Cao Huy Thuần: “Thắp những cây diêm bé chứ không nguyền rủa bóng tối”

30/03/2016 22:15

Theo dõi trên

Bằng "Nhật kí Sen Trắng", Cao Huy Thuần đã tự nguyện khai mở trí tuệ, tâm hồn cho tuổi 15 lẫn các bậc phụ huynh. Cuộc vận động bạn bè bất thành, tác giả một mình một bóng trả nợ niềm mong ước riêng tư. Tự nhận là “sức riêng không trả hết nợ được, chỉ xin trả một phần nhỏ, rất nhỏ”, nhưng khi tiếp nhận những trang viết đó, nhiều ánh sáng đã bừng lên trong người đọc.


Bằng "Nhật kí Sen Trắng", Cao Huy Thuần đã tự nguyện khai mở trí tuệ, tâm hồn cho tuổi 15 lẫn các bậc phụ huynh. Cuộc vận động bạn bè bất thành, tác giả một mình một bóng trả nợ niềm mong ước riêng tư. Tự nhận là “sức riêng không trả hết nợ được, chỉ xin trả một phần nhỏ, rất nhỏ”, nhưng khi tiếp nhận những trang viết đó, nhiều ánh sáng đã bừng lên trong người đọc.

Cao Huy Thuần “thắp diêm” bằng cách nào? Rất nhất quán, đó là tâm thế đối thoại thẳng thắn với những mặt trái của con người, của xã hội. Trên những đường phố, trường học, đâu đâu cũng nghe lời tục tằn, thô bỉ. Con người hiện đại dễ dàng bôi nhọ người khác trên internet, “người ta chửi đổng, tố cáo nặc danh, chỉ cần viết vài chữ, bấm cái nút, thế là tiếng tăm của một người bị ném vào bùn”. Trẻ con phải mưu sinh bằng nghề cướp giật. Những con chó một lòng trung thành với chủ bị chất trên xe chở sang Tàu bán cho người ta giết thịt… Tác giả không vui khi đề cập tới những vấn đề đó nhưng tuyệt đối không nguyền rủa, miệt thị. Với niềm tin “đã là con người thì ai cũng có lương tâm”, Cao Huy Thuần bền bỉ tìm cách cứu rỗi, nâng đỡ những tâm hồn tội lỗi, đúng như chủ trương của Phật pháp, tập trung sửa cái nhân chứ không tô điểm cái quả.

Một điều dễ nhận ra, những trang nhật kí được viết trong những ngày đầu tháng tư đến đầu tháng bảy năm 2013 chan hòa Phật tính. Đề tài của nhật kí xoay quanh những “luân thường đạo lý” cơ bản của Phật giáo, và mở đầu là luân lý đại đồng: Thương yêu sự sống. Nhà văn trân trọng lấy Sen đặt tên cho những người bạn của Sen Trắng và cũng ký thác ở họ cái nhìn minh triết. Rất thú vị khi nghe các bạn Sen “luận” về sự khác biệt giữa TRANH LUẬN và TRANH CÃI. Sen Hồng cho rằng, khi thảo luận, mình nghe ý kiến người khác bằng thiện chí học hỏi, nếu bạn nói đúng thì mình vui vì học thêm điều mới, nếu bạn sai thì mình trình bày lý lẽ của mình. Sen Vàng thì quy chiếu vấn đề từ chuyện cãi bừa của các con vật và kết luận, tranh cãi là đấu miệng, chỉ cốt hơn thua, đè bẹp người khác. Bằng câu chuyện ngắn về con rắn, Sen Búp cho thấy cái giá phải trả của việc tranh cãi… Những luận giải đó hoàn toàn phù hợp với quan niệm, đạo lý của người Việt chứ không bị giới hạn bởi tín ngưỡng của “Sen” tuổi 15.

