Vai trò của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ xa xưa không chỉ là nơi có dòng chảy tự nhiên, nơi thoát nước ra sông Sài Gòn mà còn là một phòng tuyến quân sự quan trọng trải dài suốt quá trình chống giặc ngoại xâm của nhân dân thành phố trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược Nam Bộ năm 1859 cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975.
Nhận thấy vị trí quân sự quan trọng của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hệ thống sông ngòi, kênh rạch xung quanh, năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm cho đắp lũy Tân Hoa (hay còn gọi là Lũy Bán Bích) nhằm tạo thành một phòng tuyến quân sự phòng vệ cho thành Gia Định trước họa xâm lăng của quân Xiêm La. Lũy này bắt đầu từ chùa Cây Mai vòng qua Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bảo vệ phía Tây và phía Bắc của Sài Gòn cùng với rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè làm thành một vòng bảo vệ vững chắc.
Cuộc chiến đấu chống Pháp của quân và dân ta trên cầu Thị Nghè (ảnh tư liệu)
Ngày 31 tháng 8 năm 1858, quân đội Pháp kết hợp với quân đội Tây Ban Nha tiến hành tấn công Đà Nẵng với kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh buộc triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng. Nhưng sau 5 tháng, chúng chỉ có thể chiếm được bán đảo Sơn Trà. Đầu năm 1859, thực dân Pháp chuyển hướng đánh chiếm thành Gia Định nhằm chiếm vựa lúa Nam Bộ, cắt nguồn cung cấp lương thực của triều đình nhà Nguyễn. Sáng 16 tháng 2 năm 1859, tàu Avalanche của Pháp đi vào rạch Thị Nghè để thám thính thành Gia Định. Ngày 17 tháng 2, sáu con tàu Pháp tiếp tục tiến vào và tấn công. Sau những trái đại bác và đổ bộ, quân Pháp đã tiến được vào cửa Bắc (cửa hướng ra rạch Thị Nghè). Với tiềm lực quân sự mạnh mẽ và sự chống trả yếu ớt của quân đội nhà Nguyễn, đến 10h sáng hôm ấy thành Gia Định đã thất thủ.
Sau khi Pháp chiếm được Gia Định, đô đốc Charner đã ấn định ranh giới theo Nghị định ngày 14/4/1861 của Gia Định gồm có: “Mặt chính là sông Sài Gòn, mặt thứ hai và thứ 3 là rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè, mặt còn lại là một đường ranh giới nối liền chùa Cây Mai đến các đường ranh cũ của đồn Kỳ Hòa”. Thậm chí người Pháp còn nghĩ tới việc đào một con kênh nối liền rạch Bến Nghé với Thị Nghè để cho Gia Định được bao bọc xung quanh là sông nước, trở thành một hòn đảo thực sự, tạo nên một phòng tuyến quân sự quan trọng.
Trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng đã diễn ra những trận đánh lịch sử của người dân Sài Gòn - Gia Định trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp (tháng 9 năm 1945), cho đến cuộc chiến chống Pháp - Mỹ xâm lược (1954 - 1975).
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng ra đời chưa đầy một tháng, thực dân Pháp tiếp tục quay trở lại xâm lược Sài Gòn. Lệnh tản cư để lại một Sài Gòn “không điện, không nước, không lương thực, không người” được Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ban hành. Hàng đoàn người đi khỏi thành phố qua những cây cầu, những con đường. Lửa cháy đỏ rực bao quanh thành phố, cầu Thị Nghè được chọn làm Mặt trận số 1 mở đầu Nam bộ kháng chiến. Quân Pháp bị nhốt lại trong nội thành, lực lượng kháng chiến chiếm giữ khu vực ngoại ô. Những trận chiến giữa quân và dân ta với thực dân Pháp diễn ra ác liệt, giằng co suốt gần một tháng. Cho đến ngày 18 tháng 10 năm 1945, quân Pháp tập trung mọi lực lượng đánh chiếm cầu Thị Nghè. Xét tương quan lực lượng quá chênh lệch nên quân kháng chiến đã quyết định tạm rút lui. Cũng cần phải nói thêm phần lớn vũ khí là mã tấu, dao găm nhưng quân ta đã anh dũng chống chọi gần 1 tháng trời trước sức tấn công mạnh mẽ của quân thù. Họ đã tiêu diệt hàng trăm quân địch, nhưng máu dân Thị Nghè đổ xuống cây cầu này cũng không ít. Chiến công vang dội này đã được báo chí ghi nhận: “Trận Thị Nghè sẽ ghi vào chiến sử Việt Nam” (Báo Cứu quốc, ngày 19/10/1945).
