Trần Bạch Đằng - Một cây bút tài hoa, trí tuệ

Trần Bạch Đằng vừa là một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa vừa là một nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo đầy nhiệt huyết.

 
Đồng chí Lê Hoàng Quân thắp hương tưởng nhớ ông Trần Bạch Đằng, nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh : Hoàng Hải/TTXVN
 
Những bài viết chính luận của ông dù trong máu lửa chiến trường hay trong giai đoạn đất nước độc lập, hòa bình lúc nào cũng mang sức lôi cuốn lớn.
 
Một cây bút hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam
 
Trần Bạch Đằng tên thật là Trương Gia Triều, sinh ngày 15-7-1926 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Ông tham gia cách mạng từ khi 17 tuổi. Năm 1946, ở tuổi 20, ông được giao phụ trách tờ “Chống Xâm Lăng” của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951, ông làm Tổng Biên tập Báo “Nhân Dân miền Nam” của Xứ ủy Nam Bộ.
 
Hơn 60 năm gắn liền với sự nghiệp báo chí, với tư cách là một nhà báo chân chính, một nhà báo cách mạng, tràn đầy tính chiến đấu, ông luôn cổ vũ nồng nhiệt cho cái mới, cái tiến bộ, cho sự nghiệp chính nghĩa, cao cả của Đảng, đất nước và nhân dân.
 
Trước những sự kiện lớn của đất nước, ông đều có những bài viết phân tích, nhận định, bày tỏ thái độ và đề xuất những giải pháp, kiến nghị. Những vấn đề chính trị mà ông quan tâm rất rộng, từ dân chủ xã hội, vấn đề Đảng cầm quyền đến hội nhập văn hóa, Nhà nước và kinh tế thị trường, quân đội với kinh tế thị trường, đấu tranh tư tưởng…
 
Những bài viết của Trần Bạch Đằng về kinh tế rất có chiều sâu và dễ hiểu. Ông như người thổi hồn vào những vấn đề tưởng chừng như khó hiểu này để mọi người đọc với những trình độ khác nhau đều có thể hiểu. Là một nhà lãnh đạo, ông có nhiều điều kiện đi đến các nơi tìm hiểu và có nhiều thuận lợi trong tiếp cận vấn đề. Chính vì vậy mà những bài viết của ông bàn về phát triển nông thôn, về kinh doanh, về du lịch, tiền lương… luôn cuốn hút người đọc.
 
Không cực đoan nhưng luôn thẳng thắn trong quan điểm, luôn có "lửa" trong ngòi bút, những bài báo của Trần Bạch Đằng đã được đông đảo người đọc đón nhận một cách tích cực. Ông còn tham gia tích cực, nhiều khi là can đảm không ngại đụng chạm để sự thật được nói lên. Một số bài báo của ông đã thực sự là chỗ dựa công luận cho người dân. Một số bài báo khác đã thực sự tiếp thêm dũng khí cho người trung thực trong cuộc đấu tranh vì sự trong sạch của guồng máy công quyền, vì sự công bằng xã hội.
 
Ông có một khả năng làm việc thật phi thường, một sức đọc, sức viết, sức nghĩ ít người sánh được. Ông không những viết khỏe, viết nhanh mà còn viết hay, hấp dẫn. Đọc các bài viết của ông, chúng ta luôn thấy hiện lên những sự kiện, những vấn đề thời sự nổi bật đang được mọi người quan tâm; những gương người tốt, việc tốt có thật xung quanh ta, những Má Tư, Thím Út, ông Năm… những tên người gắn liền với những hành động, những sự tích anh hùng mà ông đã trực tiếp nghe, trực tiếp gặp. Ngòi bút của ông khi viết về họ cũng chính là lúc ông trải lòng mình với Đảng, với dân, với nước; là lúc ông ngợi ca những hành động, những tấm gương anh hùng, dũng cảm, góp tiếng nói cổ vũ, phê bình và nêu lên những kiến giải.
 
Cái tài của ông không chỉ ở sự nắm bắt, phân tích các sự kiện, các vấn đề mà còn ở văn phong, bút pháp, vừa ngắn gọn, sâu sắc lại vừa hấp dẫn và dễ hiểu, kể cả khi ông viết về những đề tài “hàn lâm”, “bác học” hay những vấn đề thời sự của cuộc sống đời thường…
 
Một nhà văn có sức lao động khổng lồ
 
Ông là một nhà văn có sức lao động khổng lồ, trong cả thi ca lẫn tiểu thuyết và cả trong lĩnh vực viết kịch bản phim.
 
