Lê Thành Trung - Cơn mơ băng giá - Bóng đá - World Cup - Những góc khuất bí ẩn

15/11/2022 19:22

Theo dõi trên

Công chúng yêu âm nhạc không còn xa lạ với cái tên Lê Thành Trung và Cơn mơ băng giá qua tiếng hát Bằng Kiều và sau này là nhiều ca sĩ khác. Còn công chúng yêu bóng đá cũng đã biết về Lê Thành Trung - một bình luận viên Bóng đá. 2 lĩnh vực tưởng chừng như có phần đối nghịch ấy thực ra trong sâu thẳm vẫn có những thứ liên quan, dắt díu nhau ở những “góc khuất” đầy thẩm mỹ nghệ thuật của người nghệ sĩ.

le-thanh-trnf-bong-da4-1668407345-1668514840.jpg

Khi biết tin Lê Thành Trung cho ra mắt cuốn sách, “Bóng đá - World Cup - những góc khuất” tôi cho rằng đó là lẽ tất nhiên phải thế - Là phụ nữ tôi còn mê môn thể thao “Vua” này huống chi là cánh mày râu, và nhất là với một người trẻ, đam mê bóng đá và lại từng viết rất nhiều về môn thể thao này trên tờ “Bóng Đá”. Trung còn là bình luận bóng đá trên truyền hình và cũng đã vinh dự trong đoàn phóng viên đi tác nghiệp ở World Cup tại Nam Phi; SEA Games ở Indonesia… nên vì thế để có một cuốn sách dày tới hơn 400 trang sách là sự chắt lọc cả một kho kiến thức mà Trung đã tích lũy, nghiền ngẫm từ hàng chục năm để đúc rút lại về “những lịch sử thăng trầm, những trận cầu tung trời, những giải đấu làm xiêu lệch cả các quốc gia, những ngôi sao sân cỏ đôi khi còn tỏa sáng hơn cả những ánh sao trên giải ngân hà… mà nó còn là nước mắt, là máu, là chết chóc, là những số phận mang bất hạnh tận cùng và là sự can thiệp thô bạo mang ý đồ chính trị của các nhà độc tài khét tiếng trong lịch sử loài  người, lịch sử chiến tranh. Trái bóng đã rên xiết lăn qua mọi thác ghềnh, vữa lửa ghê gớm nhất để nó có được sự định dạng thăng hoa ngày hôm nay, dù vẫn đầy trắc trở, rớm máu… Điều này được Nhà văn Chu Lai khẳng định. Đọc cuốn sách, Nhà văn Chu Lai cho rằng: “Lối viết thông minh, sắc nét, trẻ trung nhưng trầm tĩnh, có lúc sôi trào, có lúc lắng đọng, có lúc lại kết tủa mang màu sắc triết nhân, tác giả đã dẫn ta đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, cái bất ngờ nào cũng được khai triển một cách công phu, công phu về khai thác tài liệu và công phu cả trên bút pháp. Bút pháp ở đây là thứ pha trộn khá ngọt chất chính luận lịch sử, văn học và phóng sự nên món ăn trên mâm không làm ta bị nhàm chán, ngược lại nó luôn kích thích nhau, đọc cái này xong lại không thể không đọc tiếp cái khác, cái nào cũng lạ cũng hấp dẫn cả. Nói rõ hơn, không có cách nhìn lịch sử chân xác về bóng đá thì tác giả không có được những phân khúc chính luận mang hơi thở lịch sử nồng nàn, chân xác như thế này. Không có sự dụng công nhọc nhằn về chữ nghĩa, bố cục, phác họa chân dung thì làm sao tác giả có thể có được những trang viết sâu sắc, tài hoa như một thể loại truyện ngắn như thế. Và nếu không phải là một nhà báo luôn xông pha ở mũi nhọn thể thao thì chắc tác giả cũng khó có thể có được những lát cắt nhanh nhạy, mạnh mẽ, dứt khoát khi khai triển về chủ đề trái bóng như vậy. Xin cám ơn tác giả, bằng tình yêu bóng đá đến si mê, đến mụ mị của mình đã hào phóng và vất vả chia sẻ thêm cho chúng ta những giá trị tinh thần lung linh, hút hoẳm  của trái bóng. Dẫu rằng đây mới chỉ là giai điệu mở màn, là nhát cuốc vỡ hoang, về bóng đá và người đá bóng còn có biết bao nhiêu những điều cần nói, cần hiểu về nó”.

