Không giấu dở, giấu dốt
Hôm cả đoàn phim “Sông dài” họp mặt với nhà sản xuất để định trang, nghệ sĩ Thanh Nam đã gọi Quý Bình ra, bắt đi thử dáng điệu của nhân vật Niễng cho ông xem. Vào vai một nhân vật có ngoại hình xấu xí và tật nguyền, Quý Bình đã cố gắng tập đi sao cho giống nhất nhưng Thanh Nam không ngừng lắc đầu bảo “chưa được”. Ông bèn thị phạm gần 10 dáng đi để Quý Bình thấy nhân vật Niễng phải đi như thế mới giống người bị đánh què chân. Quý Bình kể thêm: “Lúc ra phim trường, những đoạn ông Hai Tuất nắm lỗ tai Niễng đay nghiến, đánh đập, thật ra anh Nam không hề làm thật. Ban đầu, tôi rất ngơ ngác, diễn không ăn rơ, anh ấy đã chỉ cho tôi cách phối hợp ăn ý để khán giả tin”. Kết quả là những cảnh đó thật đến nỗi khi ba mẹ anh xem đã khóc nức nở vì xót cho con mình. Quý Bình bảo nếu không nhờ nghệ sĩ Thanh Nam góp ý, chỉ bảo, chỉnh sửa từng li từng tí thì Niễng chắc không thể lấy được nước mắt nhiều khán giả.
Nghệ sĩ Thanh Nam và 2 diễn viên trẻ Tường Vy, Phùng Ngọc Huy trong một cảnh quay thử (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Diễn viên Cao Minh Đạt rất thân và quý 2 người anh trong nghề là nghệ sĩ Việt Anh và nghệ sĩ Mai Trần bởi trên phim trường, họ là 2 người thầy của anh. Mai Trần và Việt Anh thường chỉ ra những ưu điểm và khuyết điểm, giúp anh tự nhìn nhận, đánh giá khả năng lẫn hạn chế của mình. “Lúc đóng phim “Hoa thiên điểu”, anh Việt Anh khuyên tôi không nên diễn gồng quá mà phải nhẹ nhàng, tự nhiên khi thể hiện sự ác độc, mưu mô của nhân vật. Không phải phùng mang, trợn mắt mới là người ác, phải diễn cái ác từ bên trong” - anh kể. Riêng nghệ sĩ Lê Vũ Cầu là người thầy dạy cho anh những bài học đầu tiên ngay trên trường quay của phim “Con nhà nghèo” như cách thoại, đi đứng, tạo hình nhân vật. Khi được chỉ dạy, anh luôn ghi nhớ trong đầu, không phải cho nhân vật ngày hôm nay mà còn vận dụng cho các vai diễn sau này. Nhờ đó, “kho” kiến thức từ việc học nghề trên phim trường của anh ngày một “đầy” thêm, khi cần luôn có sẵn để áp dụng.
Diễn viên trẻ Thanh Tuấn từ một gương mặt còn bỡ ngỡ, lọng cọng, không biết góc máy, ánh sáng đến khi vững vàng trước máy quay cũng nhờ thời gian chịu khó lân la trên đoàn phim. Ngoài việc chủ động hỏi các diễn viên lớn tuổi, anh còn quan sát trong thời gian chờ đến lượt diễn. Thanh Tuấn cho rằng: “Tôi không ngại hỏi những gì mình chưa biết, chưa rõ với tinh thần không giấu dốt, không giấu dở. Học hỏi là tốt cho nghề của mình, không tốn một đồng nào, có gì đâu mà xấu hổ”.
Rõ ràng, chỉ những người khao khát làm nghề, ham học hỏi mới ý thức được chuyện học nghề ở phim trường là một cơ hội quý báu.
