Kiến trúc tuyệt mỹ
Tháp Bà Ponagar là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, còn gọi là núi Tháp Bà nơi cửa sông Cái, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc. Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.
Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ.
Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp toạ lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, là tháp Ponagar.
Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6 m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin và các tượng linh vật.
Tháp Bà Ponagar là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm. Kỹ thuật xây dựng giai đoạn từ thế kỷ thứ VIII đến XIII cho đến nay vẫn là điều bí ẩn dù nhiều nhà nghiên cứu đã vào cuộc, nhiều công trình khoa học đã được thực hiện. Người ta vẫn chưa hiểu được người Chăm đã làm cách nào để những viên gạch với kích cỡ 20x20cm cứ chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một chất kết dính nào. Đó là nét độc đáo khiến du khách thêm phần yêu thích ngôi đền tháp này.
Về kỹ thuật, tất cả tháp này được xây bằng gạch và trang trí nghệ thuật bằng các chất liệu đá - gốm, nội dung thể hiện cũng gắn liền với các vị thần được thờ ở đây. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá thể hiện các chủ đề khác nhau theo tôn giáo Bà-la-môn, như các pho tượng tròn (hiện đang trưng bày tại Viện Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa) gắn liền với khu đền tháp tạo thành mảng kiến trúc nghệ thuật tuyệt mỹ.
Lễ hội Tháp Bà
Vào những ngày lễ vía Bà hàng năm (từ 20 đến 23 tháng 3 âm lịch), tháp Bà Ponagar đón hàng vạn khách du lịch hành hương cũng như người dân trong vùng về dự lễ hội nhằm để tưởng nhớ công ơn của Thiên Y Ana Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Po Inư Nagar), người mẹ xứ sở đã có công dạy người dân cách làm ăn, sinh sống.
Trong sử sách cũng như tiềm thức của người Chăm, vai trò của nữ thần Po Inư Nagar đặc biệt quan trọng và đó là biểu tượng người phụ nữ duy nhất được tôn thờ độc lập. Mọi người tin Po Inư Nagar là vị thần đầy quyền năng, sáng tạo… Mẹ xứ sở không chỉ nâng đỡ người Chăm từ những bước đi đầu tiên thời lập quốc mà luôn luôn dẫn dắt đời sống tinh thần của từng gia đình cũng như cả cộng đồng.
Theo các nhà nghiên cứu, khoảng từ giữa thế kỷ XVII đến nay, nghi lễ thờ cúng Mẹ xứ sở được người Chăm và người Kinh tổ chức chu đáo tại Tháp Bà Ponagar. Năm 1653, những người dân Việt từ phía Bắc, theo chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi, dừng chân bên cửa sông Cái (Nha Trang), tạo lập nên làng mạc, xóm thôn… Và, chính họ đã mang theo phong tục thờ cúng Mẫu của người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ vào đây. Hàng năm, cứ đến ngày 20 tháng 3 âm lịch, người Chăm, người Kinh ở khắp nơi, mang theo lễ vật, hành hương về Tháp Bà Ponaga Nha Trang, thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với một người phụ nữ đã có công chỉ dạy dân lành biết cách làm ăn, sinh sống bằng nghề nông.
Các nghi lễ chính của lễ hội Tháp Bà Ponagar gồm lễ mục dục (tắm tượng), lễ tế gia quan (lễ thay y) diễn ra vào giờ Ngọ ngày 20 tháng 3 âm lịch, tiếp đến là lễ tế sanh, dâng cúng đồ tế, múa bóng mời thiên y thánh mẫu và các bậc thần linh về dự lễ. Theo nghi thức, lễ cúng thánh mẫu thường mở đầu bằng lễ khai kinh cầu quốc thái dân an. Lễ tế sanh bắt đầu vào giờ Tý, đêm 22 âm lịch do các bô lão thực hiện, sau đó lễ cầu cúng chính thức diễn ra vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau... Những bài múa nổi tiếng của dân tộc Chăm như Apsara, bến nước tình yêu, tình láng giềng... cùng tiếng khèn Saranai, trống ghi-năng vui nhộn làm say đắm bao lòng người du khách…
Theo cinet.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bi-an-thap-ba-ponagar-a995.html