Kiên Giang: Nâng cao nhận thức tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững

15/04/2024 22:46

Theo dõi trên

Trong quý I/2024, Hội nông dân tỉnh Kiên Giang kết nạp 1.774 hội viên mới, nâng tổng tổng số hội viên trên địa bàn tỉnh lên 191.734 hội viên.

5-hoi-nong-dan-1713195643.jpg
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang với Công ty Cổ phần Đầu tư TTP Global đầu tư mô hình “Thử nghiệm sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ”

2.143 hộ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh

Đồng chí Thái Văn Phúc, Phó Chủ tịch thường trực Hội nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết, đến nay Hội nông dân tỉnh có 03 Liên hiệp Hợp tác xã với 35 Hợp tác xã thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng và 451 Hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 351 Hợp tác xã trồng trọt, 89 Hợp tác xã thủy sản, 02 Hợp tác xã chăn nuôi, với vốn điều lệ 148.449 triệu đồng, với tổng số 32.933 thành viên, tổng diện tích sản xuất 58.365 ha.

Nhằm tạo điều kiện giúp hội viên nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, Ban thường vụ Hội đã chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn Trung ương 1,5 tỷ đồng trồng lúa chất lượng cao, trong đó, ở xã Sơn Kiên huyện Hòn Đất 500 triệu đồng; Nuôi bò ở xã Cửa Cạn thành phố Phú Quốc 500 triệu đồng, trồng lúa ở Tân Hòa huyện Tân Hiệp 500 triệu đồng; cho vay 3 dự án vốn Tỉnh 1,5 tỷ đồng tại các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Kiên Hải và U Minh Thượng. Thu hồi vốn Trung ương và Tỉnh số tiền 1,021 tỷ đồng tại các huyện Kiên Lương, An Biên, Tân Hiệp, An Minh, Kiên Hải, Giang Thành và U Minh Thượng. Các cấp Hội vận động quỹ Hỗ trợ nông dân được 180.800.000đ.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, xây dựng các mô hình kinh tế sản xuất hàng hóa, liên kết, hợp tác, phát triển hội viên, xây dựng chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Hoạt động Quỹ HTND từng bước đi dần vào nề nếp, xây dựng nhân rộng mô hình dự án và sử dụng vốn vay hiệu quả,... với tổng nguồn vốn toàn tỉnh đến nay đạt trên 50 tỷ đồng đã góp phần hỗ trợ cho 2.143 hộ vay vốn mở rộng quy mô sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.

Hội nông dân tỉnh đã phối hợp với các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành đầu tư mô hình 170 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do Công ty TNHH Nguyên Bảo Long phối hợp thực hiện; phối hợp với Công ty cổ phần GREENNACO thực hiện giải pháp cung ứng trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên nông dân. Tổ chức cho nông dân 02 huyện An Minh và Vĩnh Thuận tham dự Lễ hội ngành Tôm tại tỉnh Cà Mau.

Hội cũng đã phối hợp với Tập đoàn ICO Group tổ chức Hội thảo tuyên truyền về du học và xuất khẩu lao động tại các nước phát triển cho 200 lượt hội viên tại 03 huyện: Giang Thanh; Châu Thành và Gò Quao; tư vấn giới thiệu việc làm cho nông dân trên địa bàn tỉnh; xúc tiến các đối tác có liên quan xây dựng cửa hàng trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với Hội quán nông dân; tư vấn giới thiệu việc làm cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Trong hoạt động an sinh xã hội, Hội Nông dân cấp huyện, xã đã vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thăm tặng 2 căn nhà “Mái ấm nông dân”, 11 giếng khoan, 1 nhà vệ sinh cho hội viên nông dân nghèo tại xã Đông Hưng, 10 giếng khoan tại xã Đông Hưng B (An Minh); 03 nhà “Mái ấm nông dân” cho hội viên nông dân xã An Minh Bắc (U Minh Thượng); xã Giục Tượng (Châu Thành); xã Phú Lợi (Giang Thành).

hinh-anh-2-1713195782.jpg
Mô hình “Tổ vót đũa, vót câu” Chi Hội Phụ nữ ấp xẻo Cui, Xã Hoà Thuận, huyện Giồng Riềng

Nâng cao năng lực tư duy kinh tế nông nghiệp

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực Hội nông dân tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, trong thời gian tới, các cấp hội nông dân đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp cho nông dân và hội viên chi hội nghề nghiệp.

Đồng thời, các cấp Hội chủ động đổi mới hình thức vận động nông dân trên các nền tảng xã hội Fanpage, Zalo,..cho hội viên, nông dân nhằm nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường với việc thu gom rác thải nông nghiệp gắn với xây dựng mô hình bảo vệ môi trường; phương pháp trồng trọt, chăn muôi thân thiện với môi trường; phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi.

Hội nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tập thể sản xuất tôm - lúa bền vững”.

Cùng với đó, Hội nông dân tỉnh cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân xuất sắc và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; đào tạo nghiệp vụ quản lý, điều hành cho cán bộ, nhân viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác; bồi dưỡng kiến thức kinh doanh, phát triển tư duy về kinh tế nông nghiệp cho nông dân và hội viên chi hội nghề nghiệp.

Song song với đó, Hội nông dân tỉnh mở các lớp dạy nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với Hội quán nông dân, xúc tiến thương mại; tư vấn học nghề, việc làm cho cán bộ, công tác viên; phổ biến kiến thức tin học phục vụ chuyển đổi số, thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP, chủ thể sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn cho cán bộ hội viên, nông dân.

Hội nông dân tỉnh yêu cầu các cấp Hội quản lý tốt các nguồn vốn, thu hồi nợ quá hạn các dự án, kiểm tra hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân và ủy thác ngân hàng chính sách xã hội; thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, như: khám và tầm soát bệnh phụ khoa cho 500 phụ nữ nghèo tại xã Bàn Thạch và các xã lân cận huyện Giồng Riềng; khánh thành 02 cây cầu ở huyện An Biên và Giồng Riềng; mỗi tháng khảo sát, hỗ trợ 10 giếng nước khoan cho người dân các huyện.

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Nâng cao nhận thức tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.