Lễ hội Hang Bua và chuyện tình nàng Ni

14/03/2016 10:23

Theo dõi trên

Lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu (Nghệ An) được bắt đầu vào những ngày cuối tháng giêng âm lịch bằng những nghi lễ mang đậm nét văn hoá tâm linh của người Thái gồm Lễ yết tế, Lễ đại tế cáo yết thần linh và những người có công dựng bản lập mường được tổ chức và hành lễ rất trang nghiêm do vị Mo cả chủ trì với đầy đủ các phẩm vật tế lễ truyền thống ngay tại Đền Chiềng Ngam (Đền Tạ Bọ) trên ngọn núi cao trong khu vực lễ hội.

Đền Chiềng Ngam là nơi thờ thần núi, những người có công khai bản lập mường, những linh hồn người chết trận và hai anh em Cầm Lư, Cầm Lạn là người có công dẫn dắt người Thái đến vùng đất Chiềng Ngam định cư. 

Chuyện kể về Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. 

Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và nàng Ni (nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá)… Thuở đó, trong vùng có người con gái một phìa bản giàu có tên gọi là Nàng Ni. Nàng Ni đẹp lắm, da trắng như trứng gà bóc, mắt sáng như sao. 

Mỗi lần nàng cất tiếng hát Nhuôn, hát Xuối, ngay cả con chim, con sóc cũng lặng yên để nghe. Bao nhiêu trai bản con nhà giàu có đem lòng yêu nàng, nhưng nào chỉ yêu chàng trai nghèo mạnh khỏe, hiền lành nơi cuối bản. 

Cho đến một hôm, phìa bản sai chàng trai nghèo vào Thẳm Bua để diệt loài thuồng luồng hung dữ chuyên gây hại cho dân bản. Chàng trai đi vào lòng hang và cứ đi mãi mà không thể trở về. Nàng Ni ở nhà đợi không thấy người yêu quay trở lại, bèn quyết đi vào hang sâu để tìm chàng. 

Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, trải bao vất vả, nàng men theo những bậc đá lên tới đỉnh Thẳm Bua, ngồi đó đợi chàng. Nàng ngồi vậy khóc thương người yêu không biết bao ngày, cho mãi đến khi nước mắt cạn kiệt nơi phiến đá lớn trên đỉnh Thẳm Bua. Nhớ thương người con gái chung tình, phiến đá từ đó được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni).

Hằng năm cứ dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng Thẳm Bua tình tự như chia sẻ, cảm thông với mối tình trong sáng của người con gái đẹp đất Mường. Năm này qua năm khác, dần dần thói quen đó trở thành một lễ hội hàng năm với người dân vùng sơn cước. 

Sau này hang Bua được công nhận là danh thắng Quốc gia và từ năm 1997, lễ hội hang Bua được tổ chức vào các ngày từ 20 - 23 tháng giêng âm lịch hàng năm.


Múa truyền thống trong dịp tế lễ của người Thái, Nghệ An


 
Đền Mường Chiềng Ngam, Quỳ Châu, Nghệ An


 
Múa hát chào mừng lễ hội Hang Bua


 
Đông đảo người dân về đi xem hội


 
Múa khắc luống


 
Và nhảy sạp tại lễ hội


 
Những cô gái Thái trong trang phục truyền thống


 
Tổ chức thi bóng chuyền


 
Thi ẩm thực văn hóa Thái


 
Các cô gái Thái cũng tham gia thi bắn nỏ


 
“Mang gà xuống xem hội, ai mua cũng bán”


 
Mang sợi dệt đem bán ở lễ hội Hang Bua
Hồ Lài

Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội Hang Bua và chuyện tình nàng Ni" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.