Khi nghệ sĩ múa rối Chu Lượng vẽ bạn

12/03/2016 08:15

Theo dõi trên

Nhân vật trong tranh Chu Lượng là những người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng tất cả đều có chung tình yêu nghệ thuật.

Nói đến nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, người ta nhớ ngay đến một nghệ sĩ múa rối tài năng, người đã “chắp cánh” cho rối nước Việt Nam đến với khán giả thế giới, hay người từng lập kỷ lục Guiness Việt Nam về sáng tạo rối… Còn vẽ tranh, dù được học tại Trường nghệ thuật Tây Bắc nhưng rất ít khi Chu Lượng thể hiện. Chu Lượng đang dành thời gian ít ỏi còn lại chỉ để vẽ chân dung bạn bè.

Kể từ triển lãm sắp đặt mang tên “Nhân gian” gây được tiếng vang trong công chúng, 8 năm sau, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng mới trình làng vài chục bức chân dung bạn bè ở triển lãm “Chu Lượng với những người bạn” đang diễn ra tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Nhân vật trong tranh Chu Lượng là những người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau: bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, diễn viên, doanh nhân nhưng tất cả đều có chung tình yêu nghệ thuật.



Chân dung nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Có thể nói, họa sĩ Chu Lượng rất bạo dạn khi vẽ chân dung những người bạn của mình như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh, Nguyễn Văn Thọ…; các họa sĩ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ, Thành Chương... Họ đều được họa sỹ Chu Lượng đưa vào tranh ở những khoảnh khắc hiếm có, thể hiện chân thật nhất tính cách của mỗi người.

Nghệ sĩ ưu tú Chu Lương chia sẻ: "Mỗi một người tôi cố gắng vẽ theo một lối riêng, thể hiện một tính cách riêng. Ví dụ như Quốc Chiêm - một nghệ sĩ chèo nổi tiếng thế nhưng đến khi ông ta làm quản lý thì trong giới nghệ thuật lại mất đi một nghệ sĩ. Và bản thân ông ta nhiều khi ngồi nghê thấy tiếng trống chèo, thấy diễn chèo, ông lại muốn diễn chèo. Tôi bắt được khoảnh khắc mỗi khi thấy ánh đèn sân khấu về chèo, câu hát chèo thì ông ta lại ngồi hoài niệm, nhớ về nó".

Điều dễ nhận thấy ở các bức chân dung mà Chu Lượng vẽ là sự khát khao đi tìm vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết và hồn nhiên đang mất dần trên gương mặt, trong tâm hồn mỗi con người. Chu Lượng vẽ nhà văn Nguyễn Văn Thọ với chiếc cổ gân guốc như rễ cây cổ thụ cắm xuống đất, ăn sâu vào lòng đất mẹ. Quả thật, dù nhà văn có ở phương trời nào thì cái cội rễ, tấm lòng của người cầm bút luôn luôn bám chặt vào quê hương để viết. Chu Lượng lại vẽ họa sỹ Lê Thiết Cương với chằng chịt những con đường để người xem ngầm hiểu rằng, để tìm ra lối vẽ tối giản như hiện nay, “gã ngông” này đã đi qua biết bao thử nghiệm, tìm tòi rồi nhận ra một phong cách nghệ thuật của riêng mình.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, người được Chu Lượng vẽ chân dung, chia sẻ: "Đối với tôi đó là bức tranh quá quý giá, thực ra tôi cũng không được vẽ nhiều mà bây giờ lại được vẽ đẹp như thế thì tôi cho rằng đấy là vật quý với tôi. Anh vẽ tôi hơi cười mà tôi thì không mấy khi cười, và tôi thấy cười như thế là được. (Cười)".

Còn họa sĩ Thành Chương thì nói: "Điều đầu tiên khi nhìn thấy bức tranh Lương vẽ mình, tôi  rất ngạc nhiên. Bởi vì bản thân tôi là họa sĩ cũng vẽ tự họa về mình rất là nhiều, phải nói là có hàng nghìn bức khai thác tất cả mọi góc độ của con người mình. Thế nhưng khi nhìn bức tranh Lượng vẽ, tôi ngạc nhiên bởi chưa bao giờ mình thấy mình như thế cả. Một tư thế hiên ngang, ngẩng cao đầu.... Cho nên rất ngạc nhiên, rất thích thú".




Chân dung họa sĩ Thành Chương.

Chọn bạn để làm đề tài cho không gian hội họa của mình, chính vì thế Chu Lượng không truyền thần mà chỉ truyền tình – tình bạn bè. Tất cả những gì trong sáng nhất của các nghệ sĩ đã thành danh đều hiện ra trong tranh bởi Chu Lượng vẽ họ bằng một tình bạn trong sáng nhất. Đằng sau kỹ thuật, phương tiện là một tấm lòng – nồng nhiệt, đằm thắm, tinh tế của người nghệ sĩ. Chu Lượng dùng cuộc chơi nghệ thuật để gắn kết con người với nhau.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá: "Cái đó làm tôi rất xúc động. Tôi đánh giá cao anh Lượng ở chỗ này, nghệ thuật vốn dĩ phải hướng thiện, hướng đẹp tạo nên gốc rễ văn hóa cho mỗi dân tộc đều ở chỗ cái đẹp. Ví dụ một bài văn, một tác phẩm hội họa khiến tôi yêu Hà Nội hơn, yêu nông thôn hơn, yêu con trâu hơn… thì tác phẩm của anh Lượng khiến tôi yêu con người hơn".

Vẫn đương chức Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long nên việc Chu Lượng ra mắt triển lãm tranh lần này được xem như một cách giải trí của người nghệ sỹ đa tài, nơi người nghệ sĩ có thể trút bỏ mọi lo toan, bận rộn của cuộc sống để tìm kiếm sự cân bằng, tạo một không gian nghệ thuật để gắn kết tình bạn cũng như để công chúng yêu hội họa hôm nay ngắm nhìn những nét đẹp rất đời của giới văn nghệ sĩ./.

(Theo VOV.VN)

NGỌC NGÀ
Bạn đang đọc bài viết "Khi nghệ sĩ múa rối Chu Lượng vẽ bạn" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.