Công trình mới khởi công nhưng đã vấp ngay phải sự phản ứng của dư luận, vậy mà lãnh đạo UBND huyện Yên Thành vẫn quyết tâm thực hiện. Vì sao?
Lặng lẽ... khởi công
Khác với một số công trình khác, Lễ khởi công "Dự án xây dựng đền thờ Liệt sỹ" huyện Yên Thành gần như phóng viên các cơ quan báo chí thường trú tại Nghệ An không hề hay biết. Ngay như ông Nguyễn Đình Thắng - Giám đốc Công ty CP xây dựng Nhân Thắng (xóm 3 xã Nhân Thành) là doanh nghiệp duy nhất được thi công công trình này cũng không nhớ nổi “ngày động thổ” công trình?.
Ông Thắng thành thật nói với phóng viên: “Tui được thuê mần (làm) một số hạng mục công trình lặt vặt từ năm ngoái, ngày khởi công, có lãnh đạo huyện về dự nhưng tui nỏ nhớ ngày mô, tháng mô anh nà!” Còn ông Trần Văn Thành - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện khi hỏi về tình hình “ủng hộ” tiền lương của đội ngũ giáo chức trong huyện thì trả lời: “Công trình ni (này) được huyện phát động từ tháng 7 năm 2014 thì tháng 8 là Phòng GD&ĐT huyện triển khai. Nếu huy động hết theo mức đóng góp như huyện quy định thì tất cả cán bộ, giáo viên, kể cả những người đang dạy hợp đồng, thì toàn ngành được khoảng 3 tỷ đồng. Phòng không thu tiền mà do Ban vận động của huyện trực tiếp thu”.
Thầy Đoàn Hồng Minh - Giáo viên Trường THPT Phan Thúc Trực thẳng thắn: “Giáo viên ở quê ngoài lương ra có thu nhập chi. Bắt góp 3 ngày lương là cả một vấn đề lớn. Tội nhất là mấy cố giáo, thầy giáo dạy hợp đồng, ăn còn chưa đủ mà bắt nộp rứa (vậy) là bằng nhịn đói mấy ngày”. Thầy P.B (giáo viên một trường THPT xin dấu tên), nói: “Tui (tôi) chưa nộp vì đã thấy ai nộp chi mô? Huyện ép như ri là không đúng”.
Còn thầy N.T, hiệu trưởng một trường học trên địa bàn (cũng xin dấu tên) lắc đầu nói: “Tui không dám cung cấp văn bản của huyện cho nhà báo mô. Anh đi trường khác mà hỏi. Huyện mà biết tui là người cung cấp thông tin cho nhà báo là chết liền. Nhà báo tha cho tui để lần sau gặp còn dám mời rượu”...
“Tự nguyện” kiểu... bắt buộc
Một nguồn tin đáng tin cậy khác cho hay: "Đền thờ Liệt sỹ" huyện Yên Thành nằm trong quần thể dự án “Khu du lịch văn hoá tâm linh, sinh thái Rú Gám” đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Từ năm 2012, chủ trương xây dựng đền thờ đã được đặt ra. Cuối năm 2013, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã ký Quyết định thành lập Ban vận động ủng hộ xây dựng “Đền thờ Liệt sỹ Hòn Thàng”.
Ông Phan Văn Tân - Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện, đã gửi “Thư kêu gọi” tới các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn, các chủ doanh nghiệp là con em Yên Thành trong và ngoài tỉnh, đóng góp ủng hộ xây dựng "Đền thờ Liệt sỹ" của huyện tại Núi Thàng. Trong thư kêu gọi này, Bí thư Huyện ủy đã ấn định rõ mức vận động cho từng tổ chức, đơn vị, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của UBND huyện tháng 5/2014, dự án xây dựng "Đền thờ liệt sỹ" đã được chỉ đạo khá quyết liệt. Ngay sau Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện ký Quyết định thành lập Ban vận động ủng hộ xây dựng “Đền thờ Liệt sỹ Yên Thành” thay thế Quyết định đã ban hành cuối năm 2013 nêu trên. Ban vận động gồm 22 thành viên do ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban. Ngày 12/7/2014, mặc dù nguồn tài chính cho công trình "Đền thờ Liệt sỹ" huyện Yên Thành chưa thu được là bao, nhưng UBND huyện Yên Thành đã tiến hành khởi công công trình.
