
Bà Hồ Thị Hợi sinh năm 1938 và ông Bùi Xuân Hán sinh năm 1934, thời trẻ là những thanh niên ưu tú điển hình trên quê hương Bác. Năm 1961, bà Hợi khi đó 23 tuổi ở lại thành phố Vinh cùng cô con gái 2 tuổi tên Bùi Thị Thủy. Còn ông Hán đi xây dựng kinh tế mới tại Nông Trường Đông Hiếu. Cả gia đình không hề biết trong năm 1961 sẽ diễn ra một sự kiện sẽ làm thay đổi cả cuộc đời và là kỷ niệm quý giá trong suốt cuộc đời của họ.
Đến tận bây giờ mỗi lần kể lại cho con cháu về lần gặp Bác Hồ, bà Hợi vẫn còn rất xúc động, dưng dưng nước mắt. Dù câu chuyên đã qua rất lâu, thế nhưng đến hôm nay, trong lòng người dân xứ Nghệ và bà Hợi vẫn còn vẹn nguyên những kỉ niệm về những câu chuyện nhỏ mà sáng ngời đạo đức của Bác, một nhân cách vĩ đại song lại vô cùng giản dị, gần gũi đến thân thương trìu mến.
Khi đó, bà Hợi và những người nông dân Xứ Nghệ được gặp Bác Hồ mà cứ tưởng đang mơ. Từng chi tiết bề ngoài của Bác, bà Hợi vẫn nhớ như in: “Dáng Bác gầy, thanh cao. Râu, tóc Bác bạc phơ như ông tiên vậy. Bác mặc bộ quần áo nâu, khoác áo ka ki màu vàng bên ngoài”. Nhưng có lẽ, bà ấn tượng nhất là những lời nói của Bác trong buổi mit tinh. Trong lúc Bác đang nói chuyện về nông nghiệp tại Vinh đột nhiên Bác hỏi: “Các o các chú có thích ăn ớt không?”. Đồng bào đều cười và trả lời rất to: “Thưa Bác có ạ”. Bác lại hỏi: “Vậy răng chúng ta lại không trồng? Cây ớt là một loại cây rất dễ trồng. Sau nay chúng ta có thể phát triển thành cây kinh tế”.
Sau lần gặp Bác Hồ, bà Hợi như được truyền thêm năng lượng mới, nghị lực để quyết tâm đưa con gái lên Nông trường Đông Hiếu cùng chồng xây dựng kinh tế mới làm giàu cho quê hương đất nước.
Ngày 10/12/1961 ông Hán cùng toàn bộ cán bộ Nông trường Đông Hiếu ngập tràn niềm vui hân hoan tự hào là “Nông trường quốc doanh lá cờ đầu toàn miền Bắc” được Bác đến thăm. Cuộc tiếp xúc này ông Hán rất vinh dự được Bác nắm tay và nghe Bác phát biểu. Buổi gặp gỡ đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh tinh thần khiến ông Hán không nhụt chí thêm sự mạnh cố gắng bám trụ vượt qua khó khăn, đồng ý cho vợ con lên cùng xây dựng vùng kinh tế mới.

Chỉ có ba ngày Bác về quê mà những ấn tượng và tình cảm của Bác với đồng bào sao mà sâu nặng đến thế? Mỗi người dân bình thường nhất cũng tự phải suy nghĩ để thay đổi chính mình sao cho sống tích cực hơn, sống có trách nhiệm với cộng đồng và yêu thương nhau hơn. Người ta kể cho nhau nghe những câu chuyển về đức tính giản dị luôn đề cao nhân dân ở Bác qua những việc tưởng chừng như rất nhỏ.
Hay khi, Bác đến thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành, lá cờ đầu về phong trào trồng cây toàn miền Bắc. Lúc Bác đang nói chuyện với cán bộ, nhân dân thì nắng lên cao. Một cán bộ xã xuống nhà một người dân mượn cái ô lên che cho Bác. Vừa dương ô lên, Bác gạt ra và bảo: "Bác không phong kiến". Người chỉ xuống cả biển người phía dưới, cũng đang đứng dưới nắng. Ai nấy đều cảm động trước cách xử sự của Người. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác còn dặn: "Bà con, các cô, chú nên về làm bù, hôm nay Trung ương và Bác về làm mất của bà con một buổi cày...".
Những ngày đầu tháng 9 năm 1969 được tin Bác mất cả gia đình bà Hợi "chết lịm" đi và thương xót Người vô hạn. Ông Hán do thành tính công tác tốt nên được cử làm thanh viên trong ban tang lễ Bác tại Nông trường Đông Hiếu. Ông được phát một cuốn báo Quân Đội Nhân Dân số 2983 thứ 4 ngày 10/09/1969 với những nội dung nói về thân thế, sự nghiệp, toàn văn Di chúc thiêng liêng của Người để lại cho dân tộc ta, non sông đất nước ta và các hoạt động, thông tin có liên quan về tang lễ của Bác. Vì vậy, ông Hán và bà Hợi đã cùng nhau đặt cuốn báo này trong một ống tre để bảo quản và được coi như một kỷ vật linh thiêng luôn được đặt trên bàn thờ Bác được lập trong gia đình.
Những ấn tượng về lần đầu được gặp Bác tại quê hương cho đến từng chữ, từng câu trong bản Di chúc thiêng liêng, những bài báo vô cùng xúc động trong cuốn báo kỷ vật của gia đình đã là một động lực lớn lao giúp ông bà có thêm nghị lực, vững tin trong cuộc sống. Ông bà nuôi dạy được tám người con học hành thành đạt, trưởng thành trong cuộc sống và góp công sức, trí tuệ của mình góp phần dựng xây quê hương đất nước giàu mạnh theo lời dặn thiêng liêng của Bác. Ông bà luôn nêu gương, sống mẫu trong gia đình, sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Bà tâm sự: “Cho dù ai được gặp Bác Hồ dù chỉ một lần trong cuộc đời thì cuộc sống của họ sẽ được soi sáng mãi mãi…”.
Bà Hợi năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe giảm sút. Kỷ vật thiêng liêng là cuốn báo năm xưa ở cùng bà và gia đình cũng đã trải qua 49 năm. Năm nay, ngày sinh nhật Bác đang đến gần, bà Hợi và gia đình tha thiết mong muốn lúc cuối đời, được trao lại kỷ vật thiêng liêng đó cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Một cuốn báo cũ mang những giá trị thiêng liêng minh chứng cho lòng kính yêu vô bờ bến của bà và gia đình với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.