Người "chăn mèo" ở Australia viết tự truyện

25/07/2022 13:29

Theo dõi trên

"Chăn mèo", tiếng lóng chỉ những người trồng cần sa trai phép ở Australia. Từng là một người trong cuộc, nên những câu chuyện của tác giả Tô Giang trong cuốn sách Đường xanh viễn xứ giúp người đọc hiểu hơn về thế giới ngầm những người trồng cần sa trên đất Úc.

279077475-543232277243018-8660756986912993877-n-1658655457.jpg
Tác giả Tô Giang

Hành trình “chăn mèo”

Tô Giang đang là một huấn luyện viên thể hình ở TP Vinh (Nghệ An). Anh từng là một phóng viên truyền hình. Nhưng có một công việc mà người đàn ông 44 tuổi từng trải qua đó là “chăn mèo”, tiếng lóng ám chỉ giới trồng cần sa bất hợp pháp ở Australia. Họ đến từ Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc và Việt Nam mà Tô Giang là thành viên chuyên nghiệp. Mèo, theo giải thích của tác giả tự truyện chỉ cảnh sát Úc còn chăn mèo là chiêu trò, mánh lới để qua mặt cơ quan chức năng để duy trì những trang trại cần sa.

Năm 2013, trong khi đang là một biên tập viên nhà đài cấp tỉnh, Giang quyết định bỏ nghề với một mục tiêu “làm giàu”. Mùa Đông năm đó, anh đáp máy bay đến Melburne với thị thực du học. Kỳ thực anh đang mưu tính tiếp cận giới trồng cần sa với ước muốn đổi dời.

Nhờ những kế hoạch đã vạch trước, Tô Giang dần thâm nhập vào thế giới đầy ma mị và cám dỗ của dân “chăn mèo” thứ thiệt. Để ngụy trang cho nhà trồng cần sa không bị phát hiện bời các “anh haai”, tức cảnh sát và chống lại “anh ba” là các toán cướp có thể đột nhập và gí sung vào đầu lấy đi những bông cần sa sắp đến lúc “gặt” anh phải trong vai nhiều hạng người khác nhau. Lúc thì một công nhân mẫn cán.  Biết rất ít tiếng Anh nhằm tránh hàng xóm tiếp cận ngôi nhà của mình. Anh biến trang trai cần sa thành “ngôi nhà hoa hồng”. Với khung cảnh lãng mạn của một gia đình Á Đông đã giúp trang trại với hàng trăm cây cần sa, cứ sau 6 tuần là đến vụ thu hoạch không bị để ý. Lần khác, anh lại trong vai một trí thức thuê một căn biệt thự hạng sang sáng đi tối về, nhưng đêm đến anh ta là một nông dân trồng cần sa trong trang trại với 100 bóng đèn công suất 600W.

Thu nhập từ các vụ thu hoạch cần sa cũng mang lại cho Giang tiền bạc, gái đẹp, những cuộc chơi thâu đếm suốt sáng ở casino và rồi phiêu bồng trong cảm giác ma mị mà cocain và cần sa mang lại. Nhưng rồi, cũng như nhiều người trong giới “chăn mèo”, anh cũng gặp những điều “sẽ phải đến”. Cần sa bị mất trộm ngay trước ngày thu hoạch. Một lần bị toán cướp đột nhập lấy đi toàn bộ số hàng đang chuẩn bị “bắn công”. Cuối cùng, anh bị cánh sát bắt và phải ngồi tù 30 tháng và bị trục xuất về nước.

