Lễ hội Lồng Tồng - Gửi gắm ước vọng xuân mới!

23/02/2016 14:54

Theo dõi trên

Cứ đến tháng Giêng, hầu khắp các thôn bản của đồng bào dân tộc Tày, Nùng đều có tổ chức lễ hội Lồng tồng để cầu mong năm mới bội thu, mùa màng tươi tốt. Năm nay, lễ hội truyền thống này đã được tái hiện tại Làng Văn hóa, Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) để nhân dân và du khách được trải nghiệm và cùng hòa mình vào không khí lễ hội đầu xuân.



Nghi lễ đường cày khai hội

Lễ xuống đồng cầu mùa

Với người Tày, Nùng, lễ hội Lồng tồng - còn được gọi là lễ xuống đồng là một trong những lễ hội lớn trong suốt năm. Lễ hội Lồng tồng gắn liền với truyền thống sản xuất nông nghiệp, là dịp để con người tạ ơn trời đất và bày tỏ lòng thành kính với các vị thần đã che chở, bảo vệ cho con người trong cuộc sống cũng như sản xuất, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, bản làng no ấm, hạnh phúc. Khi Tết đến xuân về, ở nhiều địa phương ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…, bà con bắt đầu tổ chức hội Lồng tồng trong bản, làng mình. Tùy từng địa phương mà thời gian tổ chức khác nhau, nhưng bà con vẫn giữ được các phong tục truyền thống từ xưa để lại, với phần nghi lễ trang trọng và phần hội đầy sôi nổi, vui tươi.      

Trong chương trình tái hiện lễ hội Lồng tồng đồng bào Tày tại tỉnh Thái Nguyên tại Làng Văn hóa, Du lịch các Dân tộc Việt Nam, người chủ lễ làm lễ cầu mùa, thực hiện các nghi thức tạ Thiên Địa, cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối và Thành hoàng, những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân làng. Sau khi báo cáo với thần linh về đời sống của bản làng trong năm qua, cầu thần linh phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no và xin thần cho dân bản được phép mở lễ hội Lồng Tồng. Với phần lễ, mỗi gia đình trong bản đều chuẩn bị một mâm cỗ để lễ tạ thần linh ở ngoài đồng ruộng. Không quá câu nệ về lễ vật, những mâm cỗ to hay nhỏ đều tùy tâm của gia chủ, với những món ăn được làm từ lúa gạo, hoa màu thu hoạch được ngoài đồng, vật nuôi trong vườn… mang ý nghĩa báo cáo thành quả lao động của dân bản trong năm qua. Thông thường, mâm cỗ nào cũng bày biện thịnh soạn, khéo léo với đủ các món ăn truyền thống như xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng, bánh khảo, bánh dày, chè lam và đặc biệt là một chiếc bánh hình bông hoa nhiều mầu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải mầu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều mầu sắc sặc sỡ.

Kết thúc phần lễ là nghi thức xuống đồng hay đường cày khai hội, được thực hiện trên một thửa ruộng to nhất, màu mỡ nhất do dân bản chọn. Người được cộng đồng thực hiện nghi thức này thường là già làng hay người có uy tín trong làng cùng với con, cháu của mình xuống đồng đi những đường cày đầu tiên, tra những hạt giống tốt nhất với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Theo quan niệm của đồng bào Tày tại Thái Nguyên, cùng với việc chọn ba thế hệ trong một gia đình cùng tham gia xuống đồng cày ruộng thì người đại diện cho thế hệ cháu là một bé gái cùng thực hiện việc cày và tra hạt với ngụ ý: “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”.




Những hạt giống tốt nhất được dân bản tra xuống để cầu mùa màng tươi tốt
Hội xuân tươi vui

Sau khi thực hiện những nghi lễ truyền thống, bà con cùng những vị khách hòa mình vào không khí lễ hội vui tươi. Đúng với sắc xuân tươi thắm của bản làng, mọi người đều chọn những trang phục đẹp nhất khi dự lễ hội Lồng tồng và hăng hái tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, múa sạp, bịt mắt bắt dê…

Nơi tụ tập đông vui nhất chính là nơi diễn ra hội tung còn. Mọi người quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn xuyên qua vòng tròn vẽ hình Nhật - Nguyệt treo trên cây nêu cao thì năm đó mới nhiều may mắn, vạn sự như ý, bản làng yên ấm. Những chiếc còn ngũ sắc rực rỡ màu sắc, có gắn những tua dài theo hướng tay người tung lao lên trời mang theo bao ước vọng của những người nông dân hiền lành, chất phác. Nam nữ thanh niên trong làng còn dùng những chiếc còn thành vật làm quen khi tham gia hội tung còn, hay là vật trao gửi tâm tư, tình cảm cho nhau. Những ánh mắt, nụ cười trao đi trong tiếng nhạc, tiếng hát sli, hát lượn truyền thống đã trở thành không gian giao duyên cho bao nhiêu người.

Là một sinh viên miền Trung, bạn Nguyễn Thị Thanh Huyền (Sinh viên năm thứ ba, ĐH Thăng Long, Hà Nội) đã rất háo hức khi được tham gia các hoạt động ném còn, bịt mắt bắt dê tại lễ hội Lồng Tồng được tái hiện tại Làng Văn hóa, Du lịch các Dân tộc Việt Nam. Bạn chia sẻ: “Tôi được tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của miền núi, cùng nghe những lời ca, tiếng hát của các cô chú, anh chị…Vì khoảng cách và thời gian hạn hẹp nên tôi không thể tham gia các lễ hội Lồng tồng tại các địa phương được, nhưng tôi rất vui vì chỉ qua một chương trình tái hiện thì cũng hiểu được phần nào các phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam”.

Theo Nguyễn Hương (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội Lồng Tồng - Gửi gắm ước vọng xuân mới!" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.