“Dòng máu cao quý” - cuốn hồi kí lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn

15/05/2023 14:26

Theo dõi trên

Amélie Nothomb là cái tên quen thuộc của nền văn học đương đại, đặc biệt tại các nước nói tiếng Pháp. Bà được biết đến với văn phòng giàu liên tưởng và vô cùng mãnh liệt. Tác phẩm “Dòng máu cao quý” là cuốn hồi kí của Amélie Nothomb, được lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn.

van23463463677-1684135574.jpg
Tiếu thuyết “Dòng máu cao quý” - dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: Premiersang của AmélieNothomb

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học Châu Âu năm 2023, Nhã Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelle tại Việt Nam phối hợp tổ chức buổi ra mắt tác phẩm “Dòng máu cao quý của Amélie Nothomb” vào lúc 10 giờ, ngày 13/5/2023, tại Phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Tại sự kiện có sự tham gia của các vị khách mời: PGS.TS. Phùng Ngọc Kiên -Phó Giáo sư tại Phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học, tác giả của nhiều nghiên cứu văn học Pháp thế kỷ XIX và XX; Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên; Đại diện các chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và vùng Wallonie của Bỉ tại Việt Nam, Nicolas Deraux.

Amélie Nothomb được biết đến như một nhà văn kì lạ với văn phong hài hước không câu nệ, các tác phẩm của bà hầu hết đều rất ngắn gọn, súc tích. Với tác giả, người cha - Patrick Nothomb là nguồn cảm hứng lớn để bà ra đời cuốn tiểu thuyết “Dòng máu cao quý”. Tác phẩm bắt đầu bằng những năm đầu cuộc đời của ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb. Ông qua đời năm 83 tuổi khi bị trụy tim trong lúc phong tỏa do COVID-19, chính vì vậy Amélie Nothomb đã không thể gặp và nói lời chia tay cuối cùng với cha của mình. Khi đọc độc giả sẽ bị thuyết phục bởi sự trân trọng và lòng tôn kính của bà dành cho người cha của mình trong cuốn tiểu thuyết.

Mở đầu tác phẩm là cảnh kịch tính khi một nhà ngoại giao được đưa ra đứng trước đội xử bắn. Ranh giới giữa sự sống và cái chết cận kề, ông nghĩ lại về tuổi thơ của mình, cha mẹ ra sao, ông đã từng lớn lên như thế nào. Được tái hiện lại sinh động trong từng trang sách ngắn ngủi khiến độc giả bị cuốn theo nội dung của tác phẩm.

PGS.TS.Phùng Ngọc Kiên cho biết: “Để có thể đọc được tác phẩm của Amélie Nothomb thì đôi khi chúng ta phải có 1 cái phông của những tác phẩm từ trước. Đọc tác phẩm của Amélie Nothomb ta cảm tưởng bà đang đùa. Với những câu văn rất ngắn, cộc lốc. Độc giả sẽ hoàn toàn bị cuốn hút theo mạch văn đầy kịch tính của bà. Hiện nay các tác phẩm của Amélie Nothomb đã được đưa vào chương trình THPT của Pháp và Bỉ bởi tính tự thuật của bà rất lạ, đôi khi như trò chơi mà khi bước vào đó không chỉ phân biệt thực hay giả, đúng hay sai”.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên chia sẻ: “Ở Pháp và Bỉ bà là một tượng đài mà giới trẻ cực kì hâm mộ. Cái tính chất hài hước và dễ dãi trong câu văn của bà là đặc điểm nổi trội và hiếm có ở các nhà văn đương đại. Như tựa đề tác phẩm, nó như là một sự chơi đùa với ý tưởng trong câu văn. Đọc tác phẩm chúng ta có thể ngầm hiểu tác giả Amélie Nothomb là con người tích cực và truyền năng lượng tích cực đó đến độc giả”.

Nicolas Deraux cho hay: “Tôi đã đọc nhiều tác phẩm do Amélie Nothomb viết, ngoài “Dòng máu cao quý” thì “Sững sờ và run rẩy” là một tác phẩm tôi rất thích. Ấn tượng bởi cách bà viết khiến chúng ta phải hóa thân vào nhân vật và đặt cho bản thân nhiều câu hỏi chất vấn về nội tâm của mình”.

“Dòng máu cao quý” là cuốn tiểu thuyết thử 30 của Amélie Nothomb, được nhà văn dựng lại chân dung người cha của mình, một con người vừa mạnh mẽ lại vừa mong manh. Ngược dòng quá khứ tìm về nguồn gốc của cha, nhấn mạnh những mâu thuẫn trong gia đình, đồng thời bà cũng đang chữa lành cho chính bản thân và mang tới sự lôi cuốn trong tác phẩm. Một số cuốn sách của Amélie Nothomb được Nhã Nam phát hành: Sững sờ và run rẩy, Hồi ức kẻ sát nhân, Kẻ hai mặt, Nhật ký chim én…

Tuệ Minh
Bạn đang đọc bài viết "“Dòng máu cao quý” - cuốn hồi kí lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.