Cầm trịch các cuộc trò chuyện là Chị Cả. Mỗi lời Chị Cả nói đều thể hiện sự hiền minh, vì thế mọi thông điệp được dẫn truyền đi xa và rộng. Không chỉ dùng lí lẽ, chị Cả hiểu trúng tâm lí các em nên thường xuyên mang đến cho nhóm bạn những câu chuyện kể như những “món tráng miệng” ngọt ngào. “15 câu chuyện tiền thân của đức Phật”, qua tài năng của nhà văn, qua lời kể của chị Cả, đã hiện diện với một hình hài mới, nhưng những đúc kết nhân sinh thì vẹn nguyên ý nghĩa. Truyện Con thỏ và ngọn lửa gợi lại cái “Cho” trong sáng, vô tư của Bồ Tát và khẳng định chân lí, sống là cho và nhận, “không có sự cho, không có sự nhận, thì không còn con người nữa”. Truyện Con bò và phú ông truyền lại lời dặn của Đức Phật: “Nói những lời hòa ái/Ấy là chân hạnh phúc”. Còn Voi trắng sáu ngà nhắm vào tương quan xấu giữa người với người mà nhắn nhủ, cuộc chiến nào cũng có thương tích, “dù cao hay thấp, tha thứ vẫn là giải pháp đem lại an lành, nhất là khi người xấu biết hối hận”, nếu không biết tha thứ thì tình yêu sẽ chết. Có gốc tích từ kinh sách nhà Phật, những câu chuyện này là phần vĩ thanh hàm súc cho mỗi trang nhật kí.

Là một “đệ tử” của Đức Phật, việc Cao Huy Thuần tìm tới tinh thần giáo hóa của Phật pháp là điều dễ hiểu. Nhưng bạn đọc chớ nhầm tưởng Cao Huy Thuần đang thực hiện chức năng thuyết pháp. Lời nói đầy ý nghĩa nhưng khô khan thì sẽ có giới hạn của nó. Lọt vào tai, vào mắt và nằm êm ái, dịu ngọt trong lòng người dài lâu phải là tiếng nói của nghệ thuật. Một sự chọn lọc đã diễn ra trong trí nhớ và xúc cảm người viết, vì thế cấu trúc các trang nhật kí được “lạ hóa”. Những lát cắt thẩm mỹ của Đông Tây từ cổ chí kim đã được Cao Huy Thuần trao cho Sen Trắng, Sen Hồng, Sen Vàng, Sen Xanh, Sen Tơ, Sen Nụ, Sen Búp, Chị Cả... Đó là những câu tục ngữ, đồng dao xưa của người Việt; những câu chuyện của Shel Silverstein, Rudyard Kipling, Victo Hugo, Charlotte Bronte..; những trích đoạn kịch của Corneille, Homere; lời tự phê của người chết ở Ai Cập thời cổ đại… Những “dữ liệu” nghệ thuật đó được đặt trong quan hệ đối thoại với nhóm bạn để đi đến tận cùng, rốt ráo những luận giải về Tâm hồn cao thượng, Thương yêu cuộc sống, Biết ơn và bội bạc, Công lý… Và hẳn là những tác giả vừa điểm tên ở trên sẽ ngạc nhiên và hạnh phúc khôn cùng vì những đứa con tinh thần của mình được thấu thị bởi những nhãn quan uyên bác, thông tuệ mang tên Cao Huy Thuần.

Viết Nhật ký Sen Trắng như một cách gửi thương nhớ về cho “cậu học sinh Đệ Tứ ngày xưa”, Cao Huy Thuần không bao giờ quên mình đã từng là đứa trẻ 15. Với cái tuổi đã quen với tư duy suy luận nhưng vẫn còn ham chơi, dạy dỗ trường quy không phải là lựa chọn duy nhất. Tác giả đưa nhân vật ra khỏi những giờ học chính khóa, để nhóm bạn Sen sum vầy sinh hoạt cùng nhau vào dịp cuối tuần, ngày rằm, mùng một, sinh nhật. Với những thời điểm sinh hoạt đậm màu sắc Phật tử đó, các bạn Sen đã “chơi với cái đầu mở ra của mình”. Những cuộc vui hào hứng, say mê cùng với hát xướng, truyện kể, thảo luận…, đã giúp các bạn nhỏ rèn luyện tâm lý, kĩ năng sử dụng lời nói để diễn đạt suy nghĩ của mình một cách lô gic, thuyết phục; và đặc biệt là “bạn thấy cuộc đời thật lạ lùng, thú vị, với muôn nẻo quanh co khiến ta biết kiệm lời và nhẹ gót” (Bùi Văn Nam Sơn). Nhật kí Sen Trắng, đđó là một quyển sách mà tác giả đã tìm đúng con đường để trẻ tiếp nhận lẽ phải sinh động, hấp dẫn chứ không mang tính công thức, áp đặt. Thử hỏi, còn gì tuyệt vời hơn khi ta được đến với “đạo lý” bằng những nụ cười hồn nhiên thắm tình bè bạn và bằng những áng thơ văn đẹp lấp lánh trí tuệ, tình yêu của bao người.

