Chiêm ngưỡng tác phẩm Khuê Văn Các bằng cây cảnh

10/01/2018 09:44

Theo dõi trên

Nhắc tới Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội là nhắc tới Khuê Văn Các, một công trình kiến trúc độc đáo đã trở thành biểu tượng của Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội nay.

Công trình được xây dựng năm 1805 dưới đời vua Gia Long triều Nguyễn do Tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành làm chủ sự nằm trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám. Gác nhỏ có kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt lại được chọn dựng giữa những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang đầy nước trong in bóng gác.

Xưa kia, Gác Khuê Văn vốn là nơi dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Ngày nay, Khuê Văn Các cùng với Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc, tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng.

 
 
Sừng sững một công trình Khuê Văn Các được tạo hình bằng cây cảnh
 
Bằng tình yêu nghệ thuật tạo hình từ tuổi ấu thơ, năm 1997, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân làng Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã có ý tưởng tái hiện công trình Khuê Văn Các tại đất Tổ nghề trồng hoa cây cảnh bằng cây sanh, một loại cây nằm trong nhóm tứ quý "Sanh, Si Đa, Đề" gắn với các làng Việt cổ. Sau 10 năm từ ý tưởng đến hoàn thiện công trình đặc biệt này, Tác phẩm Khuê Văn Các xanh hoành tráng đẹp lung linh như mơ không chỉ làm nức lòng những người con làng nghề mà còn là niềm tự hào của đông đảo những người yêu thiên nhiên và nghệ thuật Sinh Vật Cảnh cả nước. Tác phẩm có chiều cao của tác phẩm là 7,5m, chiều rộng của tác phẩm là 4m x 4m, chiều cao của tầng dưới là 2,6m (xe 12 chỗ qua được), sàn làm bằng gỗ thông cho phép 10 người ngồi trên uống trà được.
 
 
Gác Khuê Văn bằng cây sanh với diện tích trên 15m2 đủ chỗ cho hơn chục người ngồi đàm đạo 
 
Năm 2009, tác phẩm đã vinh dự đạt danh hiệu “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề”. Năm 2010, tác phẩm trở thành một điểm nhấn quan trọng nhất tại Triển lãm Sinh Vật Cảnh Việt Nam chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cũng tại triển lãm quan trọng này, công trình Khuê Văn Các xanh đã được hàng triệu người trong và ngoài nước biết tới như một công trình tôn vinh văn hóa Việt.
 
 
Bên dưới Gác Khuê Văn là bốn trụ cột vuông bằng cây tạo ra bốn cửa ra vào
 
Nói về công trình trên, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: "Làng Vị Khê cái nôi của nghề trồng hoa cây cảnh có lịch sử 800 năm. Từ khi ông tổ làng nghề là Thái uý Tô Trung Tự làm quan dưới hai triều đại Lý- Trần mang nghề trồng hoa cây cảnh cho muôn dân nơi đây đến nay những sản phẩm hoa cây cảnh của làng Vị Khê đã điểm tô vẻ đẹp thiên nhiên từ Cột cờ Lũng Cú tới Đất Mũi Cà Mau và các vùng cương vực của Tổ Quốc thêm mãi mãi xanh tươi. Tiếp nối tinh hoa của làng nghề truyền thống, chúng tôi đã ấp ủ từ lâu với mong muốn đưa thiên nhiên hoà cùng dòng thời gian, cùng lịch sử làm một Khuê Văn Các có sức sống trường tồn”.
 
 
Những mảng xanh phẳng lừ thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân làng nghề truyền thống
 
Theo quan niệm của các vị cao niên trong làng thì “Chân cầm dị thú - Quái vật kì thư.” Nghĩa là: Cái gì hay, lạ đều làm cảnh được”. Ngoài tác phẩm Khuê Văn Các bằng cây cảnh, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân còn tạo ra không biết bao nhiêu cây cảnh vô cùng độc đáo như: Bộ Ngũ Sự (gồm 1 Đỉnh, 1 đôi Hạc, 1 đôi đèn). Bộ này được anh làm kỳ công trong 16 năm mới hoàn chỉnh. Bộ Ngũ Sự này hiện đang được đặt ở bãi tắm Vân Đồn (Quảng Ninh); Đôi hoa Sen đang được trưng bày ở Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh); Hay mới năm trước là bộ ba cây thế (Tháp Epfen, chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm) được bán cho Trường Cao đẳng Kiến trúc xây dựng Công trình đô thị ở Hà Nội...
 
 
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân bên những mảng xanh kiến trúc được tạo hình bằng cây cảnh



Song mã kéo xe đang được tạo hình bằng cây sanh



Những chú Hươu ngơ ngác đang được tạo hình



Những chú công và đại bàng khổng lồ bằng cây sanh



Những chú rồng khổng lồ bằng cây cảnh



Công trình kiến trúc chùa Phổ Minh bằng cây sanh



Tháp Epfen  được tạo hình bằng cây cảnh
 
Để có được những tác phẩm độc đáo như thế này đòi hỏi người làm phải có bàn tay tài hoa khéo léo, tính kiên trì, óc tưởng tượng phong phú và một tình yêu mãnh liệt với bộ môn nghệ thuật tạo hình này. Việc tái hiện những công trình kiến trúc văn hóa bằng cây cảnh của nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân là thông điệp mạnh mẽ sẽ góp phần giáo dục lối sống hòa đồng với thiên nhiên và yêu nghệ thuật Sinh Vật Cảnh cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
 
Quyết Tuấn

Bạn đang đọc bài viết "Chiêm ngưỡng tác phẩm Khuê Văn Các bằng cây cảnh" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.