duong-xanh-vien-xu-1658655528.jpg
Tự truyện Đường xanh viễn xứ

Trải nghiệm tội lỗi

Tự truyện gồm 250 trang in gây chú ý không chỉ bởi câu chuyện được kể hấp dẫn. Hầu hết các chương là những trang văn đầy xúc cảm. Bắt đầu bằng những “ngáo ngơ” nơi đất Úc. Đó là cái lạnh của mùa Đông Melbourne trong khi trước đó không lâu, Tô Giang vẫn đang ở giữa mùa hè Việt Nam. Đó là trải nghiệm về điếu thuốc lá và cốc bia đầu tiên nơi xứ người. Lúc đó anh thanh niên 35 tuổi nghĩ nếu Việt Nam cũng nhập công nghệ sản xuất bia ở đây về chắc sẽ bán rất chạy vì hương vị  ngon. Nhưng rồi những háo hức ban đầu dần qua khi anh phải tự lo liệu cuộc sống ở xứ người.

Sau gần nửa năm làm việc tại một số nhà hàng với mức thu nhập thấp nhưng phải lạo động cật lực suốt 12 tiếng mỗi ngày. Nhờ những mối quan hệ với những “ông trùm” trong thế giới ngầm anh dần tiếp xúc với giới “chăn mèo” nơi đất Úc. Họ là những người Việt Nam nhập cư theo nhiều cách khác nhau rồi vô tình hay hữu ý, không ít người đã gia nhập đội quân trồng cần sa bất hợp pháp trên nhiều bang của đất nước Australia rộng lớn. 

Kết hôn giả theo hợp đồng với một phụ nữ nào đó đã sinh sống ổn định trên đất Úc là cách đàn ông Việt Nam thường lựa chọn để được định cư. Tác giả tự truyện cũng chọn hình thức này với mơ ước là con cái anh sẽ có một tương lai tốt hơn ở xứ sở chuột túi. Anh giả ly hôn vợ rồi làm đám cưới với một phụ nữ ngay tại Sài Gòn. Đám cưới và cả những chuyến du lịch với cô vợ hờ được chụp ảnh nhằm làm đẹp hồ sơ và qua mặt cơn quan di trú Úc. Nhập cư theo visa du học cũng khá phổ biến nhưng không bền vững. Nhiều người trẻ đăng ký học ở một trường nào đó. Sau những kết quả học tập bết bát do bỏ học đi trồng cần sa hoặc làm thuê, họ xin chuyển trường để giữ visa. Có người còn làm hồ sơ tị nạ chính trị giả và nhờ những chiêu trò lắt léo khác nhau để được ở lại với mục đích trồng cần sa trái phép. Có thể trong chúng ta đều đã được nghe ít nhiều về các chiêu trò để định cư tại các nước phương Tây của người Việt Nam hay công dân nhiều quốc gia đang phát triển nhưng có lẽ ít có một cuốn sách được kể lại một cách cặn kẽ như Đường xanh viễn xứ. Những chiêu trò để xin nhập cư đều có dịch vụ, kể cả lệnh truy nã, biên bản của cơ quan điều tra… đều có dịch vụ do những người Việt ở Úc điều hành.

Chúng ta cũng có thể nghe đâu đó chuyện về người Việt trồng cần sa ở Anh hay một số nước châu Mỹ, ở Australia. Có lẽ thật hiếm hoi có một cuốn sách kể một cách cặn kẽ về phương thức trồng cần sa trong nhà kín với ánh sáng nhân tạo, cách chăm sóc cần sa từ việc gieo trồng bón phân, phun thuốc kích thích làm sao cho bông cần sa có nhiều tinh dầu nhất đến khâu thu hoạch, đem bán. Cách nguy trang nhà trồng cần sa trước cảnh sát, những toán trộm cướp và cả những lần thót tim khi vận chuyển hàng đi giao. Tác giả cũng kể một cách chân thật cách làm sao để tồn tại trước những trò lừa lọc, phản trắc trong thế giới ngầm những người trồng cần sa, hé lộ những đường dây buôn ma túy liên lục địa và cuộc sống ngập ngụa trong cờ bạc, ma túy của nhiều người cả đàn ông lẫn phụ nữ khi sống nơi xứ người. Tác giả còn chỉ ra vì chưa hoàn thiện của luật pháp Úc, thậm chí là chính sách nhân đạo của quốc gia rộng lớn này đã tạo kẽ hở cho nạn trồng cần sa hành hoành.

