Cơ cực với nghề săn “khủng long thời hiện đại”

10/04/2018 14:50

Theo dõi trên

Dù có rất nhiều trang trại mọc lên như nấm sau mùa từ khi thực khách chán ăn các món ăn truyền thống, chuyển sang các món ăn “độc lạ” thì cái nghề săn kỳ nhông bỗng trở nên “hot” hơn bao giờ hết với người dân vùng đất cát không chỉ của Quảng Nam mà còn khắp vùng duyên hải miền Trung này.

Món kỳ nhông từ món ăn dân dã của người nghèo không có tiền mua thịt cá bỗng thành món đặc sản, với rất nhiều cái tên mỹ miều như “khủng long thời hiện đại” khiến không ít thực khách lắm tiền nhiều của bỏ ra để được thưởng thức, và cái nghề săn nhông bỗng trở thành cái nghề kiếm cơm của nhiều người.
 


Một người săn nhông cát

Đặc sản “khủng long”

Hiện tại, không ít các quán bán đặc sản biển rừng từ thôn quê cho tới thành thị đều có món đặc sản kỳ nhông này, và để tạo sự lạ lẫm cho các thực khách họ đã lấy rất nhiều cái tên khác nhau để đặt cho món kỳ nhông, có nơi người ta đặt là rồng đất, có nơi lại gọi một cách hoành tráng hơn là khủng long, có nơi thì gọi đơn giản là nhông. Nhưng với tất cả những người đã từng thưởng thức qua món thịt kỳ nhông thì đều có chung một nhận xét là đáng đồng tiền bát gạo. 

Anh Trần Hoàng, một chủ quán nhậu tại thị trấn Vĩnh Điện (Quảng Nam) chia sẻ rằng thời gian gần đây món thịt kỳ nhông được rất nhiều khách ưa chuộng. Thế nên ban đầu anh chỉ làm thử một vài món và chỉ làm cho khách quen đặt thì bây giờ anh đã chuyển sang bán đại trà, món thịt kỳ nhông trở thành món chính của quán anh. Anh Hoàng cũng cho biết rằng việc đặt hàng từ các trại nuôi kỳ nhông là điều rất dễ dàng, vì thời gian qua ở địa phương này có hàng loạt trang trại nuôi kỳ nhông trên cát mọc lên cung cấp nguyên liệu cho các quán như anh. Anh bảo, thịt kỳ nhông trắng, mềm và thơm, sau khi hơ qua lửa nóng rất dễ đánh vẩy, cũng như chế biến được rất nhiều món: Chiên giòn, xé trộn gỏi, xào lăn, xào sả ớt. Món chả này là thịt nhông băm nhuyễn với ít mộc nhĩ, gia vị rồi cuốn bánh tráng, đem chiên. Thoạt trông, cũng giống loại chả ram cuốn tôm, thịt heo ở vùng này nhưng hương vị thơm ngon, lạ miệng hơn. Với món nhông nướng, thì dùng thịt nhông băm nhuyễn, ướp gia vị, rồi gói lá ổi thành từng miếng bằng ngón tay cái, xong cho vào vỉ nướng trên lửa than. Hoặc để nướng nguyên con, sau khi làm nhông xong, đem ướp gia vị rồi đưa nướng sẽ thành một đĩa nhông vàng ươm. Món này có thể không hợp với người “yếu tim” nhưng lại vô cùng đậm đà với dân nhậu vì xương nhông khá giòn, nhâm nhi có “cảm giác” hơn là nhông đã băm nhuyễn. Ngoài ra còn các món canh nhông, nhông nướng trui, nhông hon, nhông rô ti, cà ri nhông… vô cùng đặc biệt. Là người từng nhiều năm chế biến nhông, anh Hoàng còn dí dỏm cho hay rằng thịt nhông là món “cơ cấu” trong các bàn tiệc tùng, cưới hỏi của người dân vùng này, nếu thiếu món này thì coi như đám cỗ bất thành.