le-thanh-trnf-bong-da3-1668407345-1668514872.jpg

Còn Nhà báo Vũ Công Lập nhận xét: “Lê Thành Trung muốn hiểu bóng đá trên tinh thần và phương pháp nghiên cứu. Niềm khao khát này đã tạo ra chất lượng cuốn sách, khiến chúng ta có thể đọc một cuốn sách dày mà không thấy chán, thậm chí có thể đọc mê mải một mạch… Để có khối tài liệu như vậy, đương nhiên phải đọc rất nhiều. Tác giả có nhắc tới những nguồn tư liệu của mình. Nhưng không phải chỉ là đọc. Nhiều chỗ còn đòi hỏi sự tra cứu rất tỷ mỷ. Như chương nói về bóng đá ở Trung Đông (chương 6). Trong cuốn sách đầu tiên, tác giả đã phát hiện ra những bí mật kinh hoàng  liên quan đến những vụ tra tấn, hành quyết không thể nào tin nổi. Thế là phải tìm kiếm, xác minh qua nhiều nguồn tư liệu khác, để rồi cuối cùng chọn ra những chi tiết được khẳng định đưa vào cuốn sách. Khó tưởng tượng được cha con nhà Hussain đã biến bóng đá thành một địa ngục như thế nào?. Chúng ta đều biết bóng đá ra đời từ nước Anh. Chúng ta vẫn đều đều xem giải ngoại hạng Anh. Nhưng chúng ta chưa biết rằng, chính Đảo quốc cũng là nơi sinh thành của bóng đá chuyên nghiệp. Ngay trong những trang sách đầu tiên, bạn đã thấy “cuộc hành trình đi tìm giá trị” ở nền bóng đá độc đáo này.…Chúng ta cũng sẽ gặp lại các cầu thủ Dinamo Kiev, khi bị bắt làm tù binh và phải đấu với đội quân phát xít đã kiên quyết đá thắng dù biết rằng vì chiến thắng đó mà tất cả sẽ bị hành quyết. Quả thật, bóng đá, sân cỏ là nơi rèn luyện tính cách anh hùng.

Trong rất nhiều những cầu thủ lừng danh thế giới có hai câu chuyện về hai danh thủ rất nổi tiếng, rất độc đáo: Best và Beckham. Tác giả trình bày tư liệu rút ra từ các cuốn tự truyện. Ai cũng biết, Best nghiện rượu, nghiện đến mức, “rượu trước đã, rồi mới đến vợ con”. Cho đến khi anh đi tìm đứa bé bị bắt cóc của người bạn gái, cho đến khi anh gặp một em bé bị bệnh tự kỷ, anh mới tìm lại được tình yêu và trách nhiệm với đứa con dứt ruột đẻ ra của mình. Lê Thành Trung nói rằng đấy là một trong những trang sách làm anh xúc động nhất. Còn Beckham thì khác; anh là người thành đạt, thành đạt một cách trọn vẹn. Từ một cầu thủ, đến một hình ảnh thương mại, rồi một biểu tượng trong ngành giải trí. Bắt đầu từ năm 5 tuổi, khi bố cho anh đi xem đá bóng, hay năm 11 tuổi, khi ông ngoại chi cho anh 130 bảng để đi học một khóa bóng đá ở Manchester United. Đó là tư tưởng nhân văn của bóng đá. Đó là tư tưởng nhân văn của con người. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách này.

le-thanh-trnf-bong-da4-1668407345-1-1668514903.jpg

Cuốn sách này là cuốn sách đầu tay của anh, và anh xuất hiện cũng rất…lạ. Anh có thể làm ta giật mình vì khối kiến thức anh đã thu lượm được, đã chắt lọc lại và đem giới thiệu với đông đảo độc giả. Và anh cũng thể hiện một cách viết mới, kết hợp việc trình bày tư liệu với nhiều đoạn văn mang tính chính luận, lúc nào cũng đầy cảm xúc và suy tư...

