Báo Người Đưa Tin xin trích lại nội dung những chia sẻ đăng trên facebook của nhà giáo Nguyễn Cao Cường (Phó Giám đốc trung tâm Đào tạo báo chí và truyền thông, trường ĐH KHXH&NV – Hà Nội).
"Nhiều lúc tôi mơ ước được làm một người bình thường, có cuộc sống bình lặng. Nếu có một người chồng là nhà giáo, có lẽ đời tôi hạnh phúc hơn"…
Tôi là một nhà giáo vừa được 4 năm. Tôi đã rất xúc động khi đọc được những dòng tâm sự này của Hồ Ngọc Hà.
Sau cơn xúc động, tôi ngồi ngẫm nghĩ lại. Hoá ra nhà giáo vẫn còn được nhiều người trong xã hội ta coi trọng lắm. Mặc dù trên thực tế, lúc này hay lúc khác, hình ảnh người giáo viên bị đôi chút tàn phai trong tâm trí nhiều người.
Mà tôi cũng thấy rất làm lạ, vì sao nhiều giáo viên có thể sống kham khổ đến thế mà họ vẫn vươn lên một cách cần mẫn. Ngày qua ngày, họ vẫn từng đêm chỉnh sửa giáo án, bài giảng và rồi sáng sớm mai lại đến trường với niềm lạc quan và yêu đời đến thế.
Là người từng làm việc trong lĩnh vực truyền hình hơn 10 năm, lại chuyển qua mảng giáo dục mấy năm nay, nên tôi biết, thu nhập của giảng viên đại học thực tình không cao một chút nào. Nó chỉ giúp cho người giáo viên đủ sống mà thôi. Nhiều người nghĩ rằng, giảng viên sẽ có nhiều nguồn thu nhập khác, như lót tay của sinh viên, học viên… Chắc là cũng có ở đâu đấy, nhưng tôi thề đó chỉ là số cực ít, và những người đó, chắn hẳn họ cũng đau khổ lắm khi phải kiếm tiền bằng cái cách như vậy.
Tôi cũng quen và chơi với nhiều bạn làm giáo viên, rồi cuối cùng, vì mưu sinh mà họ phải chuyển qua các môi trường khác để làm việc. Mỗi lần chia tay một người bạn như thế, tôi buồn lắm, nhưng cũng chỉ trao được cho nhau cái nhìn cảm thông, chia sẻ mà thôi.
“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…” bất chợt câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ùa vào, nhưng tôi không tài nào liên kết nổi ý nghĩa của bài hát này, ca từ này với câu chuyện mà tôi đang kể. Chỉ biết là nó tự nhiên “chui” vào và cứ thế ám ảnh tôi.
Hồ Ngọc Hà tâm sự, có lẽ cô "hạnh phúc" khi lấy chồng nhà giáo
Gần đến ngày 21/6 rồi. Ở Việt Nam, đó là ngày Kỷ niệm tờ báo Thanh Niên (Cơ quan của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội) ra số đầu tiên, và nó được chọn làm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Cứ đến ngày này, tôi lại có một cảm giác buồn thênh thang mà không tài nào hiểu rõ được vì sao.
Năm nay, một số em sinh viên báo chí ở nơi tôi dạy chọn cách làm tác phẩm truyền hình để thay cho việc viết khoá luận hoặc thi tốt nghiệp. Họ đã hoàn thành nó trước khi ngày Báo chí Việt Nam tới. Cả ba tác phẩm của các em, rất tình cờ, đều đề cập đến số phận, thân phận của một con người, một tộc người nào nào đó. Điều này làm cho tôi đỡ đi cái cảm giác buồn thênh thang như mọi lần.
Vừa rồi, có một anh bạn cũng làm giáo viên chia sẻ cái tâm tư của Hồ Ngọc Hà, ở dưới dòng bình luận của một anh bạn khác có câu này, lại làm cho tôi quay trở lại cái cảm giác buồn thêng thang. “Lấy chồng nhà giáo thì có lẽ đời bạn Hồ Ngọc Hà sẽ hạnh phúc hơn, nhưng không rõ đời anh chồng sẽ như thế nào…”. Tôi không có ý định dùng câu chuyện này để bình luận gì về Hà cả. Tôi thích vẻ đẹp khoẻ khoắn của cô ấy, và cả giọng ca trầm buồn của cổ nữa.
Chỉ có điều, tôi thấy làm thân anh giáo cũng nhiều áp lực quá. Đến một người nổi tiếng như Hà mà cũng muốn lấy một anh giáo, thì phận giáo nghèo như chúng tôi biết san sẻ thế nào cho đủ nhu cầu của toàn dân”.
Bài viết đáng suy ngẫm của nhà giáo Nguyễn Cao Cường sau đó đã nhận được rất nhiều chia sẻ. Cư dân mạng xã hội cũng đưa ra những bình luận hết sức hóm hỉnh.
Nhà giáo Nguyễn Cao Cường cùng các sinh viên trong ngày tốt nghiệp
Facebook Kawa Ng. viết: “Các thầy thích nhỉ. Không thấy nam ca sĩ hay tài tử nào phát biểu muốn lấy vợ làm nhà giáo để cho cô giáo chúng tôi thấy mềnh được an ủi nhỉ?. Giờ tôi đang cày kịch bản kiếm tiền nuôi con và lấy sức đi dạy nè”.
Một thầy giáo khác thì bình luận dí dỏm: “Tôi còm cõi đi dạy kiếm bỉm cho con còn chưa xong, cứ 50 phút lại nghỉ 5 phút với em Hà thì theo tổ tiên sớm hả thầy?”.
Facebook Luong Tr. Gi. Viết: “Cô ấy cần một tâm hồn nhà giáo nhưng vẫn không thể sống được nếu thiếu siêu xe và thẻ VIP”.
Hồng Thanh
Theo Người Đưa Tin