Mấy cảm nhận về tác phẩm ca cổ Nguyễn Trung Nguyên

Bước vào sự nghiệp viết báo, viết văn, viết nhạc, làm thơ khá lâu; Nhưng Nguyễn Trung Nguyên “lấn sân“ sang bài ca cổ, khoảng hơn 10 năm.

Dù vậy, thành tựu từ lĩnh vực này thật đáng tự hào! Tác phẩm của anh liên tục được phát sóng trên các đài phát thanh, truyền hình gần, xa; Bộ sưu tập thành tích ngày càng dày thêm qua các cuộc thi sáng tác.
 

Viết bài ca cổ không khó, nhưng khó hay; nếu không có một phương phát tư duy, một lối viết mang nét riêng của tác giả. Nguyễn Trung Nguyên rất ý thức điều này, nên anh đã phát huy nguồn “vốn” sở trường nhất: năng khiếu văn chương! Lấy văn chương làm điểm tựa sáng tạo chủ lực, để hình thành ý tưởng, rồi nhào nặn, “gạn đục khơi trong”; làm cho bài ca cổ có hồn. Bởi, bao giờ - bộ môn nghệ thuật nào cũng vậy; có được cái hồn, thì tác phẩm mới có sức sống, đi vào lòng công chúng!

Nét riêng và sự thành công trong các bài ca cổ của Nguyễn Trung Nguyên, là ở điểm này. Thế nhưng, sẽ là một thiếu sót, nếu không đề cập tới một nguồn vốn - chất liệu đặc biệt, mà anh luôn khai thác làm nên bài ca: Đó là sự trải nghiệm cuộc đời “phong ba, chìm nổi” qua các đoạn đường phiêu bạt, kể cả nơi đầu sóng ngọn gió, hay ở chốn bình yên.

Đi vào tác phẩm ca cổ Nguyễn Trung Nguyên, ta như vừa bước vào đời thực, vừa tìm đến cõi mơ. Mới nghe chuyện “tầm cao”, lại quay về điều bình dị nhất. Đó là những dấu ấn, nét độc đáo trong tuyển tập 101 bài ca mà ta bắt gặp: Viết về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu, Nguyễn Trung Nguyên cẩn trọng từng chữ, từng câu - nhưng không vì thế mà theo công thức sáo mòn, khô khan. Đôi khi anh còn phóng bút sáng tạo, tô đậm hình tượng Bác thiêng liêng cao đẹp, lại gần gũi mọi người:

Mỗi giọt lệ thấm xuống dòng di chúc
Một lời nguyền vang đến suốt mai sau.
(Bài: Trong Di chúc của người)

Bom đạn quân thù xé nát quê hương
Đền thờ Bác vẫn thiêng liêng trong rừng thẳm
Tay Bác vẫy giữa mênh mông tràm đước
Ánh mắt Người nhân hậu bao dung.
(Bài: Nhà Bác ở Cà Mau)

Từ không gian “vĩ mô”, tác giả quay về thân phận Người lính, mà anh và đồng đội từng đi qua chiến tranh, Anh viết như ghi chép một đoạn đời “vào sinh ra tử”, trình bày nỗi niềm, cả khi tâm sự với con mình:

“Cha đi lính khi con chưa sinh ra,
…Thuở ấy trong ba lô của cha ngược xuôi lép kẹp,
Chỉ có dăm tờ giấy mỏng làm thơ…
(Bài: Chiếc ba lô người lính)

Và anh đã nhắc mọi người:
“Xin những người đang sống quanh tôi
Đừng quên Trường Sơn, đừng quên mình là người còn đang mắc nợ…
… Có bà mẹ nửa đêm giật mình ngồi dậy,
Sờ soạng đôi tay như đang tìm mộ đứa con mình…”
(Bài: Tổ quốc chúng tôi đây)

Khi viết những bài ca về người lính, làm sao anh quên được “Tổ quốc ở Trường Sa”? Bởi hình tượng người lính Hải quân, bộ đội biên phòng vẫn ngày đêm canh giữ biển trời, rừng núi biên cương đất Việt.

Biển mùa này Trường Sa sóng dữ,
Các con chưa về bên mẹ được đâu.
(Bài: Tỗ quốc ở Trường Sa)

Trong nội dung chủ đề, Nguyễn Trung Nguyên rất quan tâm tới một điểm tựa, bệ phóng của cuộc đời, mà ai cũng từ đó ra đi, cũng là tổ ấm để quay về: chính là gia đình! Với những bài ca cổ Nguyễn Trung Nguyên, hình bóng của nội, của cha, mẹ, anh, chị, em luôn có mặt. Nhưng tình vợ chồng, tình cha con, mang một xúc cảm đặc biệt, sâu lắng:

“Nhà vắng em một phút thôi, anh đã thấy buồn,
Cái câu vợ chồng quen hơi chẳng thể nào sai được”
(Bài: Mình ơi!)