to-giang-1658655528.jpg
Tô Giang ở Melbourne, bang Victoria (Australia) năm 2015

Viết để sống tốt hơn

Dẫu vậy thì nỗi day dứt về tội lỗi là nguyên nhân khiến tác giả viết nên quyển sách. Là người từng hút và thậm chí là nghiện cần sa, anh nhận thức rõ tác hại của loại ma túy này. Dù đang trên đỉnh vinh quang, kiếm được hàng vạn đô la Úc rồi trở về quê như một doanh nhân thành đạt hay khi trắng tay khi hàng bị cướp hay trộm sạch, tác giả vẫn luôn cật vấn lương tâm và mặc cảm tội lỗi. Anh nhận thức rõ cái xấu xa của thế giới ngầm vô nhân tính của giới trồng cần sa. Anh chỉ mong sớm thoát khỏi nó, ôm tiền trở vê quê hương lập nghiệp. Đáp lại những ảo vọng đó kết cục thảm bại. Người kể chuyện cuãng là nhân vật chính đã nếm trải đủ mùi vị đắng cay của giới trồng cần sa bất hợp pháp. Bị lợi dụng, lừa lọc, bị trộm cướp viếng thăm và cuối cùng là vướng vòng lao lý.

Nói về Đường xanh viễn xứ, Tô Giang từng tâm sự rằng: Cuốn sách giúp tôi nói được nhiều điều. "Dân chăn mèo" đọc sẽ có thêm bài học về cái nghề sống trong bóng tối. Ai đang ảo mộng sẽ hiểu được thế giới ma quỷ của đồng tiền tội lỗi để mà tránh. Nhưng trước hết, cuốn sách chính là "người" kéo tôi đứng dậy để sống tiếp”. Anh cũng cho rằng phải lôi những sự thật về những thật bại của bản thân ra ánh sáng và sửa sai thì mới có thể sống tốt được.

Nhà văn Hồ Anh Thái có một chia sẻ ngắn gọn là ông cảm thấy rất thích những nội dung của cuốn sách. Ông đã dành những nhận xét cụ thể hơn trong một bài viết riêng về Đường xanh viễn xứ trên Báo Đại biểu Nhân dân như sau: Thông qua chỉ một số phận trên Đường xanh viễn xứ này thôi, người đọc cũng có thể hình dung được đại cảnh số phận người lao động Việt, không chỉ ở Úc mà còn ở Âu - Mỹ, tuy diễn biến mỗi nơi mỗi khác. Tác giả chỉ kể chuyện mình, cũng không tham vọng nói hộ ai. Nếu toàn những con người như các nhân vật trong tự truyện này, thì không ai rút ra được bài học từ kinh nghiệm của người khác. Tự nhận thức tự cảnh tỉnh là cần thiết. Nhưng trách nhiệm cải thiện tình hình lại ở trong tay thể chế và những người làm luật cùng những tổ chức xã hội”. 

Gần đây Tô Giang đã hoàn thành tập tiếp theo về những ngày tháng “tội lỗi” của mình trên đất Úc. Tự truyện Nếu không có ngày mai sẽ phát hành vào cuối năm 2022. Đường xanh viễn xứ cũng đã được Bonfire Books, một nhà xuất bản ở Melbourne, Australia mua bản quyền. Bản tiếng Anh có nhan đề The Herding Cats (Dân chăn mèo) dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc Australia vào tháng 10.2022. Tô Giang tiết lộ anh đang tiếp tục hoàn thành bản thảo một cuốn sách nữa về những trải nghiệm trên đất Úc.

Hữu Vi
Bạn đang đọc bài viết "Người "chăn mèo" ở Australia viết tự truyện" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.