Tuyên Quang: Bao giờ Lâm Bình thoát khỏi huyện kém phát triển?

“Đến với huyện chúng tôi là đến với ba cái khó nhất của Tuyên Quang: Xa nhất, đường đi vất vả nhất và nghèo nhất...”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hồng Trang và Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng đã bộc bạch khi trao đổi với PV và mong được giới truyền thông thường xuyên lui tới thông tin cho công chúng biết, chia sẻ khó khăn với huyện vùng cao xa xôi này.

 
Chủ tịch UBND huyện vùng cao Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm với PV Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam

Đúng vậy, từ Hà Nội đến Lâm Bình phải vượt cung đường trên 300km, trong đó đến TP Tuyên Quang mới được gần nửa đường chỉ đi 2 tiếng; nửa đường còn lại từ TP Tuyên Quang đi Lâm Bình hơn 160km phải mất gần 5 tiếng, gấp 2 lần rưỡi thời gian từ Hà Nội đi thành Tuyên. Đường về Lâm Bình không còn cảnh ổ trâu, ổ voi như trước nhưng hẹp, quá nhiều cua tay áo, phải vượt qua những con đèo tương đối hiểm trở như đèo Gà, đèo Ái Âu, đèo Kéo Nàng và đèo Khau Lắc... không thể đi nhanh được.
 

Đường lên huyện vùng cao Lâm Bình (Tuyên Quang) - Ảnh: Phúc Thái Sơn

Thành lập huyện mới Lâm Bình cách nay hơn 5 năm, Lăng Can là vùng xa của huyện Na Hang trước đây, được chọn là huyện lỵ. Con đường nối với Bình An đã khai thông, Đèo Nàng được hạ thấp, giao thông thuận lợi hơn nhiều, mở ra cơ hội cho sự phát triển của Lăng Can và huyện Lâm Bình.
 
 
Trung tâm huyện lỵ Lâm Bình tại xã Lăng Can đang được tập trung xây dựng - Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng

Thành lập huyện mới Lâm Bình, dân phấn khởi. Bởi trước đây có việc cần thiết ra huyện lỵ Na Hang và Chiêm Hóa, có những xã bà con phải đi xa từ 40 đến 70km. Nay có huyện mới Lâm Bình, bà con vùng xa nhất đến huyện lỵ mới ở Lăng Can đã giảm được gần nửa đường đi. Có huyện lỵ mới thuộc diện vùng sâu, xa, được nhà nước ưu tiên đầu tư trước hết là giao thông đi lại dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Tuy vậy, cái sự nghèo khó vẫn đeo bám Lâm Bình vì huyện mới này được thành lập gồm 5 xã khó khăn nhất của huyện Na Hang và 3 xã khó khăn nhất của huyện Chiêm Hóa, đất rộng chủ yếu là núi, rừng phòng hộ, hồ thủy điện Tuyên Quang; người thưa gồm hơn chục dân tộc thiểu số, trong đó đông nhất là các dân tộc Tày, Dao và Mông. Khi mới thành lập, Lâm Bình có tới 71% thuộc diện hộ nghèo, sau 5 năm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 37% theo tiêu chí cũ. Nếu tính theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo của Lâm Bình trên 60%, thu nhập bình quân mới chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm.

Lý giải về tình trạng nghèo khó này, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng cho rằng: Nhìn tổng thể, Lâm Bình là huyện thuần nông, sản xuất còn manh muốn, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, chưa có sản phẩm hàng hóa, làm chưa đủ ăn. Khắc phục tình trạng này không thể một hai năm mà phải kiên trì nhiều năm. Cùng với tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình dân sinh như trường học, trạm y tế xã, Lâm Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, hướng vào những cây con có lợi thế. Lâm Bình đã quy hoạch phát triển cây con đặc sản như cây dược liệu Giảo cổ lam, rau Dạ hiến (hay còn gọi là rau Bò khai), tiếng Tày - Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá, sống tầm gửi trên các cây lớn; nuôi trâu bò đàn, dê núi; tận dụng hơn 4000 ha mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang nuôi cá chiên, lăng, nheo... theo hướng hàng hóa đặc sản cung ứng cho các đô thị miền xuôi.
 


 
Một góc quần thể 99 ngọn núi thuộc địa phận xã Thượng Lâm (Lâm Bình) - Ảnh Phúc Thái Sơn

Lợi thế của Lâm Bình là tiềm năng phát triển du lịch chưa được phát huy. Thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Bình hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, có hồ thủy điện Tuyên Quang, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Thượng Lâm không chỉ nổi tiếng bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những phong cảnh nên thơ được bao bọc bởi những dãy núi trùng trùng, điệp điệp hay là truyền thuyết về Phượng Hoàng bay về mà Thượng Lâm còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
Không những vậy, du lịch văn hóa tâm linh cũng là một trong những tiềm năng lớn của huyện Lâm Bình. Hiện trên địa bàn huyện còn lưu giữ được những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó phải kể đến là ngôi đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm...

