Dân tộc Thổ ở Nghệ An

02/03/2016 16:34

Theo dõi trên

Dân tộc Thổ là một cộng đồng dân cư bao gồm các nhóm người mang tên Kẹo, Mọn, Cuối, Đan Lai - Ly Hà và Tày Poọng, cư trú ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông và Tương Dương thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường. Dân số khoảng 80.000 người. Người Thổ có nhiều dòng họ, trong đó họ Trương là một họ lớn chiếm số đông trong cộng đồng, tiếp đến là các họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm…



Người Tày Poọng ở bản phồng Tương Dương - Ảnh: Anh Tuấn

Người Đan Lai - Ly Hà hiện đang cư trú tại các xã Môn Sơn và Lục Dạ thuộc huyện Con Cuông. Người Tày Poọng cư trú tại bản Phồng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Nhóm Cuối được coi là cư dân bản địa hiện cư trú tại các xã Tân Hợp huyện Tân Kỳ, làng Lơ, làng Rạch, làng Đống ở xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn,...

Vùng cư trú của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An phía Tây Bắc bao gồm các nhóm Kẹo, Mọn và Cuối. Khối cư dân ít hơn ở phía Tây Nam bao gồm các nhóm Đan Lai - Ly Hà và Tày Poọng.

Về ngôn ngữ song song với tiếng Mường, tiếng Việt và tiếng Chứt chứ không phải là phương ngôn tiếng Mường...

Tập tục canh tác

Người Thổ sinh sống dựa chủ yếu vào kinh tế nương rẫy. Số ruộng đất để làm lúa nước rất ít. Vì thế, ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp đất đai đã phải qua nhiều chu kỳ phát đốt nên tầng đất mùn trên mặt đã bị bào mòn hàng chục đời nay, nên đất đai cằn cỗi. Hơn nữa tuy gần các sông suối lớn nhưng việc khắc phục nước tưới cho cây trồng không thực hiện được. Rẫy dốc, nghèo mùn và khô là đặc điểm đất canh tác ở vùng cư trú của người Thổ. Lúa rẫy khô và cây gai là hai loại cây sống thích hợp với loại đất này. Trình độ canh tác rẫy đất dốc khá cao thể hiện ở khâu làm đất. Công cụ điển hình của họ là chiếc “cày nại” (cần nộn) và chiếc gậy chọc trổ hạt. Ban đầu người ta phát nương rẫy gieo hạt từ năm sau trở đi mới dùng cày bừa trong sản xuất... Thường thường 3 người nam chọc lỗ (tẩm), 7 phụ nữ đi theo tra hạt (rói). Khi gieo vãi xong (vạt) cày lấp đất (cần vạt), bừa lại (bừa vạt). Mỗi chu kỳ sản xuất thường làm cỏ 2 lần. Chu kỳ làm rẫy: Trước tết Âm lịch: Phát đốt; sau tết âm lịch: thu gọn cây to đốt lại; tháng 3 và 4: gieo hạt; tháng 9: thu hoạch... Cùng với trồng lúa, đồng bào trồng gối vụ, xen canh sắn, ngô, đỗ, lạc, mía.

Người Thổ có nghề trồng gai và chế biến các sản phẩm từ cây gai rất phát triển. Nghề này chủ có ở vùng Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp, không có ở Con Cuông và Tương Dương. Người Thổ dùng các sản phẩm này để đổi lấy những thứ mà dân tộc mình không sản xuất được, chủ yếu là quần áo.

Nghề đan lát khá phổ biến trong hầu hết đàn ông người Thổ. Nhiều loại sản phẩm đẹp đem đổi chác, mua bán với các cư dân quanh vùng được nhiều người ưa thích (như ghế mây, bồ đựng quần áo, hộp kim chỉ…) nhất là các sản phẩm của cư dân Đan Lai - Ly Hà và Tày Poọng.

Cư trú dọc các sông suối lớn, đồng bào Thổ có nhiều phương pháp đánh bắt cá cổ truyền ít thấy ở các dân tộc khác. Dụng cụ đánh bắt cá ở đây độc đáo và phong phú: Hom giỏ kết bằng tai hoa mây (lá ngáng), xúc vợt (việc), vó trời (cuộng), chíp, đăng, chài v.v…

Do nền kinh tế sản xuất còn ở trình độ thấp nên đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn triền miên. Bù đắp sự ít ỏi của thu nhập do nương rẫy đưa lại, các hình thức thu nhặt lâm, thổ sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Đan Lai - Ly Hà và Tày Poọng. Tỷ lệ thu thập các sản vật chất tự nhiên này chiếm vai trò rất đáng kể trong đời sống vật chất của đồng bào. Đó là dấu ấn đậm nét của nền kinh tế tước đoạt”. Nền kinh tế hàng hoá chỉ mới manh nha xuất hiện bằng các hình thức trao đổi, những thứ mà đồng bào không sản xuất được (muối, vải, dầu đèn…).