Tấm lòng và trách nhiệm
Nghề diễn viên được học bài bản đương nhiên cũng tốt song đó chỉ là nền tảng. Quan trọng vẫn là năng khiếu trời cho, quá trình cọ xát trên thực tế, ở phim trường. Người học hành bài bản chưa chắc đã diễn hay. Người tuy không học qua trường lớp nhưng nhờ chịu khó rèn luyện, trau dồi nên diễn ngày càng lên tay. Điển hình là diễn viên Ngọc Lan. Nhờ nỗ lực học hỏi không mệt mỏi từ cuộc sống, qua sách vở, qua đồng nghiệp lớn tuổi mà kinh nghiệm nghề mỗi lúc một nhiều lên. Nói như vậy cũng không có nghĩa là bây giờ Ngọc Lan tự tin trước mọi vai diễn. Chị nói: “Kiến thức và kinh nghiệm nghề này vô tận lắm, biết bao giờ học cho đủ. Quá trình học hỏi từ các cô - chú, anh - chị trên phim trường diễn ra lâu dài, thậm chí suốt cuộc đời”. Quý Bình cũng bảo: “Không phải chỉ học lúc đang quay mà kể cả khi đoàn phim nghỉ ngơi, ăn cơm, trò chuyện, đi trên xe đều là những cơ hội tốt để mình học hỏi”.
Nhắc đến các nghệ sĩ như Thanh Nam, Việt Anh, Kim Xuân, Phi Điểu, Lê Thiện, Nguyễn Hậu, Công Ninh..., các diễn viên trẻ luôn cảm kích ở sự tận tâm, hết lòng truyền nghề. Nghệ sĩ Kim Xuân bảo mấy chục năm theo nghề, chị chỉ dạy cho các em, cháu diễn viên trẻ bằng tấm lòng, sự tận tâm, tận tình. “Tôi cũng từng là một diễn viên ngơ ngác bước vào nghề, tôi hiểu được cảm giác của các em, thành ra chẳng có việc gì phải ngại ngần chia sẻ vài kinh nghiệm, chỉ dẫn các em cách diễn khi các em hỏi mình” - nghệ sĩ Kim Xuân nói. Riêng diễn viên Nguyễn Hậu, nhiều khi ông lại chủ động hỏi các diễn viên trẻ xem có gặp khó khăn, khúc mắc gì không vì ông rất sợ khi họ diễn chung với mình mà mạnh ai nấy diễn, không tung hứng, phối hợp ăn ý, phải quay đi quay lại nhiều lần mất thời gian.
Thực ra, trên phim trường, không ai bắt buộc họ phải dạy nghề. Nghệ sĩ Lê Thiện đánh giá: “Đó là tấm lòng và trách nhiệm của người đi trước. Thấy các cháu diễn chưa hay, không thể nào làm ngơ được”. Bà hay dùng kiến thức, kinh nghiệm bản thân, hiểu biết sâu sắc của mình để truyền cảm hứng, tạo động lực cho các diễn viên trẻ, bạn diễn chung. Bà luôn chỉ dạy trên tinh thần “không giấu nghề”.
Diễn viên Nguyễn Hậu cho rằng chỉ dạy là một chuyện, diễn viên có làm được hay không là chuyện khác.
Không nhiều diễn viên trẻ ý thức học nghề
“Nhìn các em, các cháu ham học hỏi, hễ ra phim trường là hăng hái và đầy nhiệt huyết, những nghệ sĩ truyền cảm hứng, dạy nghề luôn cảm thấy vui mừng. Ngoài dạy nghề, họ còn ân cần chỉ bảo cho các em về đạo đức của nghề. Tôi luôn rỉ rả tâm sự, khéo léo cho lời khuyên thấu lý đạt tình trong việc diễn xuất, trong các ứng xử, cách sống. Có nhiều cháu thành danh và thành nhân làm tôi rất hãnh diện” - diễn viên Hữu Thành bộc bạch.
Thực tế, không phải ai cũng ý thức được việc học nghề trên phim trường là bổ ích. Nhiều diễn viên học hành bài bản thì có suy nghĩ: “Kiến thức vậy là đủ rồi, cần gì học thêm nữa”. Nhiều diễn viên tay ngang thì mải mê chạy sô, không bao giờ có thời gian rảnh rang để học hỏi. Diễn viên Hữu Thành trăn trở: “Ngày càng hiếm những cảnh diễn viên lớn dạy nghề cho diễn viên trẻ, các diễn viên góp ý lẫn nhau. Họ đi diễn không đúng giờ, rảnh một chút lại làm việc riêng chứ không còn quan tâm đến chuyện làm sao nâng cao chất lượng vai diễn. Tinh thần cộng tác, phối hợp, nâng đỡ bạn diễn ngày càng phai nhạt. Thực tế đó làm tôi rất buồn”.
Theo MINH NGA (Người Lao Động)