Anh Hoàng cho biết quán của anh thường mua gom nhông từ những người đi đào, giá xê dịch từ 350.000 - 450.000 đồng/kg kỳ nhông sống. Do nhông thời gian này hiếm và đắt nên cũng có nhiều quán treo biển thịt nhông nhưng đã pha thêm thịt heo để tăng lãi. Không chỉ là món nhậu đặc sản, thịt kỳ nhông còn là vị thuốc với nhiều công dụng chữa bệnh và cũng là “thần dược tình yêu” cho các quý ông. Tuy nhiên, theo anh Hoàng thì các thực khách vẫn chuộng kỳ nhông của những người đi săn hơn, vì kỳ nhông nuôi không ngon bằng kỳ nhông bắt ngoài tự nhiên, chính vì thế giá cho mỗi kg kỳ nhông tự nhiên đắt gấp nhiều lần nhông nuôi tại trại, và có không ít người bổ công bỏ sức đi săn loài vật này cho các quán nhậu.
 


Nhông là món đặc sản và là vị thuốc quý

Cơ cực đi săn đặc sản

Trên những con đường đất cát vắng hoe của xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam) với những vạt rừng lúp xúp trập trùng, mùa hè nắng như đổ lửa nhưng vẫn có những người cặm cụi nón mũ, áo yếm và bao tải nhỏ để đi săn cái món khủng long thời hiện đại này. Cái nắng mù hè nơi này thật gay gắt, nóng như đổ lửa, cây cỏ khô cằn xơ xác. Chỉ có nắng và bụi mịt mù theo từng cơn gió trên những trảng cát. Giữa những khu vực khô khát cỏ cháy gần như hoang vu, có mấy người đàn ông đang lui cui đào xới trên lưng chừng triền cồn cát. Họ đang săn kỳ nhông. Những người đàn ông mồ hôi nhễ nhại đang hì húc đào cái hang sâu phải đến gần 2m để bắt kỳ nhông. Một thợ săn nhông tên hòa cho biết: “Loại nhông to thì chừng 3, 4 con đã được 1kg, còn nhông “lỡ” là loại vừa, một ký 6 - 7 con. Nếu một ký có đến 9, 10 con là loại nhông “que”, nhỏ xíu. Chỉ có nhông thơm là số một, ngon nhất trong các loại. Với nhông loại ngon nhất, giá không dưới 400 ngàn/1kg. Gần đây, các nhà hàng, quán nhậu sang trọng trong này thường quảng cáo món nhậu đặc sản được chế biến từ con nhông mà nhiều người gọi vui là “thằn lằn cổ”, có tác dụng bổ thận, tăng cường “binh lực”. Chẳng rõ những lời tán dương, ca tụng hiệu quả thần kỳ của kỳ nhông như thế nào, dân quê tui chỉ biết con nhông nhìn xấu xí, gớm ghiếc thế, nhưng thịt của nó làm mồi nhậu thì ngon hết biết!”. Còn một thợ săn nhông khác cho biết đào nhông là nghề lâu đời của nhiều hộ ở đây, có những tốp đi đào nhông hàng tháng trời mới về nhà một lần; khi lượng nhông được khoảng 5 - 7kg, họ điện thoại cho đầu nậu mua bổ sung giúp đồ ăn, rồi vào tận chỗ để cân bán. “Một ngày mà đào được một ký nhông là coi như trúng mánh, ba bốn trăm ngàn chớ ít đâu! Ham lắm!”, anh Hòa nói.

Ở nhiều xã thuộc tỉnh Quảng Nam này, hiện không rõ có bao nhiêu nguời đang hành nghề săn nhông, nhưng các điềm thu mua thì thấy nhan nhản. Tuy nhiên, nhông là loài sinh sản không nhiều, môi trường sống lại đang ngày càng bị thu hẹp nên số lượng nhông ngày một khan hiếm. Ngoài việc đào, cánh săn nhông ở đây còn dùng bẫy. Săn bắt nhông bằng ná cao su chỉ dành cho tay sành điệu, phổ cập vẫn là đặt bẫy bằng tre. Một đoạn tre ngắn tròn, đường kính vừa miệng hang nhông đầu có gắn nhánh cung cong nhờ sợi dây nối vào chốt nhỏ chừa đầu một thòng lọng đặt chính cửa hang. Nhông no mồi tìm về hang chui vào sẽ dễ dàng mắc chốt, cung bật, lập tức vòng dây thắt chặt, càng vùng càng siết chỉ còn biết nằm chờ chủ bẫy đến tóm cổ bỏ vào bao. Bằng kinh nghiệm riêng, người săn sẽ cắm bẫy trước các cửa hang, khi nhông mò lên đi ăn thì… a lê hấp! Thế nhưng nhông cũng “khôn” dần nên biết tránh bẫy và nhông dính bẫy hay bị chết, bán không được giá vậy nên người ta đi săn đi đào là chắc nhất. Dụng cụ đào nhông chỉ là một thanh tre vót mảnh dài khoảng 2m, một cây cuốc. Dùng thanh tre luồn vào cửa hang, khi thấy dừng lại đoạn nào là dùng cuốc đào theo đoạn đó. Tiếp đó, dùng tay mò moi theo lớp cát để tìm nhông, rồi luồn thanh tre tìm ngách hang và tiếp tục đào. Thường phải đào hai “hiệp” mới bắt được. Thế nhưng cuối ngách hang bao giờ con nhông cũng có hướng thoát hiểm, nên đôi lúc mất công đào mà không bắt được là chuyện thường. Phải có tay nghề cao và có “mạng sát nhông” mới có thể… chặt bị. 