Nét văn hóa

Nền văn hoá vật chất của đồng bảo Thổ cũng có những nét đặc biệt riêng. Nhà ở phần lớn là nhà làm bằng gỗ rừng, tre nứa lá giản đơn, cột ngoạm, chỉ cần một con giao và cái rìu là dựng được nhà. Nhà sàn có nhiều ở nhóm Tày Poọng do cư trú gần gũi và lâu dài mà ảnh hưởng nhà sàn Thái. Những biểu hiện văn hoá vật chất điển hình (như trang phục, công cụ sản xuất) hết sức đơn giản, lại pha tạp - dấu ấn của một dân tộc được cơ cấu bằng nhiều nguồn dân cư khác nhau. Áo quần của họ phần lớn do đổi chác mà có. Có một vài đặc điểm chung nhưng có thể phân biệt được là: Đàn ông Thổ mặc áo lượng đen, khăn nhiễu tím, quần dài trắng cạp vấn (giống đàn ông Kinh. Váy phụ nữ vùng Quỳ Hợp lại giống váy Thái (có sọc viền chân váy, dày) trong khi váy của phụ nữ vùng Lâm La lại giống váy Mường và mang dáng dấp Kinh (có dọc theo dấu ngón trỏ xuống). Áo phụ nữ vùng Quỳ Hợp năm thân, màu nâu hoặc trắng (gần giống người Kinh), áo phụ nữ vùng Lâm La thêm cổ viền giống áo cánh phụ nữ Kinh. Một số cư dân mặc yếm trắng (giống Kinh), đội khăn vuông (giống Mường), có tang chít khăn trắng (giống Kinh)…

Do sống xen kẽ với các tộc khác, và luôn ở trong tình trạng đời sống khó khăn, nơm nớp lo lắng về sự đồng hoá văn hoá của các thế lực ngoài dân tộc nên ý thức cố kết cộng đồng của cư dân Thổ khá vững mà có lẽ biểu hiện cao nhất là ý thức về chế hôn nhân nội tộc của cộng đồng. Tuy các nhóm ở xa nhau nhưng quan hệ hôn nhân rất chặt chẽ. Việc kết hôn với người khác tộc lại rất hạn chế. Trong nội bộ dân tộc, trai gái trong thời kỳ tìm hiểu có tập tục “ngủ mái”. Trong đêm “ngủ mái” trai gái làm quen nhau một cách lành mạnh. Lệ tục khắt khe lên án các hành vi mờ ám. Tục này chỉ có các nhóm ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, không có ở các nhóm Con Cuông, Tương Dương.

Từ các đêm “ngủ mái”, trai gái đồng ý lấy nhau thì từng bước thực hiện các nghi thức bắt buộc như nhờ người làm mối (ông pìn), thăm hỏi nhau thường xuyên (1 tháng 1 lần), dạm hỏi và xin cưới. Tục cưới xin ở người Thổ trước đây khá tốn kém và phiền phức trong khi đời sống còn ở mức rất thấp.

Vì đời sống vật chất không cao nên giữa các thành viên, trong nội bộ bản với nhau mối quan hệ là tương thân, tương ái, đoàn kết. Ngày làm nhà mới, ngày gieo hạt, cả bản giúp đỡ nhau tận tình.

Quan niệm của đồng bào về thế giới cõi âm rất phức tạp. Có đủ loại thần ma… trong tín ngưỡng của đồng bào. Họ cho rằng thần trên trời, ma dưới đất, có những người lùn ở dưới mặt đất, có “tô khụ” tức là các con thuồng luồng ở dưới nước. Có làng thờ hàng chục vị thần (14 - 15 vị), bao gồm nhân thần thiên thần và cả những vật vô tri… Đó là các vị thần Đông, thần Tây, thần Đức Ông, Thuỷ Tề… có nơi còn thờ cả thần Cao, Sơn, thần Cả, thần Đẹt, thần Sơn Dương…  

Người Thổ cúng ma bằng tiếng Cuối do các thầy cúng tiến hành. Khi cúng tổ tiên, họ cúng bằng tiếng phiên âm Hán - Việt. Người chết được gọi hồn vía để nhập liệm làm cỗ.

Từ khi hạ huyệt trở đi, người ta tổ chức các lễ cúng 3 ngày, 50 ngày và 100 ngày. Người Thổ không có tục bốc mả, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán đồng bào tổ chức quét mả, mời tổ tiên về ăn tết, sau đó vào các dịp Tết Đoan Ngọ (5 - 5), Trung Nguyên (15 - 7) và Tết Cơm Mới (10 - 10) đều được đồng bào cúng chu đáo.     
 
Thế Thắng
 

Bạn đang đọc bài viết "Dân tộc Thổ ở Nghệ An" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.