NSUT Đình Bảo qua đời ở tuổi 75

NSƯT Đình Bảo đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ 15 phút, ngày 21/4 tại nhà riêng. Hưởng thọ 75 tuổi.



NSƯT Đình Bảo - Ảnh: Dân ca Xứ Nghệ

NSƯT Đình Bảo (sinh năm 1943) tại Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An. Trước đó, NSƯT Đình Bảo đã bị bệnh u phổi và đã được gia đình đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Lao phổi Nghệ An. Sau nhiều ngày điều trị, dù đã được các thầy thuốc hết lòng cứu chữa nhưng do bệnh nặng, NSƯT Đình Bảo đã ra đi trong niềm thương xót của gia đình, nghệ sỹ và đông đảo khán giả yêu mến làn điệu Tứ hoa, đây là làn điệu trong trích đoạn “Loan – Vải” chia tay trong vở sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh “Mai Thúc Loan” vang bóng một thời.

Thông tin trên trang tin tổng hợp dân ca xứ Nghệ cho biết, trong sự nghiệp diễn của mình ông không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu vở kịch, chỉ nhớ những vở diễn từng gắn với tên tuổi của ông như: vai: Anh cu Phi trong vở kịch dân ca: "Không phải tôi" - Hội diễn toàn quốc tại thành phố Vinh, đạt Huy chương Vàng. Lúc đó ông bước sang tuổi 24. Tiếp nối, Huy chương Vàng thứ 2 trong vở "Thử lòng chung thuỷ", liên hoan toàn quốc. Các Huy chương Bạc: Vai: Ông xã quan trong vở kịch "Mai Thúc Loan"; vai: Anh Giao trong "Hạt lúa quê ta"; vai Thìn trong vở "Tấm Cám". Ông nhớ nhất khi ông vào vai chú hề Thìn khiến mọi người xem được trận cười vỡ bụng. Một anh hề Thìn phong phú động tác châm biếm mẹ con nhà Cám, nhất là khi mẹ con Cám thử chân của mình vào hài của Tấm hay ông hoá thân chú Lượm đưa thư nhí nhảnh, vô tư, hồn nhiên, trong sáng... Ngoài diễn xuất, ông biết chọn những trang phục phù hợp với nhân vật. Đặc biệt, tự tay ông hoá trang từng nhân vật của mình. Lúc thì thấy ông tảo tần trong bộ đồ nâu gũ bên dòng Sông Lam với mái tóc cháy nắng, lúc đôi má đỏ ửng quả cà chua, răng sún...

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê xã Diễn Minh (Diễn Châu). NSƯT Đình Bảo là con thứ 3 trong gia đình có 6 chị em, duy nhất thích hát dân ca và mê đắm những câu dân ca từ nhỏ. Bố mẹ trầm tính, không biết hát dân ca, trái ngược hoàn toàn với Bảo. Yêu dân ca khiến cậu Bảo nhiều lần trốn học đi xem văn nghệ ở xã, ở huyện, bị bố mẹ đập vẫn không chừa. Quê Bảo ngày đó có nghề kéo xa, hát phường vải nhưng không đông, chỉ 5, 6 bà. Người kéo, người dệt, người cán bông, vừa làm vừa hát phường vải. Bảo thích đến nỗi, đến nghe hát ngủ quên ở góc sân nhà hàng xóm cho đến tận sáng hôm sau. Những lần ở huyện tập văn nghệ, ngày nào Bảo cũng lách cách chiếc xe đạp đi xem. Nhà có một chiếc xe, lại cũ kỹ, hay tuột xích, mặt ông lem nhem dầu mỡ. Tuổi thơ Bảo gắn với những bãi ngô dài tít tắp, cánh đồng hoa cải vàng, bờ ao rửa cỏ. Bảo lớn lên từ sự vất vả, tảo tần của bố và mẹ. Biết con say đắm dân ca, bố mẹ chiều lòng cho ông lựa chọn ước mơ của mình. Ông được tuyển vào Đoàn văn công Nghệ An lúc ông xấp xỉ tuổi 18. Ông nhớ như in buổi chiều đông đó, ông đang co ro rửa cỏ bên bờ ao, nghe tiếng hỏi thăm nhà, thì ra cán bộ đoàn văn công tìm chú Hạ trong Tiểu phẩm "Cái gì quý nhất" với thời lượng 20p - Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh (lúc đó Bảo 16 tuổi). Bảo vào vai chú Hạ để lại ấn tượng sâu đậm với  Ban giám đốc của đoàn văn công Nghệ An lúc bây giờ. Lãnh đạo đoàn về Diễn Minh tuyển thẳng Bảo vào đoàn. Từ đó, cậu Bảo không ngừng học hỏi kinh nghiệm hát dân ca, chèo... và diễn xuất. Đặc biệt, ông biết tìm ra cái diễn xuất riêng của mình mà không giống bất cứ diễn viên nào.
 
Ông từng tham gia dạy hát dân ca trên sóng Đài phát thanh truyền hình Nghệ An; Trường Văn hoá Nghệ thuật tỉnh; Trung tâm văn hoá, các  cơ quan, đơn vị, trường học tỉnh Hà Tĩnh. Ông đã đem những câu hát của mình với chất giọng trong, ấm, đặc trưng của Đình Bảo để truyền cho thanh thiếu niên; một số cơ quan, trường học... của tỉnh Hà Tĩnh. Ông không thể từ chối bởi "Thầy" từng dìu dắt, cho ông kỹ thuật hát dân ca là người Hà Tĩnh nên ông xem Hà Tĩnh là quê hương thứ 2 của ông từ lâu lắm rồi. Vì vậy, không cần xe đón đưa, chỉ cần một cuộc điện thoại là ông tự bắt xe vô. Với Đình Bảo, gần 20 năm dạy hát dân ca không phải vì kinh tế mà trong ông có một sự lớn lao gấp bội đó là niềm đam mê, tình yêu nghề, là tâm huyết truyền đạt các làn điệu dân ca, là nặng lòng, là duyên nợ với câu hò điệu ví. Cho nên, "cát xê" bao giờ ông cũng lưu lại một nửa để động viên, khích lệ.

Trao đổi với phóng viên phuongnamplus.vn qua điện thoại, nhạc sỹ Phan Thành là đồng nghiệp của NSƯT Đình Bảo cho biết, tang lễ của NSƯT Đình Bảo được tiến hành tại nhà riêng tại TP Vinh, sau đó di quan về xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn vào lúc 17 giờ và an táng tại quê nhà.

 
P.V

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nsut-dinh-bao-qua-doi-o-tuoi-75-a9902.html