Thế nhưng mấy năm qua, theo đà của con nhông lên bàn đặc sản, nhiều người ở đây không thể nhớ hết đã có bao nhiêu cái chết do bị cát vùi trong lúc moi nhông. Gần đây nhất là cái chết của là em Trần Văn Miễn (15 tuổi, trú thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành). Buổi trưa hôm ấy em Miễn một mình lên bãi cát trắng để đào nhông đem về bán. Em Miễn đã đào một hang nhông ăn sâu vào lòng bãi cát trắng và cúi đầu vào để moi cát bắt nhông thì bất ngờ bị đất cát ở trên sạt lở vùi lấp nạn nhân dẫn đến ngạt thở chết. Chính vì vùi lấp phần đầu, chỉ còn lại hai chân thò lên trên mặt cát nên những người đi đào nhông trong khu vực phát hiện Miễn chết cắm đầu dưới cát, chỉ thò 2 bàn chân lên. Kể về những cơ cực và hiểm nguy của nghề săn nhông này, ông Trần Thanh Tùng (61 tuổi, trú xã Tam Tiến) cho hay, thường người kỹ tính đi đào nhông phải có đôi, để nếu có người sụp cát thì người còn lại moi tìm hoặc cầm chân kéo ngay ra khỏi đụn cát đang ập kín người mới có cơ may sống sót. Thế nhưng vì “máu” nên rồi mỗi người mỗi hướng, mạnh ai nấy đào đến khi sụp hầm thì không ai biết mà cứu. Ông Tùng cho biết chiều sâu của hang nhông thường từ 1 - 1,5m. Muốn bắt được con nhông trong hang, người đào phải nằm sát đất, mặt úp vào trong lòng hang để rướn theo con nhông. Thường khi sụp cát, nửa thân trên bị vùi kín, không có tư thế chống đẩy và đã đuối sức do theo nhông, rất dễ dẫn đến chết ngạt. 

Nhiều người sau khi thoát chết đã nhất quyết bỏ hẳn nghề theo nhông, tuy nhiên vì thúc bách miếng cơm manh áo nên hầu hết họ vẫn không thể dứt nghề. Nhiều người thường đi đào nhông cùng vợ hoặc con, nhưng lắm khi cũng chỉ một mình. Chính vì thế mà có nhiều vụ sập hầm cát khi bắt nhông mà người tử nạn đến lúc chết tay vẫn còn cầm chặt con nhông bắt được. Cuộc mưu sinh nào cũng lắm cam go và cả những bất trắc, nhưng cuộc mưu sinh khi bắt nhông quả là lắm nỗi chua cay, đau xót.

Về mặt thực phẩm, nhông có giá trị dinh dưỡng cao. Thịt của nó được chế biến cầu kỳ thành nhiều món và người dân ở đây coi như món ăn - bài thuốc có tác dụng chữa sốt, cảm lạnh, đau nhức, ho, kém tiêu. Theo Đông y, thịt nhông cát có vị ngọt, mặn, mùi thơm, tính bình, không độc, có tác dụng bồi bổ, giảm đau, kích thích tiêu hóa, tiêu độc, làm khô vết thương, chữa được chứng nhức mỏi gân xương, thấp khớp, tê bại, hay được dùng như thịt cóc chữa suy dinh dưỡng, gầy còm, kém ăn, chậm lớn ở trẻ em…
 
Trần Vũ

Bạn đang đọc bài viết "Cơ cực với nghề săn “khủng long thời hiện đại” " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.