Đánh quay – Trò chơi truyền thống Ngày Tết của người Mông, Sơn La

07/01/2016 10:12

Theo dõi trên

Những Ngày Tết ở bản Hua Tạt, Mộc Châu (Sơn La) luôn nhộn nhịp bởi tiếng khèn mùa xuân, tiếng bạc trắng hoa xòe tinh tang trên bộ quần áo xanh, đỏ vàng lên sau mỗi bước chạy và bởi cả tiếng con quay va vào nhau, tiếng hò reo, cười nói khi kết thúc mỗi vòng quay…


Đánh quay – Trò chơi Ngày Tết của người Mông

Ngày xuân, trai gái thương nhau được tự do hò hẹn, đến nhà nhau chơi, mời nhau ly rượu ngô để cùng say men túy lúy… Ngoài bản, những điệu múa khèn cứ xoay vần bất tận, tiếng trẻ con nô đùa không dứt. Tưởng chừng nhịp sống ẩn dật cả năm của vùng sơn cước chỉ dành cho một dịp xuân bừng dậy nồng nàn, như tiếng khèn mê say của con trai con gái, như bát rượu ngô hiếu khách của người Mông mùa Tết…Và đâu đó không thể thiếu những trò chơi đánh quay trong tiếng reo hò cổ vũ vang khắp bản.

Cũng như bắn cung, bắn nỏ, cưỡi ngựa, đánh tu lu, rồng ấp trứng… đánh quay là trò chơi để đàn ông người Mông ở Mộc Châu khoe tài khéo cùng sức mạnh. Người đàn ông Mông từ khi lẫm chẫm biết đi đã có con quay làm bạn. Đó là món đồ chơi mà anh hoặc bố làm cho để lẽo đẽo theo họ trong mỗi ngày tết đến xuân về. Lớn thêm ít nữa, khi tự biết cầm dao khéo léo đẽo quay, thì họ đã trở nên thành thục với trò chơi tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn này.

Mỗi bộ quay gồm sợi dây dài chừng 2m gắn cố định một đầu vào thanh gỗ nhỏ dài chừng 0,5m và con quay đẽo hình đầu đạn, bán kính 3-5cm, làm bằng gỗ tốt, cứng, nặng (thường là gỗ trai). Bộ đồ chơi ấy thường được dùng trên sân vận động của bản cùng những trò chơi khác như đá bóng, ném pao…

Nhiều người thường nghĩ đánh quay là hai bên cùng ném con quay xuống đất, bên nào bị đổ trước là thua, nhưng bản Hua Tạt, Vân Hồ, lại có luật lệ riêng. Nhóm người chơi sẽ chia làm hai đội không hạn chế thành viên. Đội thứ nhất thả quay, đội thứ hai đứng ở vạch, tìm cách ném con quay của mình trúng và làm đổ các con quay của đội thứ nhất. Nếu ném trúng và con quay còn tiếp tục quay là thắng cuộc, ném trượt tất nhiên sẽ thua.




Từ hồi nhỏ các chàng trai Mông đã chơi trò đánh quay một cách thuần thục

Cái thú vị nhất của cuộc chơi chính là việc thả quay và đánh quay diễn ra qua ba vòng. Vòng thứ nhất thả quay cách vạch ném chỉ chừng 3m, vòng thứ hai thả quay cách vạch đến 10m, vòng thứ ba quay thả cách vạch ném đến 20m. Vòng ném thứ ba bao giờ cũng là vòng thử thách nhất, và cái tài khéo cùng sức mạnh của người đàn ông Mông được chứng tỏ chính là ở vòng này.

Khi đội thả quay xong, tất cả đứng dạt ra nhìn những con quay đang quay tít trong mảnh đất rộng, tất cả ánh mắt của cổ động viên, của khán giả, của những cô gái mười tám, đôi mươi dồn cả vào những cánh tay chắc nịch phía đội đánh quay. Những chàng trai thân hình vạm vỡ thoăn thoắt quấn quay, chạy đà, vung tay thả, giật que đánh con quay thật mạnh, thật xa. Không phải con quay nào cũng trúng đích. Có con lao thẳng vào khe giữa 4-5 con quay khác ra ngoài, có con chỉ cách quay đối thủ một chút xíu thì lại tiếp đất rồi xoay tít văng lên cao. Chỉ vài con quay trúng đích, khiến quay đối thủ văng xa mới được tung hô, cả người chơi lẫn khán giả đều thích thú cười rạng rỡ.

Hai đội cứ thế đổi vị trí ném và đánh cho nhau, ai mệt thì ra nghỉ, ai mới đến lại đem quay nhập bọn, đến bữa thì nghỉ uống rượu rồi lại chơi. Thú chơi quay của người Mông giúp người chơi tạo cho cánh tay thêm rắn chắc, rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh và phán đoán tốt. Thêm vào đó, người chơi nhận được sự cổ vũ rất nhiệt tình của mọi người, đặc biệt là các thiếu nữ Mông đứng xem bên ngoài. Không ít thiếu nữ đã chọn được bạn tình cho mình là những người chiến thắng, trong số ấy đã nhiều đôi thành vợ, thành chồng sống hạnh phúc bên nhau trên các triền núi cao của miền sơn cước.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Đánh quay – Trò chơi truyền thống Ngày Tết của người Mông, Sơn La" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.