời cho chính bản thân mình và cũng là cho cả những khán giả nữa.
Chất nhạc sâu lắng và câu chuyện nối dài đến nhiều số phận
Một trong những cái hay của đạo diễn Đặng Hồng Giang là đã sử dụng âm nhạc của Phú Quang cho bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân. Âm nhạc Phú Quang xưa giờ vốn cô đọng, súc tích và đầy chất bay bổng, tưởng không hợp với hiện thực khốc liệt của câu chuyện nhưng không ngờ lại rất đồng điệu. Chính bản thân nhạc sĩ Phú Quang cũng bị chinh phục bởi bộ phim này đến mức đồng ý cho Đặng Hồng Giang sử dụng âm nhạc miễn phí. Nghĩa cử tử tế ấy của người nhạc sĩ gạo cội đã góp phần làn truyền hơn thông điệp ấm áp mà Lửa Thiện Nhân mang lại cho khán giả.
Thiện Nhân đạp xe cùng mẹ Mai Anh.
Bên cạnh đó, Lửa Thiện Nhân khi hoàn chỉnh và hiện lên màn ảnh rộng không chỉ còn đơn giản là phim tài liệu về số phận một con người hay một hành trình đầy nước mắt, mà nó còn là một sự khái quát về sự tử tể của con người Việt Nam với nhau trong xã hội ngày nay. Bộ phim nhắc người xem nhớ, ngẫm nghĩ và lưu tâm đến rất nhiều mảnh đời khác ở Việt Nam cũng đã và đang gặp trường hợp tương tự như Thiện Nhân.
Chính vì vậy mà ở phần cuối bộ phim, đạo diễn dành khá nhiều thời lượng để nói về quỹ Thiện Nhân và hơn 1.000 trường hợp khác đã tìm đến quỹ này để được giúp đỡ. Song song đó, chi tiết chị Mai Anh, mẹ nuôi Thiện Nhân, thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân khác nhau, cũng làm dấy lên trong lòng khán giả một niềm tin về chuyện cổ tích có thật trong cuộc đời.
Cậu bé Thiện Nhân đã có khởi đầu “ở trọ trần gian” không suôn sẻ, nhưng cậu vẫn có thể sống sót và mỉm cười trước cuộc đời, đó chính là thông điệp truyền cảm hứng mãnh liệt nhất mà bộ phim mang lại.
Lửa Thiện Nhân được chiếu tại cụm rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và cụm rạp Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) từ ngày 15.10.
Theo Lukas Nguyễn (Dân Việt)