Đài tưởng niệm chiến công mặt trận cầu Thị Nghè của quân dân Sài Gòn trong những ngày Nam Bộ kháng chiến
Ngày nay, khi đi ngang qua cầu Thị Nghè, chúng ta vẫn dễ dàng nhìn thấy một tấm bia lớn được dựng dưới chân cầu vươn lên cao cùng cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Trên tấm bia ấy ghi lại chiến công bi hùng của quân dân Sài Gòn trên mặt trận cầu Thị Nghè ngay trong ngày đầu Nam Bộ kháng chiến: “Tại cầu này, ngay từ sáng sớm 23 tháng 9 năm 1945, quân và dân Thị Nghè cùng nhân dân thành phố vũ trang bằng vũ khí thô sơ, đã lập “mặt trận cầu Thị Nghè” chặn đứng quân Pháp hàng tháng trời, không cho nống ra ngoài thành phố...”. Ngoài ra còn nhiều trận đánh của quân và dân ta đẫ diễn ra tại cầu Bông, cầu Kiệu, trên dòng kênh Nhiêu Lộc…
Bên cạnh đó, lịch sử cũng chứng kiến “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” đốt kho đạn của thực dân Pháp gần cầu Thị Nghè ngày 17 tháng 10 năm 1945 khi đã lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm chờ lúc sơ hở, đã tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa thiêu rụi kho đạn của thực dân Pháp. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa thành “cây đuốc sống” góp phần cổ vũ, soi sáng tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của người dân Thành phố…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước địa danh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng đã chứng kiến nhiều chiến tích anh hùng của quân và dân Sài Gòn. Với địa thế là dòng kênh chạy qua các quận trung tâm thành phố, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trở thành nỗi ám ảnh thường trực của quân đội Mỹ - Ngụy.
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (ảnh tư liệu)
Trên dòng kênh này đã diễn ra nhiều sự kiện khiến cho Mỹ - Ngụy choáng váng khi quân ta, đặc biệt là lực lượng biệt động Sài Gòn đã nhiều lần làm cho chúng “kinh hồn bạt vía” chẳng hạn như sự kiện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã một mình phục kích ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara năm 1964.
Khi biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara (Mắc Na-ma-ra) dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5 năm 1964, lực lượng biệt động Sài Gòn liền vạch kế hoạch tiêu diệt chúng. Quan sát mấy lần trước thấy Robert McNamara sang Sài Gòn đều đi hướng sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố theo đường Công Lý, nên Ban chỉ huy đã cử đồng chí Nguyễn Văn Trỗi tiến hành kế hoạch ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhằm gây nên một sự kiện chấn động cho Mỹ - Ngụy lúc bấy giờ. Vì đoàn gồm nhiều nhân vật sừng sỏ, có đủ thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề chiến tranh, nên từ mấy hôm trước đó, chính quyền Sài Gòn Việt Nam cộng hòa tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các tuyến đường mà phái đoàn sẽ đi qua.
Bằng các nghiệp vụ tác chiến khôn khéo, chúng ta vượt qua tầm mắt bọn lính gác, đem quả mìn nặng 8 kg trong chiếc thùng tôn đến đặt gần cầu Công Lý từ trưa ngày 8/5/1964. Nhưng không may, sự việc bị bại lộ, Nguyễn Văn Trỗi và đồng đội bị bắt. Sau nhiều ngày tra tấn hết sức dã man nhưng không thể khuất phục được ý chí của anh, đồng thời để bảo đảm an toàn cho tổ chức và đồng đội, anh Trỗi đã nhận mọi trách nhiệm về mình. Ngày 10 tháng 8 năm 1964, chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn đã đưa ra tòa và kết án tử hình đối với anh.
Khu tưởng niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
Và còn rất nhiều những chiến công vang dội của quân và dân Thành phố trong những năm tháng hào hùng ấy trong các sự kiện như Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, hay trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 có sự hỗ trợ không nhỏ của dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và những cây cầu bắc ngang qua nó…
Bởi vậy, chúng ta có thể tự hào rằng, dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không chỉ đóng vai trò quan trọng liên quan đến giao thông, môi trường, cảnh quan đô thị mà nó còn đóng vai trò là một chứng nhân văn hóa, lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử của thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh.
Phạm Sinh