Theo nhà thầu cho biết, từ khi triển khai công trình, máy thi công đã vấp phải rất nhiều đá sau lớp đất mỏng. Mặc dù đã triển khai một số hạng mục từ năm 2013, nhưng đến nay nhà thầu mới được tạm ứng 2,3 tỷ đồng, trong tổng số 35 tỷ đồng xây lắp.
Trông về Phủ Diễn mà xem...
Điều mà dư luận phản ứng gay gắt không phải là ý tưởng về một công trình tâm linh mà là thời điểm xây dựng đền thờ chưa phù hợp trong khi thân nhân các liệt sỹ còn gặp khó khăn về kinh tế; hệ thống giao thông nông thôn, các công trình phục vụ dân sinh như: Điện - đường - trường - trạm một số xã đang xuống cấp, cần sửa chữa. Bên cạnh đó, hệ luỵ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn đặt ra cho “Ban vận động ủng hộ xây dựng Đền thờ Liệt sỹ Yên Thành” là: Trong khi các nghĩa trang, đài tượng tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ở các xã cũng như của huyện không được chăm sóc thường xuyên, khung cảnh rất hoang tàn thì việc xâu dựng thêm 1 đền thờ với số tiền lớn như vậy có cần thiết?
Được biết, Khu Di tích Bác Hồ về thăm Yên Thành (tại xã Vĩnh Thành) được khánh thành năm 2012 với mức đầu tư 12 tỷ đồng, đến nay nhà thầu mới nhận được 7 tỷ đồng, còn 5 tỷ đồng nữa “huyện chưa có nguồn” thì liệu "Đền thờ Liệt sỹ" Yên Thành có tiếp tục “ghi sổ nợ” đối với nhà thầu mới? Công trình tưởng niệm 72 liệt sỹ tiền khởi nghĩa tại xã Mỹ Thành được khánh thành giai đoạn năm 2012, nay đã rơi vào cảnh hoang tàn, xuống cấp, một số hạng mục công trình vẫn chưa có tiền như dự kiến ban đầu. Dự án đường cứu hộ, cứu nạn do huyện làm chủ đầu tư với tổng dự toán 156 tỷ đồng, khởi công năm 2012 nhưng nay các nhà thầu mới nhận được 50 tỷ đồng.
Tác giả bài viết đã tiếp xúc với rất nhiều người dân, rất nhiều những cán bộ công chức, viên chức địa phương, mong lãnh đạo huyện Yên Thành hãy lắng nghe một chút; hãy ghé thăm Đền thờ liệt sỹ huyện Diễn Châu cách thủ phủ huyện Yên Thành không xa. Đây là công trình được khánh thành cuối năm 2011 với tổng mức kinh phí 40 tỷ đồng. Công trình rất hoành tráng nhưng vắng người đến dâng hương.
Xin không bình luận về tiêu chuẩn “Trưởng Ban quản lý dự án” và Tổ trưởng “Tổ tư vấn đầu tư” là 2 cán bộ lãnh đạo cấp huyện không đáp ứng đủ điều kiện theo khoản 2, điều 43, Nghị định 12/2009/NĐ - CP của Chính phủ về chuyên môn ngành xây dựng vì họ là những người “bị chỉ định”, “không làm thì không có ai làm”. Nhưng một công trình được khởi công khi lòng dân chưa thuận, nguồn kinh phí chưa có mà cứ “làm lấy được” để rồi hậu quả là những người kế nhiệm phải gánh chịu là không nên.