Chị niềm nỡ bước lại bắt tay từng người trong đoàn: Kháng chiến về có nhà thơ Liên Nam (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên), nhà thơ Văn Công, nhà văn Y Điêng (quê huyện Sông Hinh), nhà thơ Xuân Tính tức Bùi Tân (quê huyện Đồng Xuân), nhà thơ Lương Nguyên tức Lương Thúc Quý (người Hòa Hiệp) và nghệ sĩ Lê Hữu Phước (người Hòa Trị). Hoạt động nội thành có Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân(quê Sông Cầu), tác giả bài thơ nổi tiếng Người mẹ Bàn Cờ, sau được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, và tôi. Còn có anh cán bộ Tỉnh hội Văn học nghệ thuật Phú Yên là nhà văn Huỳnh Thạch Thảo lúc ấy được cử theo giúp đoàn. Nhìn từng anh em văn nghệ sĩ Phú Yên chị như gặp lại quê nhà sau nhiều năm xa cách, bao kỷ niệm trong Nghệ sĩ Nhân dân Đàm Liên rôm rả ùa về theo từng mẩu chuyện không dứt. Năm ấy chị đã trên 50 nhưng quá trẻ so với tuổi tác. Tôi thầm khen: Đúng là con gái La Hai, danh bất hư truyền!
Đàm Liên sinh năm 1944, tuổi Giáp Thân, quê La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nơi có dòng sông Kỳ Lộ mang nước về xuôi hòa vào vịnh Xuân Đài. Nơi mà hồn thơ Bùi Tân bay bổng trên nền trời, góp phần tạo nên lời ca ngọt ngào: “Sáng tháng Tư La Hai mù sương. Chiều tháng Tư La Hai nồm mát…” Vâng, chị sinh ra trong gia đình có truyền thông về nghệ thuật tuồng cổ. Ông Ngoại làm chủ một gánh hát bội nổi tiếng, ông có biệt danh là “Bầu Leo”. Mẹ chị là nghệ nhân Trần Thị Bảy, đào chính gánh hát của Ngoại. Bà hát hay lại đẹp gái. Trong gia đình Đàm Liên (Đàm Thị Liên) còn có chị Đàm Thị Mai và em gái Đàm Thị Thanh (sau này trở thành Nghệ sĩ ưu tú Đàm Thanh) đều hát rất hay.và đẹp người. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Phú Yên là vùng tự do. Cuối năm 1953 đầu năm 1954 giặc càn lên Phú Yên; vì là thành phần theo kháng chiến nên nhà phải tản cư, lánh nạn. Đó là thời gian gia đình Đàm Liên cơ cực nhất, nhưng không bao giờ rời xa, xao lảng các tuồng tích trong đời sống tinh thần. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 chị theo gia đình tập kết ra Bắc như về với miền đất hứa, tiếp tục được các bậc thầy uy tín rèn luyện và nâng cao nghệ thuật tuồng.
Năm 16 tuổi Đàm Liên đã vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ xem qua vai Trưng Trắc trong vở tuồng Trưng Nữ Vương và được Bác khen. Sau đó chị thủ hàng loạt vai diễn, như: Đào Tam Xuân (vở Nữ tướng Đào Tam Xuân), An Tư công chúa ở vở diễn cùng tên, Ái Nương (vở Trần Bình Trọng), Bà huyện (vở Nghêu-Sò-Ốc-Hến)… cùng nhiều vai diễn đình đám khác, đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi mình. Chị đã gặt hái trên cánh đồng nghệ thuật Tuồng khó tính nhiều huy chương vàng, bạc trong nước và quốc tế cho cả 2 lĩnh vực diễn viên và đạo diễn. Năm 1993 Đàm Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đây là nghệ sĩ Phú Yên đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này. Trong một bài báo ở trung ương cách đây hàng chục năm, tác giả Ngô Thanh Hằng nhận xét: Sau vai diễn Hồ Nguyệt Cô rất thành công, Đàm Liên được khán giả yêu mến gọi là “Ái nữ tình sầu”, biệt danh này vốn chỉ dành cho nghệ sĩ Út Bạch Lan ở miền Nam trước đây. Nhưng những vai diễn nổi trội ấy vẫn không át được vai diễn trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Vở diễn này sau hàng mấy chục năm ra mắt, Nghệ sĩ Nhân dân Đàm Liên đã có một kỷ lục với hơn 2000 suất diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội” phục vụ công chúng nước nhà và các nước trên thế giới; đã được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu trong chương trình “Chuyện lạ có thật”. Ở nước ta chưa từng một loại hình nghệ thuật nào mà diễn viên lại “độc quyền” vai diễn trong hơn 2 thập kỷ như chị.
Ngoài việc tham gia Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhiều nhiệm kỳ trước đây, Nghệ sĩ Nhân dân Đàm Liên được tín nhiệm của các nhà văn hóa và nghệ sĩ quốc tế nên đã bầu chị vào Ban chấp hành Unesco hồi năm 1996. Với những công lao đóng góp to lớn của mình, năm 1997 chị được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao Động hạng Nhì.
Xuân Bính Thân 2016 Đàm Liên đã quá tuổi “thất thập cổ lai”, vậy mà người con Phú Yên tuổi Giáp Thân này vẫn say mê cống hiến cho sự nghiệp tuồng truyền thống nước nhà không hề mệt mỏi. Đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã từng nhận xét: Tuồng là loại hình nghệ thuật có niêm luật ngặt nghèo nhất trong các loại hình nghệ thuật sân kháu, vì thế rất kén người xem… Trong đời sống hối hả, thực dụng hôm nay, không phải ai cũng thích Tuồng. Nhưng dù những người không thích Tuồng, họ vẫn mê Đàm Liên, và vì Đàm Liên mà họ đến với nghệ thuật Tuồng. Đây là điều đáng nói về chị.