Tắm biển và ngắm cảnh quan Qui Nhơn, đi tham quan các di tích lịch sử của Bình Định, và thấy, vùng đất này có rất nhiều điều lý thú. Đất Chăm Pa xưa hiển hiện theo các vần thơ của Chế Lan Viên:
Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm quốc
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp,
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui
Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh...
Các Tháp Chàm ở Quy Nhơn còn đó như minh chứng một thời tỏa sáng của Đế chế Chăm Pa. Và còn rất nhiều di tích đáng đến ở vùng đất cố đô Chăm này.
Từ Quy Nhơn chúng tôi đi thăm vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định, nơi thờ Tam kiệt Tây Sơn và Bảo tàng Quang Trung, theo Quốc lộ 19, khoảng 45 km, đến làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.
Người ta nói, chính ba anh em Tây Sơn là những người khai sáng, phát triển, hoàn thiện các phái võ có từ lâu đời ở Bình Định. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương và đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu (Trống trận Quang Trung); Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền…
Khu thờ Tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - rất khang trang. Tưởng nhớ người xưa, tỉnh Bình Định xây dựng quần thể di tích thờ anh em nhà Tây Sơn và Bảo tàng Quang Trung rất hoành tráng. Nơi thờ Tam kiệt ngay trên hai di tích là cây me cổ thụ và giếng nước xưa của gia đình nhà Tây Sơn. Nước giếng trong vắt ngọt lịm. Ai đến đây cũng lấy nước giếng mang về vì họ truyền nhau, nước giếng uống đến đâu mát lạnh đến đó và uống nước này sẽ có sức mạnh và may mắn.
Di tích còn đó, hồn người xưa phảng phất đâu đây. Trong không gian thoáng mát với nhiều cây xanh, người ta liên tưởng tới những anh hùng trong đoàn quân áo vải Tây Sơn như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyến Lữ, Bùi thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô văn Sở… từng đến đây luyện tập võ nghệ và đàm đạo việc quân.
Bảo tàng Quang Trung là một công trình uy nghi, tiền thân của nó là đền thờ vua Quang Trung xưa, sau được chọn xây dựng Bảo tàng năm 1977. Các nhân viên bảo tàng đã đi khắp đất nước để tìm những hiện vật liên quan tới nhà Tây Sơn và Nguyễn Huệ - Quang Trung mang về bảo tàng, vì thế Bảo tàng có rất nhiều hiện vật trưng bày. Những hiện vật như trống trận, cồng chiêng, ấn tín, 18 loại binh khí thô sơ… giúp nghĩa quân Tây Sơn giành nhiều chiến thắng lẫy lừng.
Trong những chiến công của nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ nổi lên là viên tướng tài, biết sử dụng quân nên hầu như đánh đâu thắng đấy. Những trận lừng danh, như trận chiếm lại Phú Yên từ tay nhà Nguyễn khi Nguyễn Huệ mới 23 tuổi, đánh Gia Định bắt hai chúa Nguyễn 1777, thắng Xiêm 1784, hạ thành Phú Xuân 1786, tiến đánh Thăng Long diệt tập đoàn Lê Trịnh 1786, thống nhất đất nước, tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh 1789, kết thúc bằng trận Ngọc Hồi, Đống Đa Hà Nội…
Nguyễn Huệ được tôn vinh là một thiên tài quân sự. Nguyễn Huệ được các giáo sĩ phương Tây so sánh với Alexandros Đại đế và Attila.
Chính sử của nhà Nguyễn phải thừa nhận”… quân Xiêm (từ sau khi thua trận Rạch Ngầm - Xoài Mút) tuy ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp”.
Nguyễn Huệ không chỉ giỏi cầm quân mà ông còn sử dụng, phối hợp các loại vũ khí, phương tiện quân sự mới ở thời kỳ ấy để chiến thắng đối thủ.
Gras de Pre’ville, thuyền trưởng tàu Padour của Pháp ở Gia định đã viết về Nguyễn Huệ và quân đội của ông như sau: “Tây Sơn rất mạnh; quân đội của Nguyễn Huệ nếu không thiện chiến cũng rất đông; Nguyễn Huệ có voi để kéo pháo, và hơn nữa, Nguyễn Huệ có rất nhiều chiến thuyền, chiến hạm và tàu thuyền để chở quân đội. Nguyễn Huệ có nghị lực, tài năng…”.
Trong bảo tàng Quang Trung còn lưu lại nhiều loại vũ khí nhà Tây Sơn dùng trong các trận đánh.