Nhân điều này để khẳng định thêm một ý nghĩa khác của Nhật kí Sen Trắng, ngoài ý nghĩa giáo hóa và nghệ thuật giáo hóa. Kỉ niệm về cậu học trò Đệ Tứ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tác giả. Cậu học trò luôn luôn đứng đầu lớp về môn Văn suốt từ năm Đệ Ngũ trở về trước, đã gặp nhiều khó khăn khi phải làm “nghị luận luân lý”. “Đầu trống rỗng trước trang giấy trắng. Kinh hoàng! Bởi vì “nghị luận” đòi hỏi phải có ý. Mà có ai dạy tôi đào bới ý ra như thế nào đâu?..”. Cậu bé ngày xưa giờ đã bước vào tuổi thất thập. Dù tác giả không có tham vọng dạy, nhưng khi đọc Nhật kí Sen Trắng, các bậc cha mẹ, các nhà giáo vẫn tìm được cho chính mình phương pháp dạy trẻ viết văn nghị luận về một vấn đề có tính triết lí đạo đức. Ngoài nguyên lý “học mà chơi” như trên đã nói, thông qua cuộc chơi của các bạn nhỏ, Cao Huy Thuần đã gợi mở nhiều thông tin thiết thực và hiệu quả. Đầu tiên là phải biết “khoanh vùng” để tìm ý nghị luân. Hoặc để hết tâm trí vào từng câu chữ của đề tài nghị luận. Hoặc vắt trí nhớ đến một tác phẩm nghệ thuật có nội dung tương tự. Hoặc liên hệ thực tế, lục soát trải nghiệm. Tiếp theo là phân tích, suy luận, phán đoán, trình bày vấn đề trên cơ sở của chính kiến và trí tuệ. Với những đề tài khác, các nhân vật tiếp tục thể hiện lập trường và năng lực lập luận, cống hiến cho người đọc những trang viết chỉnh chu về văn phong, chân thành về cảm xúc, sâu sắc về ý tứ, toàn diện về góc nhìn. Qua lời kể của Sen Trắng, còn có thể thấy các đề tài thảo luận đến với nhóm bạn rất linh hoạt. Những lời “vàng ngọc” của Chị Cả sau mỗi buổi sinh hoạt chính thức ghi nhận thành công của phương pháp lập luận quy nạp mà Sen Trắng đã sử dụng để viết nhật kí. Nhưng tiếp đó lại là một câu chuyện, vừa là một sự tổng kết tuyệt vời và giàu tính thẩm mĩ cho những lí luận ở trên, vừa là sự khởi động mới cho nhận thức, liên tưởng. Cách thức làm văn “nghị luận luân lý”, nên chăng là thế?

Ngày 7/7/2013, Nhật kí Sen Trắng đã khép lại vì Chị Cả nằm viện. Thư Chị Cả gửi các bạn Sen có đoạn viết: “Chị không biết bao giờ chị rời bệnh viện nên chúng ta tạm ngưng sinh hoạt cho đến khi chị bình phục”. Tôi xem đó là lời hứa gián tiếp của chính nhà văn. Một ngày không xa chúng ta hi vọng sẽ được đón nhận những cuốn sách “luân lý giáo khoa” giàu tính văn chương khác của Cao Huy Thuần để trẻ thơ có thêm cơ hội khai tâm, khai trí.
 
Tâm Thanh

Bạn đang đọc bài viết "Cao Huy Thuần: “Thắp những cây diêm bé chứ không nguyền rủa bóng tối”" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.