26/04/2017 11:08
26/04/2017 11:08
Di sản văn hóa và phát triển du lịch ở Phú Yên
Vừa qua, tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt, thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, UBND Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Đại học quốc gia Văn hóa nghệ thuật Moscow (Cộng hòa Liên bang Nga); Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Văn hóa với Du lịch trong thế giới hội nhập”.
Đã có hơn 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, giáo sư Đại học, chuyên gia đầu ngành được trình bày tại Hội thảo, cho thấy sự gắn kết hữu cơ giữa Văn hóa với Du lịch trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ một quốc gia nào. Nhằm cung cấp thêm thông tin giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch có cách nhìn đúng đắn sâu sắc về sự phát triển của du lịch trong thế giới hội nhập ngày nay để có cách ứng xử phù hợp trong hoạt động của mình...
Tháp Nhạn - ảnh tư liệu
1. Di sản văn hóa – Tài nguyên
Phú Yên là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ, một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có gần 600 di tích gồm nhiều loại hình như: Di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, đình, chùa, nhà thờ, lăng, miếu, dinh, lẫm. Trong đó có 20 di sản văn hóa vật thể và danh thắng được công nhận là di sản cấp quốc gia, 31 di sản văn hóa vật thể và danh thắng được công nhận là di sản cấp tỉnh… Các di tích nằm rải rác khắp địa bàn tỉnh chính là điểm nổi bật của Phú Yên.
Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Phú Yên còn bảo tồn và phát huy được nhiều di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình đa dạng, phong phú như: Lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ; đặc biệt lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển và nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chinh năm của đồng bào dân tộc Chăm, Bana ở miền núi Phú Yên, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phú Yên còn có các lễ hội liên quan đến danh nhân lịch sử (Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Trần Phú), các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng…
Về cảnh quan thiên nhiên, Phú Yên còn sở hữu nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài gần 200km bờ biển, gắn với nhiều đầm, vịnh cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi bật nét kiến tạo địa chất độc đáo như gành Đá Đĩa, Hòn Yến, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Bãi Xép, Bãi Môn –Mũi Điện, Vũng Rô, núi Đá Bia, Hòn Nưa. Ngoài ra, nhờ thiên nhiên ưu đãi, Phú Yên có nhiều đặc sản văn hóa ẩm thực như sò huyết Ô Loan, ốc nhảy, ghẹ đầm Cù Mông, cá ngừ, bánh tráng lòng heo Hòa Đa, bò một nắng, các sản vật tôm, mực, cá miền biển và nước ngọt có vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn đối với khách du lịch....
2. Du lịch phát huy giá trị di sản văn hóa
Với Phú Yên, từ sau đại lễ kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển đến nay (1611-2011) du lịch Phú Yên có bước chuyển biến vượt bậc, thể hiện từ nhận thức đến các việc làm cụ thể; các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của các chính sách, quy định liên quan đến phát triển du lịch, giúp các tầng lớp nhân dân địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng góp phần phát triển du lịch bền vững. Các công trình cung cấp điện thắp sáng, điện thoại, nước sạch được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của các tầng lớp nhân dân. Đến tháng 12/2016, toàn tỉnh có 135 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; tổng số buồng lưu trú 2.770 buồng, trong đó có 500 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Chỉ trong 5 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ngành Du lịch Phú Yên đón hơn 45.000 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái….
Khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, từng bước hình thành cơ bản về tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra nhiều di tích lịch sử-văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo đang phát huy giá trị, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách. Huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch. Thời gian qua xã hội hóa hoạt động du lịch ở Phú Yên bước đầu đạt được một số kết quả. Một số doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đầu tư vào xây dựng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống (nhà nghỉ, nhà hàng) phục vụ khách du lịch...Tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Sao Việt, được ví như cánh chim đầu đàn trong đầu tư phát triển du lịch từ nguồn lực của doanh nghiệp, cũng có một vai trò quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Trong thực tế, nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế của Phú Yên thời gian qua rất hạn hẹp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn văn hóa. Sau khi khai thác và trong quá trình vận hành, nguồn kinh phí thu được từ du lịch quay trở lại đầu tư một phần cho di sản như việc tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy thêm những giá trị của di sản văn hóa. Như vậy, có thể thấy du lịch phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng tình hữu nghị giữa con người với con người không chỉ trong một địa phương hẹp hay một quốc gia dân tộc mà là cả nhân loại.
Di tích lịch sử Vũng Rô
3. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững ở Phú Yên
Để du lịch tỉnh Phú Yên phát triển đúng với tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: “Phú Yên – Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”, Tỉnh ủy Phú Yên đang triển khai Chương trình hành động về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu phấn đấu trong 5 năm thu hút hơn 7 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh; trong đó khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch tăng khoảng 29,5%/năm. Đến năm 2020, tiếp đón hơn 2.000.000 lượt khách, trong đó có khoảng 490.000 lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch khoảng 3.100 tỷ đồng; có 250 cơ sở lưu trú du lịch, với 5.800 buồng, tăng gấp đôi so với năm 2015; hơn 15 khách sạn 3-5 sao; thu hút 8.000 lao động trong tỉnh; có từ 70-80% lao động được bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên ngành... Để đạt được mục tiêu trên cần thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước và địa phương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ hai, các địa phương trong tỉnh cần phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn huyện, thị, thành phố đủ điều kiện đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích. Tăng cường công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật, trong đó chú trọng: Hạ tầng giao thông, Hạ tầng kỹ thuật điện, nước, hạ tầng kỹ thuật viễn thông, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất, thu hút đầu tư đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong quy hoạch phát triển KT-XH của các địa phương.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, lễ hội, văn hóa ẩm thực của Phú Yên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các hội chợ, triển lãm du lịch lớn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Thứ tư: triển khai thực hiện các văn bản quan lý nhà nước về công tác du lịch trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12 CT/UB ngày 17/9/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh thân thiện; Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên; khắc phục những vấn nạn thường xảy ra tại các di tích, danh thắng như: Giao thông lộn xộn, không an toàn; vệ sinh an toàn thực phẩm; rác rưởi, bụi bặm, nhà vệ sinh bẩn, văn hóa bán hàng không hấp dẫn…
Thứ năm, từ thực tế quản lý và khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh, các danh thắng trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua; chính quyền địa phương cần tiếp tục đề xuất cấp thẩm quyền cơ chế chính sách, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là thu hút những nhà đầu tư lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật tại các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng phát triển du lịch trên địa bàn các huyện, thị, thành phố.
Thứ sáu, xây dựng tour đến các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, các công trình tôn giáo, tâm linh trên địa bàn toàn tỉnh. Theo tour du lịch, người hướng dẫn viên phải giúp du khách hiểu rõ những giá trị nổi bật về di sản văn hóa và những phong tục tập quán tốt đẹp của Phú Yên. Có như vậy, giá trị của các di sản mới trở nên vĩnh hằng, hoạt động du lịch cũng vì thế ngày càng phát triển hơn.
Thứ bảy, khuyến khích phát triển mạnh các tour chuyên đề: Tham quan, nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa đá, lễ hội tâm linh, ẩm thực, mua sắm; du lịch khám phá, mạo hiểm... Cần phải có chính sách ưu đãi, tôn vinh kịp thời, đúng mức những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho phát triển du lịch-dịch vụ Phú Yên phát triển
bền vững.
ThS. Nguyễn Hoài Sơn
Nguồn: baodulich.net.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-san-van-hoa-va-phat-trien-du-lich-o-phu-yen-a9963.html