“Ngọn gió đồng thơm mùi cơm vợ,
Mỹ vị xứ nào ăn cũng không ngon…”
(Bài: Đến Vọng thê nhớ vợ nhà)
“Khi con lớn lên mọi chuyện khác rồi,
Mẹ, cha khổ để đời con sung sướng”
(Bài: Điều muốn nói với con)

“Đời viết” của Nguyễn Trung Nguyên, lúc nào cũng cập nhật với “đời sống”. Qua bước chân phiêu lãng của anh, Cần Thơ - châu thổ Cửu Long và nhiều vùng đất thân quen, được xướng danh trong bài hát với một tình cảm mật thiết, thân thương, đôi khi nuối tiếc:

“Chợ nổi Ngã Bảy anh ơi! Giờ đổi thay rồi,
Nơi anh chống sào làm trái tim mình tan vỡ,
Nay trơ trọi lạnh lùng bến nước hắt hiu…
... vẫn chợ vẫn sông mà hồn đã không còn”.
(Bài: Khúc hoài niệm sông xưa)

Anh đi đó, đi đây để hiểu sâu xa hơn về vùng đất, để hiểu thêm về con người phương Nam:

“Khí phách hồn thiêng một thời mở cõi,
Vung phảng ngang trời phá đất lập nương,
Bạn tự hào mình gốc gác nông dân,
Quen mùi rượu đế, chê vị bia khó uống”
(Bài: Bạn tôi)

Trong các tác phẩm viết về châu thổ, anh say đắm đất cồn “Quê mình Cần Thơ”, đặt gọi “Trà Vinh đất rồng”, Bạc Liêu là “Thành phố nguyệt cầm”, rồi về lại “Bến Tre dáng đứng hôm nay”. Và xuống “Thành phố bãi bồi”, mà thương thương, nhớ nhớ …

“Về Cà Mau cứ muốn ở lâu hơn
Con gái miệt biển cái gì cũng mặn mòi hết thảy…”
(Bài: Thành phố bãi bồi)

Khó mà nói hết, cái đáng nói về các bài ca của Nguyên Trung Nguyên, bởi dòng cảm xúc của tác giả như sông, suối cứ dâng trào. Đến sự cảm phục đối với một vị lãnh tụ, anh cũng viết nên bài ca đáng nhớ:

“Kinh ông Kiệt một dòng cuồn cuộn chảy
Bồi đắp mỡ màu cho châu thổ phương Nam”
(Bài: Nhớ Bác Sáu Dân)

Đâu chỉ đóng khung trong phạm vi bài ca vọng cổ, Nguyễn Trung Nguyên còn thử sức với làn điệu tài tử; góp phần trong phong trào bảo vệ, phát huy vốn quí dân tộc, dân gian Nam bộ. Tuy chưa có thời gian viết lời đủ đầy 20 bài bản Tổ; nhưng anh đã bén duyên và thành công với điệu thức Bắc hào hùng:

“Văng vẳng trong đêm tiếng đờn kìm
Là hồn nước âm vang
Mấy khúc xàng xê rồi lưu thủy hành vân,
Bóng dáng cha ông khai đường mở cõi…”
(Bài: Hồn nước linh thiêng trong tiếng đờn kim, điệu Tây Thi)

Hay như:

“Nơi tôi sinh ra là thành phố ven sông,
Nơi Bác đứng vẫy chào,
Nơi có mặt trời chiếu rọi xôn xao…”
(Bài: Cầm Thi thành phố ven sông, điệu Lưu Thủy Trường)

Tin rằng, với vốn văn chương sở trường, cùng với kinh nghiệm viết bài ca cổ; Nguyễn Trung Nguyên sẽ tiến thêm những bước đi mới vào lĩnh vực Đờn ca tài tử, tiếp tục gặt hái thành công!

Với nguồn vốn sống phong phú, kiến thức cập nhật; lúc nào Nguyễn Trung Nguyên cũng mạnh dạn mở rộng phạm vi đề tài, dệt nên ý tưởng phong phú. Từ đó, cấu trúc nội dung, chủ đề rõ ràng, chặt chẽ, văn chương giàu chất trữ tình, ca từ đẹp, suôn sẽ, bay bỗng. Nhờ vậy, người ca sẽ dễ ca; người nghe dễ “thấm”. Quen tay viết bài ca như làm thơ, anh tự tin chuyển thể nhiều tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng như: Tố Hữu, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Nguyễn Việt Chiến. . . sang bài ca cổ một cách nhuần nhuyễn.

Đáng kể là trong kỹ thuật soạn lời ca, thỉnh thoảng tác giả lại phóng bút chơi chữ một cách thú vị. Có bài điệp từ đến bốn lần trong một câu hò…

Hò ơ.. Vẫn là bãy ngã sông sâu
Vẫn là con nước sớm trưa lớn ròng
Vẫn là bến đục bến trong
Vẫn còn đâu đó hồn sông lững lờ!
(Bài: Khúc hoài niệm sông xưa)

Sau những năm, tháng miệt mài lao động nghệ thuật, Nguyễn Trung Nguyên đã gieo trồng và thu hoạch một “gia tài” khá đồ sộ: đến101 bài ca cổ đoạt giải và phát sóng trên các kênh truyền thông. Đó là 101 đóa hoa giàu tính nhân văn, đậm chất trữ tình. Đó là những tác phẩm bắt nguồn từ hơi thở cuộc sống; kết tinh từ trái tim, khối óc của một người cầm bút, luôn nặng tình với Tổ quốc, quê hương, với châu thổ Cửu Long phù sa, máu thịt !

Vậy nên, Đọc - Nghe và Xem những bài ca cổ của Nguyễn Trung Nguyên, khó ai dằn nén được cảm xúc; cũng sẽ không quên nhắn gởi đến tác giả, lời ngợi khen, lời cảm ơn chân tình!
 
Soạn giả Nhâm Hùng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/may-cam-nhan-ve-tac-pham-ca-co-nguyen-trung-nguyen-a17545.html