Cò ốc mùa sinh sản

Trong những năm gần đây, môi trường sinh thái ở vùng Đồng Tháp Mười được cải thiện rõ rệt, người dân ngày càng có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Chính vì vậy, số lượng các loài chim thiên nhiên phát triển mạnh, tập trung nhiều nhất là Khu du lịch sinh thái (DLST) Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh.

Chỉ với diện tích 1.473ha, nơi đây có những cánh rừng tràm nguyên sinh, với nhiều lung, đìa nuôi chứa các loài thủy sản đã thu hút hàng trăm loài động, thực vật bản địa, nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ của nước ta về đây sinh sống.


1. Là nơi có hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt, Khu DLST Gáo Giồng có 69 loài chim như: cò, còng cọc, nhan điển, trích, le le, vịt trời, diệc... về đây sinh sống và làm tổ, trong đó cò ốc là loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam.



2. Vào tháng 9 hàng năm, khi mùa nước nổi tràn về mang theo lượng lớn tôm cá, trong đó có các loài ốc (thức ăn chính của cò ốc) thì cò ốc cũng vào mùa sinh sản. Ảnh: Cò ốc tha các nhánh cây về làm tổ.



3. Mùa giao phối.



4. Chiếm diện tích khoảng 20ha rừng tràm, cò ốc có số lượng nhiều nhất với hàng chục ngàn con so với các loài chim khác. Ảnh: Một gia đình cò ốc



5. Để bảo vệ hệ sinh thái nói chung, các loài chim nói riêng trong đó có cò ốc, Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng thường xuyên phân công lực lượng tuần tra canh gác 24/24.



6. Đưa các chim con về tổ mỗi khi chim con bị rơi xuống đất do giông lốc, mưa bão.



7. Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân xung quanh nâng cao ý thức trong việc bảo vệ động vật hoang dã và phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Cò ốc ngày càng trở nên thân thiện với đồng ruộng của nông dân.

(Theo Báo Đồng Tháp) 

Thanh Phong

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/co-oc-mua-sinh-san-a7617.html