Về thăm Mộ bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu Mộ bà Hoàng Thị Loan tọa lạc trên lưng chừng ngọn núi Động Tranh linh thiêng, thuộc dãy Đại Huệ, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 14km. Nơi đây phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, thế lưng tựa sơn, chân đạp thủy khiến cho bất kỳ ai đã một lần ghé thăm đều hằn in trong kí ức.

a1-2363463467-1712202378.jpg
Mộ bà Hoàng Thị Loan, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Yến

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868 - mất năm 1901 tại làng Chùa, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Bà sinh ra và lớn lên trong một nhà nho, giàu lòng yêu nước, thương người, sớm được cụ thân sinh Hoàng Xuân Đường truyền chữ thánh hiền, dạy đủ: Công - dung - ngôn - hạnh, được thân mẫu bà Nguyễn Thị Kép truyền cho nghề xe tơ, dệt lụa, làm đồng áng. Bà là một cô gái nhan sắc, thùy mị, nết na, thuộc nhiều làn điệu dân ca xứ Nghệ.

Theo tư liệu để lại, sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế đi thi, bà đã cùng chồng gồng gánh đi bộ với hai con trai vào kinh đô giúp ông học tập, nén lòng gửi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh ở lại Nghệ An để giúp chăm sóc ông bà ngoại Hoàng Xuân Đường.

Ở Huế, bà đã lao động dệt vải vất vả, vắt kiệt sức nuôi sống cả nhà. Sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, do sự vất vả khó nhọc trước đó, bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1901 trong khi chồng và người con Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa. Khi ấy, Nguyễn Tất Thành mới 11 tuổi đã đứng ra làm chủ tang, cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần.

Hôm đưa mộ mẹ về táng nơi đây, ông Nguyễn Sinh Khiêm nhờ bà con làng xóm, anh em trong dòng họ đào cho 9 cái huyệt như nhau. Đào xong huyệt trời vừa trưa, ông bảo mọi người về ăn cơm, ông ở lại trông. Khi mọi người về hết ông Nguyễn Sinh Khiêm đặt cài cốt mẹ, rồi lấp hết 9 huyệt. Chiều mọi người ra chỉ sửa sang lại 9 ngôi mộ cho đẹp, gọn gàng. Mãi sau này ông Khiêm mới nói cho ông tộc trưởng trong dòng họ biết ngôi mộ của mẹ.

a2-36674574-1712202435.jpg
Cổng vào khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Nguyễn Yến

Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc, cống hiến to lớn của bà đối với quê hương đất nước, Đảng bộ, nhân dân Nghệ Tĩnh, Quân khu 4 đã quyết định xây dựng Khu mộ bà Hoàng Thị Loan.

Sau 1 năm khẩn trương xây dựng, công trình đã hoàn thành vào dịp lần thứ 95 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1985).

Ngày 21/7/2010, Khu lăng mộ của bà được khởi công bảo tồn, tôn tạo lại, là một công trình kiến trúc có kiểu dáng đẹp và gần gũi.

a3-3467547568568-1712202468.jpg
Cổng vào khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Nguyễn Yến
a4-346547547854-1712202511.jpg
Phòng trưng bày trong khuôn viên khu mộ. Ảnh: Nguyễn Yến
a5-3467547788-1712202555.jpg
Lộ trình tham quan. Ảnh: Nguyễn Yến
a6-43675475478-1712202599.jpg
Đường lên xuống để khách tới thăm viếng ngôi mộ được xây dựng men theo sườn núi hai bên mộ, đứng từ xa trông như hai dải lụa đẹp, mỗi bên dài khoảng 500m. Men theo sườn trái đi lên là 269 bậc, con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969. Ảnh: Nguyễn Yến
a7-2367478548-1712202651.jpg
Lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc, con số 42 là năm ông Nguyễn Sinh Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Hai con đường lên xuống được xây bằng đá, với cự ly thích hợp đảm bảo cho mọi lứa tuổi từ cụ già đến em nhỏ có thể lên xuống dễ dàng để chiêm ngưỡng cảnh quan khu mộ. Ảnh: Nguyễn Yến
a8-477856858-1712202703.jpg
Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm ở bên trái, cùng phía này còn có mộ bà Hà Thị Hy, bà nội của Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn Yến
a11-3465474574578-1712202746.jpg
Mộ cụ Hà Thị Hy đã được tu bổ. Ảnh: Nguyễn Yến
a13-47568568956-1712202836.jpg
Mộ cụ Nguyễn Sinh Xin - em trai chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi mộ được tu bổ khang trang. Ảnh: Nguyễn Yến
a34-4745754-1712202939.jpg
Bậc thang lên khu mộ của Bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Nguyễn Yến
a15-4745748-1712203002.jpg
Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà. Không gian xung quanh đều có mái che, thể hiện không khí trang nghiêm, ấm cúng và thuận lợi cho du khách hành lễ khi mưa, nắng. Ảnh: Nguyễn Yến
a20-36547547454-1712203049.jpg
Trước khu mộ được mở rộng thành hình vòng cung, hoà hợp với địa hình và tạo một góc nhìn rộng. Ảnh: Nguyễn Yến
a21-346675474-1712203087.jpg
Chính diện ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Nguyễn Yến
a22-467547854-1712203139.jpg
Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời vất vả để nuôi chồng, nuôi con. Ảnh: Nguyễn Yến
a23-346754754788548-1712203185.jpg
Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà. Ảnh: Nguyễn Yến
a44-4745778-1712203229.jpg
Có dịp đến viếng mộ bà, du khách sẽ được trải lòng với không gian tĩnh lặng của mảnh đất tâm linh, thụ hưởng sự trong lành mà thiên nhiên ban tặng. Ảnh: Nguyễn Yến 
a45-475678568-1712203275.jpg
a56-047754-1712203304.jpg
Từ vị trí ngôi mộ nhìn ra phía trước là làng Kim Liên quê nội, làng Chùa quê ngoại của Bác Hồ. Tại đây, du khách còn có thể phóng tầm mắt ra xa và ngắm nhìn một phần nước non xứ Nghệ. Ảnh: Nguyễn Yến

Mỗi năm có hàng ngàn người con đất Việt và bạn bè khắp năm châu thành tâm hành hương về đây dâng hoa, thắp nén tâm hương trước mộ phần bà Hoàng Thị Loan, để mãi mãi khắc sâu công ơn trời biển của một bà mẹ vĩ đại sinh cho đất nước những anh hùng hào kiệt. Giờ đây, bà mẹ Việt Nam anh hùng đã yên an giấc ngàn thu trên dải núi thiêng Động Tranh của quê nhà Kim Liên. Thật biết ơn mảnh đất và con người đã lưu giữ và chăm sóc mộ phần bà; để đến hôm nay tấm lòng nhân hậu, đức hy sinh cao cả của bà được lan toả, lưu giữ niềm tin yêu đến với triệu triệu con người.

Nguyễn Yến

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-tham-mo-ba-hoang-thi-loan-than-mau-chu-tich-ho-chi-minh-a28126.html