Là một tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, với trên 53% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 06 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời là Bah Nar, Xê Đăng, J'rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, nên văn hóa Kon Tum rất đa dạng và đặc sắc. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và nay đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu.
Theo kết quả điều tra tổng số Di sản văn hóa phi vật thể, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện còn có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể thuộc các dân tộc thiểu số đang còn duy trì trong các thôn, làng.
Cụ thể: Huyện Kon Plông có 31 di sản văn hóa phi vật thể còn duy trì thường xuyên trong cộng đồng làng (dân tộc Xê Đăng nhánh Mơ Nâm 7, dân tộc Xê Đăng nhánh Cà Dong 20, H’Rê 4); huyện Kon Rẫy có 33 di sản còn duy trì (Xê Đăng - Tơ Đrá 17, Ba Na - Rơ Ngao 16); huyện Sa Thầy có 67 di sản còn duy trì (Ja Rai 18, Ba Na 13, Rơ Măm 20, dân tộc Xê Đăng nhánh Hà Lăng 16); thành phố Kon Tum còn 17 di sản văn hóa phi vật thể còn duy trì thường xuyên trong cộng đồng làng (Ja Rai 7, Ba Na 5, Jẻ - Triêng 5); huyện Đăk Hà 10 di sản văn hóa còn duy trì trong các thôn làng (Ba Na 2, Xê Đăng 8); huyện Đăk Tô 32 di sản văn hóa của dân tộc Xê Đăng - nhánh S’teng còn duy trì; Tu Mơ Rông 15 di sản văn hóa còn duy trì của dân tộc Xê Đăng; Đăk Glei 15 di sản văn hóa còn duy trì của dân tộc Jẻ - Triêng nhánh Jẻ; huyện Ngọc Hồi có 20 di sản văn hóa còn duy trì của 3 thành phần dân tộc chính là Xê Đăng, Jẻ - Triêng và B'râu.
Những nỗ lực của tỉnh thời gian qua về bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong công tác “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Dân Tộc Việt