Tại các di tích, danh thắng như: động Thiên đường, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Di sản Văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Bà Nà, Sơn Trà (Đà Nẵng)… lượng du khách đổ về dồn dập trong những ngày lễ.
Tại Hội An, trong 4 ngày Tết Dương lịch, nhiều khách sạn từ mini đến 5 sao đều “cháy” phòng do lượng du khách đổ về khá đông. Đặc biệt, các homestay (dịch vụ lưu trú cùng nhà dân) tại ven đô Hội An được du khách lựa chọn nhiều thay vì chọn khách sạn ngay trung tâm thành phố. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An, cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, lượng du khách mua vé tham quan phố cổ Hội An từ ngày 1 đến ngày 3-1 khoảng 13.000 vé, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước.
Phố cổ Hội An ngày càng thu hút nhiều du khách quốc tế.
Trong khi đó, trong 3 ngày lễ, cố đô Huế đã đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan quần thể các di tích cố đô Huế, trong đó có khoảng 60% lượt khách quốc tế. Tại Quảng Bình, hai điểm thu hút đông du khách nhất là khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Riêng Đà Nẵng, địa phương nằm “kẹp giữa” các Di sản Văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Cố đô Huế, trong những năm qua đã đón một lượng khách rất lớn đến tham quan và lưu trú với tốc độ tăng bình quân 20,4%/năm (cao hơn tốc độ bình quân của các địa phương trong khu vực miền Trung). Trong năm 2014, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 3.818.683 lượt, tăng 22% so với năm 2013; trong đó khách quốc tế ước đạt 955.675 lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 2.863.008 lượt, tăng 20,8% so với năm 2013. Tổng thu du lịch ước đạt 9.870 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2013. Trong đó, dịp Tết Dương lịch 2015, Đà Nẵng đã đón hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan và lưu trú.
Trao đổi với PV SGGP, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, cho biết: Với vị trí nằm ở giữa các Di sản văn hóa thế giới Hội An - Mỹ Sơn - Cố đô Huế, Đà Nẵng vừa chịu thách thức rất lớn nhưng cũng có sự thuận lợi không nhỏ. Đà Nẵng đã đầu tư phát triển lợi thế sản phẩm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển theo hướng hiện đại, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng cách đến với các điểm du lịch trong khu vực... đã tạo đà để phát triển du lịch. Chính vì vậy trong những năm qua, giữa Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam đã có sự liên kết, hợp tác cùng nhau để phát triển theo mục tiêu “3 địa phương - Một điểm đến”.
Kỳ vọng năm 2015
5 năm trở lại đây, ngành du lịch miền Trung đã phát triển vượt bậc nhờ các địa phương biết liên kết để cùng nhau phát triển bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể như: “Con đường Di sản miền Trung”, “3 địa phương - Một điểm đến”… Trong một thời gian rất ngắn, các tỉnh thành: Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,… đã thu hút hàng chục triệu lượt khách mỗi năm, trong đó gần 50% là du khách quốc tế.
Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho biết: Nhờ có sự liên kết giữa các di sản từ khâu quảng bá cho đến quản lý khai thác nên ngành du lịch Quảng Nam nhiều năm qua phát triển vượt bậc. Trong năm 2014, Quảng Nam đón gần 3,8 triệu lượt du khách, trong đó lượng du khách quốc tế chiếm 1,7 triệu lượt. Bên cạnh đó, Quảng Nam, nơi có hai Di sản văn hóa thế giới, Hội An và Mỹ Sơn đã chủ động xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách, trong đó đặc biệt chú trọng khai thác mảng du lịch sinh thái gắn liền với di tích. Ngoài ra, Quảng Nam và Đà Nẵng đã tranh thủ được lợi thế gần sân bay, bến cảng quốc tế để khai thác các thị trường du lịch truyền thống châu Âu, châu Mỹ và mở rộng ra thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga…
Năm 2014, Đà Nẵng tiếp tục được độc giả Tạp chí trực tuyến về du lịch Smart Travel Asia lần thứ 2 liên tiếp bình chọn là “Top 10 điểm đến hấp dẫn của châu Á” và website nổi tiếng về du lịch trên thế giới Tripadvisor bình chọn vị trí thứ nhất trong “Top 10 điểm đến hấp dẫn mới nổi của thế giới năm 2015” góp phần tiếp tục khẳng định thương hiệu điểm đến Đà Nẵng.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, cho biết: Đà Nẵng đặt mục tiêu tổng lượt khách du lịch năm 2015 đạt 4.430.000 lượt khách (tăng 16% so với năm 2014); trong đó 1.150.000 lượt khách quốc tế (tăng 20% so với năm 2014), 3.280.000 lượt khách nội địa (tăng 15% so với năm 2014). Tổng thu du lịch khoảng 11.800 tỷ đồng, tăng 21% so với ước thực hiện năm 2014. Đặc biệt, việc triển khai năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị” sẽ là điều kiện và cơ sở hết sức thuận lợi cho việc xây dựng hình ảnh điểm đến Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
NGUYÊN KHÔI
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, những ngày Tết Dương lịch, công suất buồng phòng dao động từ 48% - 70%, ước đạt khoảng 65.000 lượt khách đến Huế tham quan nghỉ dưỡng. Phần lớn là khách quốc tế đến từ các thị trường: Pháp, Thái Lan, Mỹ, Đức, Anh... Năm 2015, phát triển du lịch và dịch vụ được xem là một trong 4 chương trình trọng điểm của tỉnh, Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón từ 3,1 - 3,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 1,1 - 1,3 triệu lượt; khách lưu trú đạt khoảng 2,2 - 2,3 triệu lượt, doanh thu du lịch tăng 17%.
VĂN THẮNG
Theo sggp.org.vn