Ông là tác giả của những tập truyện ngắn tính thời sự như: “Bác Sáu Rồng” (1975), “Một ngày của bí thư tỉnh ủy” (1985) và của những tiểu thuyết góp phần thúc đẩy xu thế đổi mới của đất nước: “Chân dung một quản đốc” (1978), “Ngày về của ngoại” (1985). Ông thử sức và tự khẳng định trong lĩnh vực kịch: “Trần Hưng Đạo bình Nguyên” (1951), “Nửa tuần trăng kỳ lạ” (1984), “Tình yêu và lời đáp” (1985), “Một mùa hè oi ả” (1986), “Một mối tình” (1987).
 
Nếu kịch bản phim truyện “Ông Hai Cũ” (2 tập), “Dòng sông không quên” là thử nghiệm ban đầu thì tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết quy mô, hoành tráng “Ván bài lật ngửa” (9 tập) là một thành công rực rỡ. Những bước thăng trầm, những khúc quanh ngã rẽ gian truân của công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ngay trong sào huyệt của đối phương đã được nhà văn thể hiện sinh động, cuốn hút.
 
Do có điều kiện tìm hiểu, quan sát tại chỗ, và do bản lĩnh cách mạng già dặn nên ông đã tránh được căn bệnh sơ lược, giản đơn mà nhiều cây bút thường mắc khi viết về những nhân vật lịch sử thuộc tuyến đối lập. Có thể coi “Ván bài lật ngửa” là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi của văn học Việt Nam hiện đại.
 
Khác với tiểu thuyết hoặc kịch bản văn học, Trần Bạch Đằng đến với thơ thoải mái hơn nhiều. Có thể vì ông muốn tìm ở khu vườn tĩnh lặng này một cuộc chơi tinh thần tao nhã, để giải tỏa một phần sức ép khá căng từ nhiều phía của cuộc sống.
 
Qua các trang thơ, ông như muốn ghi lại nhật ký tâm hồn. Làm thơ, dù là ngắn gọn cô đúc 4 câu (như “Dạy học lậu”, “Ở Xa Cam”) hoặc quy mô hoành tráng 64 khổ, 256 câu (như “Hành trình”), hình như ông chủ yếu quan tâm đến ý tưởng, tâm trạng chứ không quá chú trọng, thậm chí có lúc sơ suất trong việc trau chuốt ngôn từ.
 
Ông đến với thơ cùng lúc ông đến với cách mạng. Trách nhiệm với dân với nước luôn đè nặng trên vai, vì thế dù ông đề cập đến tình riêng hay nghĩa chung thì chất lý tưởng, tinh thần kiên định của người chiến sĩ vẫn in đậm nét trong từng bài. Khí phách hào hùng, chất trữ tình và chiều sâu của sự suy tưởng thường hòa quyện trong thơ ông, đặc biệt khi nhà thơ đối diện với những thời điểm lịch sử: Miền Nam đồng khởi, Chiến dịch tổng tấn công xuân Mậu Thân, ngày 30/4/1975… Những bài thơ hay nhất của Trần Bạch Đằng được sáng tác trong không khí đặc biệt ấy: “Những người con gạo cội của miền Nam”, “Trong tổng tấn công đọc Lục Vân Tiên”, “Nghĩ về ngày đại thắng của một thành phố”…
 
Đánh giá về cuộc đời của ông, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Tiến sĩ Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Trên hết, ông là một người cộng sản đích thực đã hiến dâng tất cả sức lực, tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, trong đó báo chí chỉ là một trong những lĩnh vực, những hoạt động mà ông đã cống hiến thông qua ngòi bút thật sự là tài năng của ông. Và cũng vì thế, ông là người thật là hạnh phúc, xứng đáng được đón nhận những tình cảm, lòng biết ơn và quý trọng lớn lao của mọi người”.
 
Ngày 16 - 4 - 2007, ông đã từ giã cõi đời, hưởng thọ 81 tuổi.


 
Hồng Quảng

Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tran-bach-dang-mot-cay-but-tai-hoa-tri-tue-a9845.html