Như ngôi sao băng xuất hiện trên bầu trời Việt, Nguyễn Huệ, với ý chí bảo vệ non sông đất Việt bằng mọi giá, trong Chiếu xuất quân đi đánh quân Thanh ông đã viết:
Đánh cho để tóc dài
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử trí Nam Quốc anh hung chí hữu chủ…
Những trận đánh gay cấn, một mất một còn, Nguyễn Huệ luôn đứng đầu các đoàn quân xông lên quyết chiến với kẻ thù giúp cho đại quân của ông tiến tới giành chiến thắng. Cách đánh của ông kết hợp cả truyền thống (giả hàng địch khi đánh quân Xiêm...) và cách đánh hiện đại của phương Tây, tốc chiến tốc thắng khi đại phá quân Thanh. Các trận chiến do Nguyễn Huệ chỉ huy “bách chiến bách thắng”. Sau này, chiến dịch 1975 lịch sử quân đội ta cũng đã dùng chiến thuật “thần tốc” khiến cho quân địch không kịp trở tay, nhanh chóng giành độc lập, thống nhất đất nước.
Nguyễn Huệ - Quang Trung không chỉ là tướng tài quân sự mà ông còn giỏi về ngoại giao và cai trị đất nước. Bằng việc trọng dụng người tài, nhân hiếu, độ lượng, vua Quang Trung rất am hiểu việc trị nước.
Khi mang quân ra Bắc đánh họ Trịnh chuyên quyền, ông đã dùng khẩu hiệu “phù Lê diệt Trịnh” để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Bắc Hà. Khi diệt được nhà Trịnh ông vẫn tôn thờ vua Lê. Khi Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế cầm quân ra Bắc.
Sau khi đại phá quân Thanh, đuổi vua Lê Chiêu Thống ra khỏi nước Nam, Quang Trung thực thi hòa giải với nhà Thanh và triều cống khiến vua Thanh chấp nhận Tây Sơn thay thế nhà Lê. Cách trừ phản loạn của ông cũng rất khôn khéo khiến cho tướng lĩnh khâm phục (như diệt Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm khi hai ông này định cát cứ, xưng hùng).
Đưa giang sơn về một mối, Quang Trung bước đầu thiết lập chế độ cai trị đất nước bằng cách cải tổ các đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy cai trị và thu hút nhân tài. Ông ban Chiếu Cầu hiền, có đoạn: “Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao, học rộng chưa từng thấy đến. Hay Trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự?... Trẫm nơm nớp lo nghĩ, một ngày hai ngày cũng có hàng vạn sự việc nảy sinh. Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình – sức một người không thể đảm đương”.
Nhờ thực tâm cầu hiền tài để giữ non sông đất nước, Quang Trung vừa khiêm tốn vừa hiểu rõ sức mạnh của các bậc hiền tài khi họ giúp vua cai trị nên Chiều Cầu hiền của ông đã được các cựu hiền nhà Lê cũ như tiến sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Thiếp… hưởng ứng, ra trợ giúp.
Trong việc phát triển kinh tế ông coi trọng thương nghiệp, mở mang buôn bán với nước ngoài chứ không “trọng nông ức thương” như trước đây và giảm thuế cho dân ở một số ngạch thuế…
Không may cho đất nước, khi Nguyễn Huệ - Quang Trung đang khôi phục đất nước sau cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh, nội chiến liên miên hàng thế kỷ, đất nước tan hoang, thì ông qua đời. Chỉ làm vua hơn bốn năm, ông ra đi, nhiều chính sách tiến bộ chưa được thực thi. Sự nghiệp dang dở, như ngôi sao băng vụt sáng rồi tắt, Quang Trung vào cõi vĩnh hằng. Nếu Trời cho ông sống một thời gian nữa để xây dựng đất nước, chắc rằng Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt, rạng danh non sông, như bài thơ của Đô đốc Vũ Văn Dũng, đang đi sứ nhà Thanh ở Bắc Kinh đã viếng ông:
Bố y phấn tích ngũ niên trung
Kim cổ thi vi sự bất đồng,
Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ,
Bất ư Đường Tống thuyết anh hùng.
Dịch là:
Năm năm dấy nghiệp tự thôn nông,
Thời trước, thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi,
Anh hùng Đường Tống hết khoe hùng.
Quang Trung, một người có tài cầm quân và có nhiều đổi mới trong cai trị đất nước mất đi khiến cho ta vừa tiếc nuối vừa phải suy ngẫm. Phải chăng đất nước còn thiếu những ngôi sao sáng như ông nên ta chưa sánh vai được với các nước năm châu?
