Với những kết quả ấn tượng đó, đón chào Xuân Ất Tỵ - 2025, phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã có buổi trao đổi ấm cúng với đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kiên Giang về những giải pháp hỗ trợ nông dân để đạt được kết quả trên.
Phóng viên: Xin chào đồng chí Đỗ Trần Thịnh! Xin cảm ơn đồng chí đã đồng ý tham gia buổi phỏng vấn của chúng tôi. Thưa đồng chí, trong năm 2024, để nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh phát triển, Hội Nông dân tỉnh đã có những giải pháp gì để hỗ trợ người dân?
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ chủ yếu là phối hợp để tập hợp nguồn lực xã hội, đa dạng của các đối tác để hướng về cơ sở, nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, như: Vốn, trợ giúp pháp lý, tiêu thụ nông sản, khoa học kỹ thuật,…
Phóng viên: Trong sản xuất, cái khó khăn nhất của nhà nông đó là vốn. Vậy, nhà nông được tiếp cận nguồn vốn nào để giải quyết khó khăn, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Trong năm 2024, Hội nông dân tỉnh cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 38 dự án với số tiền 14,2 tỷ đồng; vốn Quỹ hỗ trợ nông dân địa phương 81 dự án với số tiền 11,9 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH cho vay các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua Hội quản lý với 1.853.849 triệu đồng với hơn 52 ngàn hội viên nông dân. Ngân hàng TMCP Kiên Long sau 02 tháng triển khai chương trình phối hợp đã cho hơn 1.000 hộ nông dân vay vốn tín chấp hơn 37 tỷ đồng.
Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang, qua đó tổ chức với các ngân hàng thương mại đã ký thỏa thuận tín dụng hơn 7 tỷ đồng cho các chủ thể OCOP nâng cấp chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP; ngoài ra cũng qua ký kết chương trình phát triên Câu lạc bộ Organic, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp đã hỗ trợ 105 hộ dân gần 600 triệu đồng để xây dựng 03 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Phóng viên: Bên cạnh hỗ trợ vốn, vấn đề trợ giúp pháp lý cũng rất quan trọng. Vậy Hội Nông dân có những chương trình gì để giúp bà con nông dân hiểu biết về pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình?
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Đúng vậy, hỗ trợ pháp lý là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Các cấp Hội đã phối hợp các ngành chức năng phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho 4.539 lượt người. Hội tổ chức 05 lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho 06 huyện, thành phố và phối hợp các ngành tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền viên về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Hội đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức 05 cuộc tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại huyện, thành phố: Hòn Đất, An Minh, Kiên Hải, Rạch Giá và Phú Quốc cho 500 hội viên, nông dân. Qua đó đã giúp bà con hiểu rõ về các chính sách, luật đất đai, thuế nông nghiệp và những quyền lợi hợp pháp của họ.
Phóng viên: Thưa đồng chí, một vấn đề lớn khác là tiêu thụ nông sản, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Hội đã có những giải pháp nào để hỗ trợ bà con nông dân?
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Tiêu thụ nông sản thế nào để kích thích sản xuất nông sản sạch an toàn và đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất tâm huyết, luôn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt khi thị trường gặp biến động. Để nông sản của nhà nông tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, Hội cũng đã tổ chức cho nông dân tham dự Lễ hội ngành Tôm, hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP; xúc tiến với các đối tác có liên quan xây dựng cửa hàng trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với Hội quán nông dân để mở rộng thị trường. Hội cũng đã hợp tác với Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và phối hợp với Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Felix hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi số, giao dịch thương mại điện tử, kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản. Đến nay đã có 10 chủ thể lên sàn giao dịch điện tử Felix,…đã góp phần quảng bá thương hiệu nông sản.
Phóng viên: Để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, Hội Nông dân có những hỗ trợ gì để giúp bà con ứng dụng công nghệ vào sản xuất?
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Chúng tôi đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật đến từng hộ nông dân thông qua các buổi Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp cho 130 đại biểu; 02 buổi tọa đàm về tôm; 04 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân, chủ thể OCOP về tin học phục vụ chuyển đổi số và kỹ năng thương mại điện tử; tổ chức 17 lớp dạy nghề với 540 người.
Hội cũng đã phối hợp với Mobifone Kiên Giang và Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Filix hỗ trợ đăng ký thông tin trên Nền tảng số Nông dân Việt Nam, sàn thương mại điện tử, cài đặt, kích hoạt hơn 66.000 tài khoản hội viên trên App Nông dân Việt Nam; hỗ trợ cho 11.023 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng máy móc hiện đại, kỹ thuật canh tác thông minh để giảm sức lao động đã giúp bà con tăng năng suất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí; xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Phóng viên: Định hướng năm 2025 của Hội nông dân là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Năm 2025, Hội nông dân tỉnh sẽ tiếp tục hướng về cơ sở, cụ thể hóa các Nghị quyết XIII của Đảng, Nghị quyết XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Đại hội X Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2023-2028 gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hội sẽ nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, nông dân, chú trọng phát hiện những mô hình mới, nhân tố mới, điển hình mới. Củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội các cấp gắn với phát triển và nâng cao chất lượng hội viên theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Hội vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ nông dân nhằm giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã chia sẻ những giải pháp thiết thực và ý nghĩa của Hội Nông dân tỉnh với nhà nông. Trước thềm năm mới Ất Tỵ - 2025, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển kính chúc đồng chí và Hội tiếp tục gặt hái nhiều thành công và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Cảm ơn bạn và Tạp chí cùng độc giả đã quan tâm. Hội Nông dân tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng bà con trong mọi hoạt động sản xuất và phát triển nông thôn bền vững. Năm mới Ất Tỵ - 2025, thay mặt Ban lãnh đạo Hội nông dân tỉnh, tôi xin kính chúc hội viên, bà con nông dân tỉnh Kiên Giang và bạn đọc một năm mới An khang – Thịnh vượng – Tràn đầy năng lượng, gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.