Hà Tiên phấn đấu trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

11/07/2022 15:50

Theo dõi trên

Năm 2018, Hà Tiên chính thức được công nhận thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Đến nay, thành phố Hà Tiên đã có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt góp phần tạo dựng thành phố Hà Tiên thành một đô thị văn minh, hiện đại. Đặc biệt, ngày 02/6/2022, thành phố Hà Tiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

2-1657529295.jpg
Du lịch là mũi nhọn, là động lực thúc đẩy trong phát triển kinh tế của thành phố Hà Tiên (ảnh một góc phường Tô Châu thành phố Hà Tiên).

Hà Tiên là thành phố biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, có 07 đơn vị hành chính cấp xã gồm 05 phường và 02 xã (xã Thuận Yên và xã đảo Tiên Hải). Diện tích tự nhiên 10.147,9 ha; dân số 48.503 người, với 03 dân tộc chính là Kinh, Hoa và Khmer.

Thành phố có thế mạnh phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch là mũi nhọn, là động lực thúc đẩy trong phát triển kinh tế của địa phương. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch: tăng trưởng bình quân hàng năm là 13,34%, là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, hằng năm thu hút trên 2,5 triệu lượt khách, tăng doanh thu trên 7,25%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 2,93%/năm, hệ thống giao thông thuận tiện cả về đường bộ và đường thủy. 

Hà Tiên là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, có 09 di tích được xếp hạng, trong đó có 05 di tích được công nhận cấp Quốc gia như: di tích lịch sử Nhà tù Hà Tiên, di tích lịch sử văn hóa Núi Bình San, di tích thắng cảnh Thạch Động, Mũi Nai, Đá Dựng và 04 di tích cấp tỉnh như di tích chứng tích chiến tranh chùa Xà Xía, di tích lịch sử văn hóa Đình thần Thành Hoàng, chùa Phù Dung, chùa Tam Bảo.

3-1657529335.jpg

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Tiên phải đối mặt với không ít khó khăn, thiếu thốn như hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xuống cấp, kinh tế chậm phát triển, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, nông nghiệp manh mún phụ thuộc vào thiên nhiên, thu nhập người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Tiên đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu vươn lên để đạt kết quả toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố giai đoạn 2011 - 2020.

Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Tiên như: toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố được đảm bảo theo chuẩn Nông thôn mới, gồm 10,98 km/10,98 km đường xã, liên xã được cứng hóa. Hệ thống kênh thủy lợi được nạo vét hàng năm đảm bảo phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động tại các xã đạt 100%. Từ năm 2019, xã Tiên Hải nằm trong chương trình thực hiện dự án đưa điện lưới quốc gia ra các xã đảo của tỉnh Kiên Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đã thi công kéo điện lưới ra xã Tiên Hải với tổng nguồn vốn được đầu tư là 181,6 tỷ đồng. Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Tiên từ năm 2011 đến nay đạt 661,334 tỷ đồng. 

66-1657529384.jpg
77-1657529401.jpg
Mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP tại xã Thuận Yên thành phố Hà Tiên

Các trường Mẫu giáo, Tiểu học, THCS tại các xã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay 02/02 xã được đầu tư hoàn thiện Trung tâm Văn hóa - Thể thao từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp với tổng số tiền là 4,85 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động phong trào ở cơ sở. 

Trên địa bàn 02 xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, 92,61%  hộ có nhà ở tiêu chuẩn theo quy định. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,55%, 02 xã đều có Trạm y tế đạt chuẩn và xã đạt chuẩn về y tế theo quy định. 

Các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, các lễ nghi không cần thiết từng bước loại bỏ, nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác tôn tạo, bảo tồn, trùng tu các di tích được thực hiện thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, vì vậy các di tích đã phát huy giá trị và trở thành điểm đến tham quan du lịch thường xuyên của du khách, mỗi năm Hà Tiên thu hút 2 triệu lượt khách đến tham quan du lịch đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của 02 xã trong những năm qua luôn được giữ vững và ổn định. 

Đến năm 2025, Hà Tiên phấn đấu có 02/02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 02 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 90% trở lên; 100% số ấp đạt chuẩn ấp văn hóa; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, sử dụng nước sạch đạt 100%; 100% số xã có các tổ chức trong hệ thống chính trị đạt trong sạch, vững mạnh; tình hình an ninh, trật tự xã hội được giữ vững ổn định.

4-1657529434.jpg

Đến năm 2030, Hà Tiên phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại - dịch vụ - du lịch, đầu mối giao thông, giao thương quan trọng của tỉnh Kiên Giang và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là tiền đề vững chắc bảo vệ an ninh lãnh thổ và chủ quyền vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời, là điều kiện để phát triển thương mại và thương mại biên mậu với các nước Đông Nam Á trong khối ASEAN.

Để hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025 và những năm tiếp theo, thành phố Hà Tiên đưa ra 8 nhóm nội dung, giải pháp cần triển khai thực hiện: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới bền vững tới cấp ủy, chính quyền và người dân; (2) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể từ thành phố đến cơ sở; (3) Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; (4) Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự; tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (5) Phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; (6) Phát triển dịch vụ bán buôn, bán lẻ; (7) Tăng cường công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; (8) xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Với vai trò và vị thế hiện nay, thành phố Hà Tiên có đủ điều kiện để mở rộng các mối quan hệ, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, trao đổi phát triển thương mại, du lịch, đầu tư với các vùng kinh tế và đô thị lớn trong vùng./.

Nguyễn Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Hà Tiên phấn đấu trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.