Ca Lê Thuần: Người đi, tên tuổi vẫn ở lại

Thời thanh niên, tôi và Ca Lê Thuần có cùng hoàn cảnh xã hội. Năm 1954, sau Hiệp định Gèneve, tôi và Ca Lê Thuần tập kết ra Bắc



GS.TS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam và PGS. Nhạc sĩ Ca Lê Thuần (Ảnh chụp năm 2015).

Anh về công tác ở Đoàn văn công Quân giới Phân khu miền Tây Nam bộ, sau đó chuyển về Đoàn văn công Nam bộ rồi Đoàn Văn công Sư đoàn 330. Còn tôi khi tập kết ra Bắc, tôi về C10, D35 của sư đoàn 338. Chúng tôi có cùng một đam mê chung, một tình yêu chung, đó là âm nhạc.

Năm 1959, Ca Lê Thuần được cử đi học Sáng tác - Lý luận ở Nhạc viện Odessa (Liên Xô). Cũng năm 1959, tôi phải giải ngũ theo diện thương bệnh binh hạng nặng và trúng tuyển ngành Sáng tác ở trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1964, theo yêu cầu của Nhà nước, hầu hết các lưu học sinh học các ngành Văn hóa, Nghệ thuật đang học ở nước ngoài đều phải về nước, trong đó có Ca Lê Thuần.
 
Ca Lê Thuần về nước và tham gia giảng dạy ở trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1972, anh trở lại Nhạc viện Odessa để hoàn thành chương trình học còn dở dang. Cũng khoảng thời gian này, năm 1966, tôi được Nhà nước cử sang Nhạc viện Leningrad, đây là một trong hai nhạc viện lớn nhất của Liên Xô thời ấy, nay là Nhạc viện Saint Petersburg thuộc CHLB Nga để tu nghiệp và bảo vệ nghiên cứu sinh.
 
Ca Lê Thuần là một người được đào tạo bài bản, chính quy về môn hòa thanh - phức điệu. Anh đã kỳ công viết quyển sách Hòa âm để lại cho nhiều thế hệ học trò, một giá trị lớn cho hiện tại và tương lai. Ca Lê Thuần chính là một trong những giảng viên âm nhạc đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ đầu thành lập trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Với tôi, anh là một nhà sư phạm mẫu mực, xuất sắc về âm nhạc, anh đã có những đóng góp lớn cho các thế hệ mà ngày nay, những người học trò của anh đã thành danh, nổi tiếng trong và ngoài nước. Tôi vẫn nhớ trong cuộc sống đời thường cùng với tôi ở bất cứ cương vị nào, Ca Lê Thuần đều gạt bỏ mọi chức vị, danh tiếng... và anh chỉ đơn giản xưng mình là một ông thầy làm nghề dạy nhạc.
 
Ở lĩnh vực lý luận âm nhạc chuyên nghiệp, theo tôi, anh là một nhà âm nhạc học uyên bác, một cây bút lý luận âm nhạc hàng đầu, số 1 của cả nước. Với những công trình nghiên giá trị thực tiễn, anh đã góp phần phát triển dòng nhạc “hàn lâm” - giao hưởng thính phòng, thể loại khí nhạc còn quá non trẻ của Việt Nam như thêm sức sống để vươn xa ra quốc tế.

Ở lĩnh vực sáng tác, Ca Lê Thuần có những đóng góp đáng kể qua các tác phẩm nổi trội: Thành phố lên đường (Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng), Người con gái đất đỏ (Kịch múa), Việt Nam tiếng hát trái tim ta (Hợp xướng), Ánh sáng và bóng tối (Âm nhạc cho múa), Âm thanh đồng bằng (Tứ tấu đàn dây), Giao hưởng thơ cung Rê thứ, Ngọc trai đỏ (Tổ khúc giao hưởng, kịch múa), Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (Kịch múa), Ballade Symphonique Thành phố quê hương (Dàn nhạc thính phòng), Bài ca Việt Nam (Hợp xướng), Opera Người giữ cồn…
 
Thơ giao hưởng Dáng đứng Việt Nam (1974), anh viết khi anh biết tin Ca Lê Hiến - Nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 ở Sài Gòn. Xúc cảm từ những vầng thơ đau xé lòng của Lê Anh Xuân: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/ Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng/Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng...
 
Ca Lê Thuần đã viết tác phẩm tác phẩm đầy khí phách, bi hùng tráng như để khóc người thân, khóc quê hương đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Với tôi, Lê Anh Xuân là một tài năng lớn, đạn bom chiến tranh đã cướp mất anh khi còn quá trẻ. Ca Lê Thuần với tôi là đồng nghiệp, còn Ca Lê Hiến với tôi là một người bạn thân thiết. Nhớ lúc ở Hà Nội, tôi với Hiến rất gắn bó, bởi anh em hợp tính nhau, Hiến lúc nào cũng nho nhã, thủ thỉ... Sau này viết giao hưởng số 9, tôi đã lấy bài thơ Dòng sông tuổi nhỏ của Hiến đưa vào tác phẩm, như để tặng tất cả những người lính đồng bằng sông Cửu Long tập kết ra Bắc.

Tác phẩm của Ca Lê Thuần thường có nội dung gắn với lịch sử dân tộc, anh hùng dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, đậm chất âm nhạc dân gian Nam bộ. Ở mỗi tác phẩm của anh, người nghe cảm nhận từng giai điệu vang lên gần gũi từ cảm xúc thật của tác giả. Chương trình “Việt Nam tiếng hát từ trái tim” nhân 100 ngày mất của PGS - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, một chương trình không chỉ đơn thuần để tưởng nhớ anh mà còn cho chúng ta hiểu được những đóng góp to lớn của anh cho nền âm nhạc nước nhà. Anh đã ra đi nhưng  tác phẩm và tên tuổi của anh vẫn sống mãi trong lòng người yêu nghệ thuật âm nhạc.


GS.TS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

Nguồn: SGGPO

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ca-le-thuan-nguoi-di-ten-tuoi-van-o-lai-a9993.html