Theo Sở Lao động, Thương binh - xã hội thành phố, đầu tháng 01-2022, tất cả 100% doanh nghiệp sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại các Khu chế xuất & Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và sẽ thu hút thêm 50.000 lao động nữa vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Theo kế hoạch năm 2022 của Thành ủy và UBND thành phố đã đặt ra 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6 đến 6,5%.
Trên lĩnh vực đầu tư, theo bà Võ Nguyễn Minh Thu, Phó trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố, từ cuối quý IV - 2021, đã có 190 triệu đô la Mỹ đầu tư tiếp vào thành phố, nâng mức thu hút vốn các nhà đầu tư nước ngoài lên 600 triệu đô la Mỹ, vượt trên 10% so chỉ tiêu thành phố đặt ra.
Với vốn thu hút kiều hối, năm qua trong 12 tỷ đô la Mỹ kiều hối trên cả nước, thì lượng kiều bào gửi về thành phố đã chiếm 6,6 tỷ đô la Mỹ, tăng trên 10% về thu hút vốn đầu tư của kiều bào so cùng kỳ năm trước, đóng góp thêm vào sự tăng trưởng kinh tế từ đầu năm Nhâm Dần.
Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên "bản đồ" thị phần bán lẻ
Thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian gần đây ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ. Sự sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam còn thể hiện qua các thương vụ rót vốn đình đám từ các nhà đầu nước ngoài vào các nhà bán lẻ nội địa giàu tiềm năng. Nếu thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt đã có sự kết hợp với nhau để tạo dựng và khẳng định chỗ đứng trên thị trường bán lẻ. Nổi bật nhất phải kể đến thương vụ giữa hai tập đoàn Masan Group và Vingroup để trở thành 1 chuỗi sản xuất và bán lẻ lớn nhất Việt Nam.