Đền Pú Bảo ở xã Lăng Can là nơi thờ Quận công Thiếu Bảo tức Tướng quân Nguyễn Thế Quần, một Quận công vừa có tài vừa có đức, luôn chăm lo đến đời sống của muôn dân. Với tài nghệ văn, võ song toàn, ông đã cầm quân đi dẹp tan giặc loạn. Ngày mùng 9 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 11 - 1750, vua Lê Hiển Tông đã ban sắc phong Nguyễn Thế Quần là Siêu Nhạc Bá, một trong 5 tước trong triều đình lúc bấy giờ. Sau khi ông mất, để đền đáp công ơn của Quận công Nguyễn Thế Quần, nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đền thờ Quận công, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI- XVII nằm trên cánh đồng Nà Tha, thôn Bản Kè B, xã Lăng Can có địa thế như sự hội tụ của linh khí núi sông. Đền quay theo hướng Bắc, nhìn ra cánh đồng, xung quanh có nhiều ngọn núi chầu vào như thuần phục. Năm 2014, Đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền Pú Bảo đã trở thành điểm đến của đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa.
 


 
Mùa nước hồ thủy điện thủy điện Tuyên Quang dâng dưới chân núi đá khiến vùng lòng hồ như là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”
 
Chùa Phúc Lâm nằm ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ XIII - XIV. Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Năm 2011, chùa được phục dựng bằng gỗ, theo hướng Tây Nam, nằm ngay trên khuôn viên của ngôi chùa cũ, kiến trúc hình chữ Nhất theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam, gồm một gian hai chái, mái lợp gạch nung. Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết (nhất là dịp lễ hội Lồng tông vào ngày 15 tháng Giêng), nhân dân và du khách gần xa đến với Lâm Bình đều hướng tới ngôi chùa Phúc Lâm để tham quan, cầu an, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu.
 
Tiềm năng là thế nhưng nguyên nhân ngành kinh tế du lịch ở Lâm Bình chưa phát triển là do cơ sở hạ tầng phục vụ “ngành công nghiệp không khói” này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, sản phẩm du lịch chưa có gì đặc sắc thu hút du khách. Công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch chưa được quan tâm, công chúng gần xa chưa biết đến Lâm Bình. Hiện Lâm Bình chưa có nhà hàng, khách sạn lớn phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng qua đêm. Tuy vậy, Làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; Làng dân tộc Dao tại thôn Tân Lập, xã Thổ Bình; Làng dân tộc Pà Thẻn tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, bước đầu hàng năm thu hút trên 15 nghìn lượt khách du lịch.
 
 
Một hang động ven hồ thủy điện Tuyên Quang
 
Để phát huy thế mạnh này, Lâm Bình triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh. Huyện huy động vốn, thu hút đầu tư, từng bước phát triển kinh tế du lịch, tập trung tại xã Lăng Can, Thượng Lâm và khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Chú trọng quảng bá, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế như du lịch mặt hồ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thám hiểm núi đá, rừng nguyên sinh...
 
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2015 -2020) đã xác định phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc. Lâm Bình quan tâm phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; bảo tồn, phát huy các danh lam, thắng cảnh, các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch. Tổ chức tốt các lễ hội văn hóa để thu hút du khách; xây dựng các làng văn hóa dân tộc Tày, Dao, Pà Thẻn gắn với các điểm du lịch.
 
 
Thác Khuổi Nhi đổ về hồ thủy điện Tuyên Quang - Ảnh: Phúc Thái Sơn

Lâm Bình tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển các dịch vụ du lịch,... Quan tâm, khuyến khích phát triển các sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ du khách. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ cho phát triển du lịch.
 
Đặc biệt, các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành “Đề cương nghiên cứu, xây dựng Công viên Địa chất Na Hang - Lâm Bình, Tuyên Quang” trình Chính phủ xem xét, công nhận là Công viên địa chất quốc gia. Khu vực được coi là “hội tụ nhiều giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là các di sản địa chất - địa đạo, các di tích lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học… có giá trị nổi bật tầm cỡ quốc gia và quốc tế”. Đây sẽ là cơ hội lớn để du lịch Lâm Bình phát triển.
 
Vũ Xuân Bân - Tiến Dũng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tuyen-quang-bao-gio-lam-binh-thoat-khoi-huyen-kem-phat-trien-a5433.html