
Không kể ngày hay đêm cứ buồn bà cụ lại lấy báo ra ngồi đọc
Mưu sinh ở tuổi “cổ lại hy”
Ai chạy qua tuyến đường dưới chân cầu Lò Gốm ngay khúc quơ rẽ qua cầu Phú Định đều dễ dàng bắt gặp một bà cụ ngồi trên chiếc thùng xốp, bên chiếc xe đẩy cũ kỹ, trên tay luôn cầm tờ báo theo dõi tin tức. Bà cụ ấy tên là Trần Thị Ngọc Hạnh, năm nay đã 81 tuổi. Bà là người gốc Sài Gòn, trước đây bà bán báo trên đường Nguyễn Văn Luông gần cầu Phạm Văn Chí, quận 6 đến khi nhà nước giải tỏa mặt bằng nên gia đình bà chuyển qua ở tại đường 12A Nguyễn Ngọc Cung, quận 8. Bà kiếm con xe đẩy ra chân cầu Lò Gốm tiếp tục bán báo. Từ bấy đến nay cũng đã 35 năm bà mưu sinh với tờ báo dưới chân cầu.
Tuy tuổi đã cao, nhưng hàng ngàytừ 6h sáng bà đã đẩy xe đi để lấy báo rồi về bán dưới chân cầu Lò Gốm cho đến tối muộn. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, nay bà còn bán thêm xăng. Với bà, công việc tuy mệt nhọc nhưng được làm việc mỗi ngày để không làm phiền đến con cái là điều khiến bà nhẹ nhõm nhất: “Ông nhà mất đã khá lâu, con cái làm ăn xa mỗi đứa mỗi nơi, lâu lâu về cho bà được vài trăm ngàn. Hiện bà đang sống với người con út nhưng nhà nghèo lắm nên bà đẩy xe bán báo phụ giúp thêm cho con”, bà trải lòng.
Gánh nặng mưu sinh in hằn lên khuôn mặt khắc khổ cháy xám của bà, đôi bàn chân đen lì, chai sạm bên xe đẩy càng làm chúng tôi xót xa về hoàn cảnh nghèo khó của mẹ con bà. Ở cái tuổi đến lúc nghỉ ngơi, được con cháu phụng sự, chăm sóc, thì bà còn lam lũ ngoài nắng gió, bụi bặm bán những tờ báo, lít xăng lẻ hay nhặt ve chai kiếm sống. Tuy con cái ngăn bà đi bán, khuyên bà ở nhà nghỉ ngơi nhưng bà không đành lòng. Nhà nghèo, thương con, bà chấp nhận cảnh già hàng ngày rong ruổi bán báo.
Bà ngậm ngùi kể: “Hàng ngày bán được đồng nào giúp con đồng đó, đi trên đường ai thương, ai quen họ cho khi gói mỳ tôm, khi ổ bánh mỳ cũng đỡ hơn chứ ngồi ở nhà thì không có gì, lại thêm gánh nặng cho con”.
Bà hiền và vui tính nên mọi người xung quanh ai cũng yêu quý. Khách quen của bà thường là những chú xe ôm, khi hết xăng tranh thủ chạy về chân cầu để đổ xăng ủng hộ bà, hay khi ngồi buồn không có khách lại mua giúp bà tờ báo đọc. Nhờ vậy mà bà có thêm thu nhập. Bà thổ lộ: “Bữa nào cũng vậy chú ơi, ế lắm, ngày may ra bán được hơn 10 tờ chứ bình thường người ta mua có 4,5 tờ thôi à”. Nói rồi cười, một nụ cười hiền hậu, dễ mến.


Bà dọn dẹp để ra về sau hơn 22 giờ đêm
Bám nghề vì “nghiền con chữ”
Đã gần nửa cuộc đời gắn liền với chiếc xe đẩy bán báo, vật dụng kiếm sống của bà cũng giản đơn như chính con người bà. Chiếc xe đẩy được bà che chắn bởi các bao tải, trên xe còn treo chiếc radio cũ cùng chiếc ô che mưa và xô nước uống. Bên cạnh xe bà để viên gạch được cắm cái ống nhựa, trùm trên là chiếc hộp giấy đặt sát mét đường để khách qua đường biết bà có bán xăng.
Khi được hỏi, sao vất vả như thế mà bà vẫn bám nghề này, các nếp nhăn trên khuôn mặt bà như giãn ra, bà tâm sự: “Ngày xưa nhờ cái lớp bình dân học vụ bà mới có được con chữ, bà mê học lắm, hồi nhỏ cứ ban ngày đi bán bánh mỳ, ban đêm dù chưa hết hàng vẫn trốn về đi học. Hàng ngày đi bán thấy người ta đọc báo bà mượn đọc lại, thấy bà nhỏ mà biết đọc nên người ta cho luôn tờ báo. Đọc xong bà giữ cẩn thận rồi đi bán. Sau này khi lớn lên đi làm thuê thấy người ta đọc báo nhiều nên bà chuyển qua đi bán báo dạo. Một thời gian khi có vốn bà mở sạp báo tại đường Nguyễn Văn Luông, đến nay cũng đã 35 năm rồi”.
Tuy đã hơn 80 tuổi nhưng mắt bà vẫn sáng, vẫn có thể đọc báo mỗi ngày, đôi mắt ánh lên nỗi niềm ký ức: “Ngày xưa bà bán báo nhiều lắm, có ngày bán được phải đến cả trăm tờ. Người ta còn chủ động đến giao báo cho bà bán nữa, còn bây giờ bà phải đi lấy mà mỗi lần lấy chỉ tầm 15 tờ là nhiều mà bán không hết. Bây giờ họ toàn đọc báo trên điện thoại chứ báo giấy này còn được mấy người ”.
Vất vả là vậy nhưng bà vẫn cần mẫn với nghề, không quản nắng mưa. Ngày xưa nhà nghèo, muốn đi học chỉ nhờ có lớp bình dân học vụ, bà mày mò đọc chữ trên mấy tờ báo nên biết đọc, biết viết. “Mấy người nghèo tầm tuổi bà bây giờ ít lắm, còn khỏe ngày nào bà bán đến ngày đó, bán đến chết mới thôi”, bà cười nói.
Trời về khuya, vừa trò chuyện với chúng tôi bà vừa dọn hàng để về nghỉ. Tôi ngỏ ý muốn giúp nhưng bà nói: “Không cần đâu những việc này bà làm được, chỉ khi lên dốc cao quá, đẩy không nổi thì bà mới nhờ người giúp thôi”. Ấy thế mà, khi phụ bà kéo chiếc xe mới biết nó nặng trịch thế nào. Nhưng bà vẫn một mình có thể đẩy chiếc xe rong ruồi khắp các con phố để bán báo mới lấy nghị lực của bà thật đáng khâm phục. Chia tay chúng tôi bà đẩy chiếc xe chậm rãi về hướng cầu Phú Định, dáng bà nhỏ nhắn khuất dần trong đêm khuya.