21/04/2017 08:52
21/04/2017 08:52
Tuổi thơ tôi nằm trong giọng ca của NSƯT Thanh Sang
Trong những ngày qua, khán giả mộ điệu cải lương rất buồn trước tin NSƯT Thanh Sang qua đời. Giọng ca mộc mạc của ông chất chứa kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người, đặc biệt là những người miền Tây sông nước.
NSƯT Thanh Sang - Ảnh: Tư liệu
Trong những ngày qua, khán giả mộ điệu cải lương rất buồn trước tin NSƯT Thanh Sang qua đời. Giọng ca mộc mạc của ông chất chứa kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người, đặc biệt là những người miền Tây sông nước.
Đến bây giờ không còn trẻ nữa nhưng mỗi lần vô tình nghe được giọng ca mộc mạc của ông văng vẳng đâu đó, ký ức tuổi thơ trong tôi lại ùa về. Rõ mồn một cái nghèo khó, thời đất nước mới thống nhất vài năm và Miền Nam vẫn còn sống trong cơ chế bao cấp, ngăn sông cấm chợ.
Ngày đó, cải lương hưng thịnh, không mai một như bây giờ. Gần như bộ môn nghệ thuật đặc trưng Nam Bộ này là món "ăn tinh thần" duy nhất của người miền Tây.
Thời đó, đất nước còn khó khăn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gần như chỉ có một đài truyền hình Cần Thơ, chỉ phát sóng từ lúc 18 giờ đến 22 giờ 30 phút mỗi ngày, mở đầu là chương trình tiếng Kh'mer. Ngoài những bộ phim ca ngợi tinh thần chiến đấu của nhân dân trong chiến tranh, thỉnh thoảng nhà đài phát sóng những bộ phim của các nước nằm trong khối xã hội chủ nghĩa như Tiệp Khắc, Ba Lan, Liên Xô... Con nít chỉ được xem chương trình "Những bông hoa nhỏ", từ lúc 19 giờ, kéo dài khoảng 15 phút.
Ngày đó, điện đóm còn khan hiếm. Đêm về, đèn dầu lù mù không đủ sáng căn nhà tranh, ngoài hiên nỉ non tiếng côn trùng, ếch nhái... Tivi đen trắng là món xa xỉ, chỉ nhà nào khá giả lắm mới có thể sắm nổi. Chiếc tivi là "báu vật" trong nhà nên ban ngày người ta trùm vải kín mít, tránh bụi bặm bám vào, đêm mới kéo vải ra. Trước khi bật "núm" mở tivi, người ta phải cầm sợi dây điện, kẹp hai chiếc "càng cua" vào hai nguồn của bình ắc-quy.
Mỗi tuần, vào ngày thứ 7, đài truyền hình Cần Thơ thường phát sóng những tuồng cải lương. Đây là buổi tối bà con miền Tây, từ già đến trẻ háo hức nhất. Muốn được xem những danh ca: Thanh Nga, Thanh Sang, Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Diệp Lang, Phượng Liên, Bảo Quốc.. bà con phải đốt đuốc, bơi xuồng đi xa hàng cây số để đến nhà của ông Tám Tàng, nhà duy nhất ở quê tôi có chiếc ti vi, ngồi quây quần trước sân, coi ké.
Nằm nép trong lòng má, trên chiếc chiếu trải trong sân vương đầy hoa cau, sáng vàng ánh trăng, qua màn hình đen trắng của chiếc tivi trắng đen 14 inches, lần đầu tiên tôi được xem NSƯT Thanh Sang sắm vai Thi Sách trong vở tuồng kinh điển Tiếng trống Mê Linh. Giọng ca mộc mạc, trầm ấm của ông hòa quyện cùng giọng ca u buồn của nữ danh ca tài sắc Thanh Nga, đã thực sự gây xúc cảm cho một đứa trẻ mới 6 tuổi như tôi. Năm đó là năm 1982, lần đầu tiên tôi chớm nở sự yêu thích bộ môn nghệ thuật Nam Bộ.