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Trung ra mắt sách về bóng đá, bởi nguồn cơn cho ra mắt cuốn sách đã được manh nha từ bé thơ khi Trung tập chơi bóng đá từ khi 6,7 tuổi, khi mà TV còn chập chờn, nhòe nhoẹt. Sau này, Trung từng suýt theo bóng đá chuyên nghiệp khi đang học lớp 10. Không những thế, Trung còn có sở thích sưu tập báo chí bóng đá và được hàng thùng sắt, cất đầy nhà và đến giờ vẫn còn giữ. Lê Thành Trung cho biết: “Sau khi tốt nghiệp ra trường, cơ quan đầu tiên Trung làm là Báo Bóng đá (2002), với công việc được giao là tổ chức nội dung và viết bài bình luận. Bên cạnh đó Trung còn được mời làm cố vấn và cộng tác với Bóng đá TV (giờ là VTVcab), từ 2005 đến nay. Nhớ lại khoảng năm 2010, sau một thời gian làm báo Bóng Đá, em cũng thu hoạch được nhiều thứ, được làm chủ thể nghiên cứu của một luận văn Thạc sĩ về Vai trò của chất liệu văn học đối với việc hình thành phong cách Nhà báo Lê Thành Trung (Nguyễn Thị Thịnh). Chủ đề này cũng nằm trong sách dành cho sinh viên trường Học viện báo chí của Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Thu: Tinh hoa văn học thế giới trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Sách này cũng dùng gần 30 bài báo của Trung để sinh viên tham khảo. Trong thời gian làm báo Bóng đá, Trung cũng phải đọc và nghiên cứu rất nhiều báo chí nước ngoài. Ngày đó việc mua sách báo nước ngoài không hề dễ như bây giờ và rất tốn kém. Sách tiếng Anh nên Trung phải học, đọc, nghiên cứu và lưu giữ rất cẩn thận. Rồi có những câu chuyện được Trung viết ra, lưu giữ lại để đó. Gần 2 năm gom nhặt những con chữ và may mắn gặp được chị Bùi Hương - Giám đốc Nhà Xuất bản NXB Dân Trí, xuất bản lần đầu năm 2013. Nhân dịp World cup, sách tái bản và Trung viết thêm 7 chương World Cup bổ sung vào. May mắn là cuốn sách cũng bán hết veo. Và từ đó đến giờ vẫn có người hỏi và truyền hình địa phương cũng vẫn review giới thiệu về cuốn sách và họ chỉ cho mượn đọc ở các thư viện. Cuốn sách đơn giản là em muốn viết ra những thứ mình biết và thấy hay, thỏa mãn đam mê của mình. Đồng thời muốn người mê bóng đá hiểu tường tận, sâu sắc về ý nghĩa, bản chất, cũng như những khía cạnh xã hội của bóng đá. Những gì chúng ta thấy, xem, nghe về bóng đá hằng ngày, nó không chỉ là bóng đá mà còn là lịch sử, là văn hoá. Và không phải tự dưng mà nó trở thành một phần phát triển của thế giới hiện tại.

le-thanh-trung-bong-da-1668407226-1668514922.jpg

Trung đã có 5,6 năm để tập hợp tư liệu, kiểm tra, khai thác thông tin, đi thực tế và viết lại thành sách với mong muốn mang đến những thông tin hữu ích giúp fan bóng đá có thêm hiểu biết và sự cảm nhận đầy đủ hơn về những trận đấu bóng đá. Hoặc đơn giản chỉ là để những giây phút chờ đợi WOrld Cup trở nên thú vị hơn. Khi được hỏi, Trung cho biết: “Khi viết xong cuốn sách này, em vừa được vừa mất. Được là có một cuốn tư liệu mà có lẽ chưa từng có ở Việt Nam. Mất là em sợ bàn phím. Sợ viết một thời gian. Âm nhạc cũng là một thứ Trung đam mê như bóng đá. Nhưng không bao giờ nghĩ là có thể tham gia, trừ việc đi hát karaoke. Nhưng khi chán viết, bị nghẹn viết. Trung vô tình "bị" thách viết nhạc. Lúc đó, âm nhạc trở thành cứu cánh để Trung cân bằng hơn trong cuộc sống và lấy lại cảm hứng với bóng đá. World Cup 2014, Trung làm nội dung và Bình luận chương trình Tôi Yêu World Cup trực tiếp trên VTV6 hằng ngày và có thêm phần Quà tặng được em biến tấu là những bài nhạc chế, khi đó khá là hot. Sáng tác là Trung tự học và bài hát: Cơn mơ băng giá là bài hát đầu tiên phát hành thành công qua giọng hát Bằng Kiều, Noo Phước Thịnh, nhiều ca sĩ khác, rồi sau đó là hàng loạt các ca khúc: Có lẽ, Hà Nội nơi tìm về, Hãy cho em yêu anh, Tình đến rồi đi, Chạm vào những giấc mơ, Mình là duy nhất. Trung đơn giản nghĩ: Bóng đá hay âm nhạc đều là tác phẩm để chúng ta thưởng thức và cảm nhận. Với những người xem bóng đá cũng như nghe một bài hát thôi. Có hay, có dở, nhưng những người không chỉ xem bóng đá mà hiểu về nó thì cũng như nghe bài hát cần hiểu về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và khi đó cảm nhận sẽ trọn vẹn hơn. Hiện tại Trung cảm thấy nhẹ lòng khi bản thảo được nhà xuất bản Dân Trí đón nhận và cho ra mắt công chúng. Bây giờ, Trung đang rất hồi hộp chờ đợi sự đánh giá của độc giả để biết cuốn sách này có ích hay không”.

Và chúng ta cũng hy vọng, cuốn sách của Lê Thành Trung sẽ có đóng góp hữu ích cho nền bóng đá Việt Nam. Vì bóng đá có thể dạy chúng ta cách bước hẳn ra một bầu trời mênh mông từ những góc khuất bí ẩn.

Việt Hà
Bạn đang đọc bài viết "Lê Thành Trung - Cơn mơ băng giá - Bóng đá - World Cup - Những góc khuất bí ẩn" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.