
Đến dự buổi kỷ niệm, có ông Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cùng các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ và cán bộ Trung tâm.
Giáo sư Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nêu rõ: Cách đây 18 năm, được một số cơ quan của Đảng, nhà nước đồng ý, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã ra đời.
Sau đó không lâu, Trung tâm được chuyển vào Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Hôm ra mắt ở Bộ Văn hóa - Thông tin có cả những người rất nổi tiếng như nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Học Phi... Ban đầu, Trung tâm rất khó khăn, phải đi xin từng cái bàn, cái ghế. Phải nói là Trung tâm đã “tay không bắt giặc”.
Trung tâm ngoài tổ chức nhiều cuộc hội thảo quy mô lớn trong nước về các nhà văn hóa, danh nhân, về văn hóa... còn có sự liên kết về văn hóa, nghệ thuật với các nước trên thế giới, như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật... Người của Trung tâm cũng đã đi nói chuyện và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. 18 năm qua, Trung tâm đã xuất bản hàng vạn cuốn sách, trong đó có nhiều sách về văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

Ông Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ

Nhìn nhận về Trung tâm trong 18 năm qua, ông Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá cao vai trò về phát triển văn hóa nghệ thuật của Trung tâm nói chung và Giáo sư Hoàng Chương nói riêng. Ông nói, cùng với kinh tế, văn hóa là cốt lõi của một dân tộc. Ông đánh giá cao văn hóa, nghệ thuật. Ông cho rằng, văn hóa dân tộc đang phát triển chậm. Ông nhắc lại mấy sai lầm mà cổ nhân đã dạy, như sai lầm của thầy giáo, thầy thuốc, thầy địa lý mặc dù rất nghiêm trọng, nhưng đó chỉ là những sai lầm nhất thời, còn sai lầm về văn hóa là sai lầm cả muôn đời.
Trong vai trò là người phát triển về văn hóa giao thông, và có sự đồng hành với Trung tâm về mảng này, nhưng ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, lại quan tâm rất sát quá trình của Trung tâm cũng như về văn hóa nghệ thuật dân tộc. Ông nói văn hóa nghệ thuật là phương tiện “mềm” giúp con người phát triển hơn, cũng như là giúp chúng ta biết tự hào hơn về dân tộc.

Ông Hùng cho rằng, văn hóa là điều cốt yếu, đi ra nước ngoài, văn hóa mới là điều đáng nói. Thế hệ ông đã chịu nhiều thiệt thòi về văn hóa, nên ông mong rằng, các thế hệ sau sẽ không phải như vậy. Vì vậy, Trung tâm cần làm nhiều việc hơn nữa để phát triển bảo tồn văn hóa dân tộc. Cá nhân ông và Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ luôn đồng hành cùng Trung tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp và tặng quà lưu niệm Đoàn Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam năm 2016

GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn Phát huy văn hóa dân tộc Việt nam phát biểu tại Hội thảo “100 năm Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang”

Hội thảo “Báo chí với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc” năm 2014

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Vương Duy Biên trao Bằng khen của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam. (Ảnh: MU)