Nhận định về vua Quang Trung có rất nhiều ý kiến. Về quân sự, nhiều người khẳng định, Quang Trung là một thiên tài. Còn về việc cai trị đất nước ra sao? Hãy nghe người xưa nói về ông.
Ngô Trọng Khuê, một đại thần cũ nhà Hậu Lê đã nói về chính sách Cầu hiền khi ông làm vua như sau:
Sáng đẹp hơn ngũ đế, lòng nhân hiếu cảm động đến trời… với các sĩ phu thì cuốn vào máy, thu vào lồng, tìm trong hang núi, hỏi chốn thôn quê, hái chẳng sót loài cỏ mọn.
Nhà sử học Trần Trọng Kim viết, vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra đất Bắc Hà, những người như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng nhất là đối với một nhân sĩ như Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử) thì thật khác thường.
Trong tác phẩm “Bút ký lịch sử về dân tộc An nam” Legrand de la Liraye viết, ông không chỉ là nhà cầm quân mà còn là nhà cai trị rất giỏi… Đồn binh vững vàng khắp đường sông, cửa biển; kỷ luật nghiêm minh, đồng thời lại rất nhân từ với nhân dân…
Tất cả đều nhận định, cách cai trị của Quang Trung là dựa vào dân, dựa vào các sĩ phu, nhân sĩ, nghĩa là những người tài, có học, có đức mới có thể cai trị được đất nước. Về kinh tế ông chủ trương phát triển thương nghiệp, buôn bán, không “trọng nông ức thương” giảm thuế cho dân mới cường sức dân, đưa đất nước đi lên.
Đến bảo tàng Quang Trung, thăm nơi ông đã sinh ra, chiêm ngưỡng những hiện vật của bảo tàng, lịch sử Việt Nam đáng tự hào nhưng nhiều đau thương quá. Ví như Vua Quang Trung, sáng láng như vậy mà chỉ được làm ngôi sao băng. Người dân anh hùng như vậy, luôn sẵn sàng bên người anh hùng của mình để gìn giữ non sông đất nước nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng mức công lao của mình và rồi họ vẫn bị dập vùi qua biết bao thăng trầm của lịch sử…
Trên đường về Qui Nhơn, chúng tôi còn đến thăm Đàn Tế trời ở núi Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, được xây dựng từ tháng 11/2011. Tương truyền, nơi đây anh nhà Tây Sơn đã lập đàn tế Trời Đất để nhận Ấn, Kiếm và cầu Trời đất phù hộ cho đại nghiệp thành công. Khu di tích này xây dựng rất hoành tráng. Từ trên đỉnh núi cao, lồng lộng gió trời có thể ngắm toàn cảnh Tây Sơn. Đàn Tế Trời Đất mà bất cứ Minh quân nào của đất Việt cũng thực hiện các nghi lễ khi làm việc lớn, như chuẩn bị xuất quân đánh tan kẻ thù xâm lược, cầu hiền tài, cầu Quốc thái dân an, thiên hạ thái bình… được xây dựng ở nhiều nơi nhưng không nơi nào hoành tráng như ở Tây Sơn - Bình Định.
Thăm Bình Định càng ngưỡng mộ Quang Trung, Ngôi sao băng chói ngời trong lịch sử chiến tranh chống xâm lược của đất Việt và đặt cơ sở xây dựng một đất nước yên bình.
Nhớ những công lao của các vị anh hùng trong lịch sử để tự hào với lịch sử nước nhà. Điều trăn trở cho mỗi người là, hậu thế làm gì để có sức bật mạnh hơn, phát triển nhanh hơn như một số nước trong khu vực và không bị tụt hậu. Lịch sử thời Trần, đánh tan quân Nguyên từng bá chủ khắp Âu, Á và đưa nước nước nhà phát triển thịnh vượng; lịch sử thời Tây Sơn với quá trình thống nhất toàn bộ đất nước sau hàng trăm năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh trong hơn 1 tháng giữ gìn bỡ cõi của đất nước. Và nhiều nữa, những chiến công hiển hách của cha ông trong công cuộc chống ngoại xâm và vảo vệ, xây dựng đất nước qua 4000 năm lịch sử… sẽ là điểm tựa cho dân tộc phát triển nếu lịch sử được đề cao làm động lực đi lên.
Nếu Quang Trung không ra đi quá sớm, Việt Nam thời đó ắt hẳn phát triển, nước mạnh, dân yên. Vì, với những chính sách kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao… tiến bộ của ông, nước Việt đã có thể thoát khỏi ách xâm lăng của đế quốc, thực dân giống như Nhật và Thái Lan, không bị đô hộ, giữ được độc lập tự chủ để có cơ hội phát triển.
Nga Minh