Đây cũng là tuồng cải lương được dàn dựng, quay hình và phát sóng trên truyền hình đầu tiên, sau ngày đất nước thống nhất. Thời điểm tôi được xem, tuồng này đã được phát sóng tới lui nhiều lần và NSƯT Thanh Nga đã về cõi vĩnh hằng được 4 năm. Vậy mà bà con nghèo, trong đó có ba má tôi vẫn mê mệt, coi hoài không biết chán.
Còn quá nhỏ để cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa từng câu ca, cũng như cái "hồn" của làn hơi, nét diễn của NSƯT Thanh Sang, nhưng tôi vẫn ấn tượng, nhớ mãi ánh mắt của Thi Sách, biến chuyển theo từng phân đoạn, cao trào của vở tuồng: Cực kỳ tình tứ với phu nhân Trưng Trắc trước giờ ly biệt, xông pha chiến trận. Sắc lạnh khi ra lệnh cho Trưng Trắc nổi trống trận, không chấp nhận đánh đổi mạng sống của chồng với tên Thái thú Tô Định, rút lệnh xuất quân. Sự hung hăng của Thái thú Tô Định (do nghệ sĩ Văn Ngà đóng) làm tôi hoảng sợ đến khóc thét, phải co ro vào lòng má , thì chính ánh mắt uy nghi của Thi Sách làm cho thằng nhóc như tôi cảm thấy yên lòng.
Những ngày thơ ấu, tôi còn được coi NSƯT Thanh Sang trong vở tuồng Bên cầu dệt lụa. Vẻ hiền lành, chất phác và mộc mạc của ông đã làm cho vai Trần Minh "khố chuối" nghèo khổ, hiếu học đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Rất tự nhiên, đi vào lòng người nhẹ nhàng như cơn gió, bên cạnh vẻ đài các, kiêu sa của công chúa Quỳnh Nga do NSƯT Thanh Nga thủ diễn.
Có thể nói ông và NSƯT Thanh Nga sinh ra là để "ghép nhau thành một đôi" hoàn hảo nhất trên sân khấu.
Sau này đã nhổ giò, trở thành một thiếu niên, tôi còn được xem NSƯT Thanh Sang trong vở tuồng Đời cô Lựu. Lúc này câu ca cải lương đã thật sự ngấm vào máu thịt, tôi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của nét diễn, làn hơi dài mùi mẫn, trầm ấm của ông. Vai diễn thầy giáo Hai Thành của ông trong vở tuồng kinh điển này, cho đến giờ này vẫn chưa một nghệ sĩ nào vượt qua ông nổi. Ông diễn như không diễn, nam tính, sang trọng và ca rõ lời như nói.. đã làm toát lên thần thái của một thầy giáo nghèo nhưng sống cuộc đời thanh bạch, bên cạnh cô Lựu đầy truân chuyên qua diễn xuất của NSND Bạch Tuyết.
Nếu ngồi kể chi tiết hết hàng trăm vai diễn của NSƯT Thanh Sang trong hàng trăm tuồng, có lẽ tôi không thể nào nhớ hết nổi. Chỉ có thể nhắc vài vai diễn ấn tượng nhất của ông. Chỉ biết rằng, ông là cả một khoảng trời tuổi thơ của tôi và nhiều người miền Tây cùng trang lứa...
Mưu sinh ở Sài Gòn nhộn nhạo, thỉnh thoảng và hiếm hoi nghe giọng ca của ông văng vẳng từ máy hát đĩa trong một xóm lao động,trong tôi lại dậy cảm xúc mạnh mẽ…. Những kỷ niệm thời thơ ấu ở vùng quê sông nước chợt hiện về rõ mồn một…
Lê Ngọc Dương Cầm
Nguồn: motthegioi.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tuoi-tho-toi-nam-trong-giong-ca-cua-nsut-thanh-sang-a9894.html