
Ngôi làng hơn 150 năm di động
Làng chài Nguyệt Đức có lịch sử hình thành từ khá lâu đời. Vào những năm 1860, có bốn gia đình thuộc vùng Trà Lũ - Nam Định làm nghề chài lưới ngược dòng đến sông Cầu (gần thành Bắc Ninh) sinh cơ lập nghiệp. Cuộc sống của các gia đình này phiêu dạt theo mùa nước và nguồn thủy sản. Nghề chài lưới lệ thuộc vào sông nước khiến cuộc sống của những ngư dân nổi trôi, nay đây mai đó. Nơi nào thuận lợi dễ làm ăn thì họ dừng thuyền, tụ họp lại với nhau. Sau nhiều lần ngược xuôi, cuối cùng những chiếc thuyền bé nhỏ quyết định dừng chân ở khu vực sông Cầu đoạn qua làng Thổ Hà, đây được xem là nơi giao thương thuận tiện. Nghề chài lưới dù khó khăn chật vật nhưng cũng đủ để nuôi sống gia đình. Theo thời gian, bốn gia đình ban đầu sinh sôi nảy nở, làng chài Nguyệt Đức đông đúc dần hình thành.
Trước kia, người dân Nguyệt Đức nhiều đời đỗ thuyền bên tả ngạn sông Cầu, giáp làng Thổ Hà để làm ăn sinh sống. Thành ra khi thống kê dân cư, phân định danh giới hành chính, Nguyệt Đức được xác định là một thôn thuộc xã Vân Hà – Huyện Việt Yên – Tỉnh Bắc Giang. Về sau, việc làm ăn, buôn bán bên hữu ngạn sông Cầu thuận lợi hơn nên người dân Nguyệt Đức lại chuyển sang neo đậu bên bờ Vạn Phúc – Vạn An – Thành phố Bắc Ninh (đối diện Thổ Hà). Vì thế, Nguyệt Đức được mệnh danh là ngôi làng di động, chân ở Bắc Giang nhưng miệng lại ở Bắc Ninh (sông Cầu là danh giới tự nhiên phân tách hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Đến nay, mọi giấy tờ thủ tục người dân Nguyệt Đức đều thực hiện tại Bắc Giang, song mọi sinh hoạt thì lại gắn liền với Bắc Ninh.
Theo thống kê (ngày 31 tháng 12 năm 2015) đăng trên cổng thông tin điện tử của huyện Việt Yên – Tỉnh Bắc Giang thì thôn Nguyệt Đức thuộc xã Vân Hà có 176 hộ dân với 790 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề vận tải hàng hóa bằng thuyền và đánh bắt thủy sản. Về thăm Nguyệt Đức, không ít người không khỏi giật mình và ngỡ ngàng khi biết rằng, cho tới nay hầu hết các hộ dân ở Nguyệt Đức chưa có đất và cũng chẳng có nhà. Một chuyện lạ tồn tại suốt gần hai thế kỷ qua và kéo dài đến ngày hôm nay khiến nhiều người phải tò mò và đến đây tìm hiểu thực hư.


Những chiếc thuyền xi-măng lênh đênh là nơi trú ngụ của biết bao con người. Nơi ấy chứng kiến những biến cố cuộc đời mỗi người, từ khi sinh ra cho đến khi lìa thế. Những ngày nắng đã đành, những ngày mưa gió, giông bão là một thử thách thực sự với những người dân nơi này. Nhiều khi, chạy quanh thuyền không tìm thấy nổi chỗ ráo mà chạy lên bờ thì cũng chẳng biết nương tựa vào đâu.
Cuộc sống trên thuyền cũng đầy những chuyện chớ trêu cười ra nước mắt. Diện tích nhỏ mà phải chất chứa đủ thứ cho cuộc sống một gia đình, nên phải sắp xếp làm sao cho gọn gàng hợp lý. Nơi tiếp khách cũng là nơi ăn uống và nghỉ ngơi. Nhà tắm kiêm nhà vệ sinh cũng chỉ rộng chưa đầy mét vuông. Ngày thường không sao nhưng khi có công có việc thì không biết xoay vào đâu. Nhất là khi phát sinh thêm cặp vợ chồng mới thì lại càng thêm nhiều chuyện phức tạp, tế nhị. Chuyện cưới hỏi, ma chay cũng chật vật. Trước kia đám cưới hay đám tang đều phải tổ chức trên những chiếc thuyền bé nhỏ hoặc dựng bạt ở khu đất trống trên bờ. Người dân ở đây còn nhớ rõ cảnh đưa tang thời chưa có máy móc, chiếc quan tài được đưa sang một chiếc thuyền rồi các thuyền khác bơi xung quanh đưa sào đẩy thuyền chở quan tài tới núi Quả Cảm an táng.


Có vài gia đình đã tận dụng những chiếc thuyền lớn bằng xi măng chở cát trước kia để thiết kế thành những ngôi nhà “di động”. Đây được xem là ý tưởng hay giải quyết nhu cầu ở ngày một tăng của gia đình mà việc mua đất làm nhà là không thể. Thế nhưng, để làm được một ngôi nhà “di động” khang trang cũng đâu có rẻ mạt, chi phí cũng phải mất vài trăm triệu. Thế nên việc xây dựng cũng được làm từng bước, có tới đâu làm tới đó, nay có tiền thì làm cái mái, ngày kia có tiền thì làm cái vách. Vì thế nên, có những ngôi nhà “di động” làm tới vài năm vẫn chưa hoàn thiện.
Những ngày gần đây, nước sông Cầu đoạn qua Vạn Phúc – Thổ Hà (là nơi người Nguyệt Đức sinh sống) bỗng đổi sang màu đen càng khiến cho người dân nơi đây lo lắng. Nguồn nước sinh hoạt của những người Nguyệt Đức chính là nguồn nước sông Cầu. Nên họ không khỏi hốt hoảng khi nghi ngờ nước sông bị ô nhiễm. Nhất là những người làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông cũng dính phải một phiên thất kinh khi người dân e ngại không dám mua tôm mua cá được đánh bắt trên khúc sông này.
Người viết còn nhớ rất rõ cuộc trò chuyện với một cụ bà hơn bảy mươi tuổi ở Nguyệt Đức. Thỉnh thoảng bà nhìn lên bờ rồi nói, sao khoảng cách giữa con thuyền với bờ đất xa đến vậy. Rồi giọng bà thắt lại như than phiền “chắc có lẽ phải đến khi chết, tôi mới lên được bờ”. Khoảng cách tưởng như ngắn mà xa đến vậy. Từ những chiếc thuyền nhỏ bé, người dân Nguyệt Đức đã đi suốt hơn một trăm năm mươi năm qua mà chưa tới được bờ. Ai sẽ đưa họ lên bờ. Một câu hỏi mà chưa thấy có ai dám đứng ra trả lời. Người Nguyệt Đức sẽ còn phải đi bao lâu nữa thì mới tới bờ.